Kỹ sư Việt Nam phát minh máy chữa cháy mang sự an toàn cho thế giới

Nội dung bài viết

Kỹ sư Phan Đình Phương “sở hữu” hơn 30 bằng độc quyền phát minh sáng chế. Riêng phát minh thiết bị chữa cháy đã khiến Hiệp hội Phòng cháy - chữa cháy Hoa Kỳ phá lệ, kết nạp thành hội viên để… “mong ông có nhiều đóng góp, mang lại an toàn cho thế giới”…

Nghiệp sáng chế

Quen biết ông từ những năm cuối của thập niên 1990, khi ấy ông là nhân viên ở Công ty xăng dầu khu vực 5 tại Đà Nẵng. Ông thường gọi tôi đến để “khoe” những bước tiến triển trong ý tưởng nghiên cứu công nghệ “bắt” hơi xăng, “tóm” khí gas đang bốc hơi gây lãng phí và tăng nguy cơ cháy nổ. Lúc đó, tôi mơ hồ như ông đang làm thơ, cứ hâm hâm thế nào.

Bẵng đi một thời gian, câu chuyện tưởng chừng hão huyền đó đã được ông viết nên thành trang sử của ngành xăng dầu: Kỹ sư Phan Đình Phương đã chế được máy thu hơi xăng, ngưng tụ thành dòng, vừa tiết kiệm vừa đảm bảo an toàn cháy nổ. Công trình nếu áp dụng rộng rãi trên toàn quốc có thể tiết kiệm hàng tỉ đồng. Nhưng đấy không phải là phát minh sáng chế đầu tiên của ông.

Tốt nghiệp Đại học Bách khoa Hà Nội năm 1972, Phan Đình Phương nhập ngũ, vào Trường Sơn. Nơi chiến trường ác liệt, ông cùng đồng đội chế tác thành công thiết bị thay thế nhiên liệu để tận dụng chiếc máy bay HU-1H mà đặc công cách mạng đã “bắt sống” được, rồi tham gia chiến dịch giải phóng miền Nam bằng thứ xăng dầu riêng, khác chuẩn xăng dầu Mỹ.

Bằng sáng chế đầu tiên đầy tự hào ấy chỉ được thủ trưởng, đồng đội ghi nhận, nhưng nó là món quà, là hành trang lớn trong cuộc đời luôn sáng tạo của mình. Sau thành công việc “bắt” hơi xăng ngưng tụ ở Đà Nẵng, tiếng lành đồn xa, nhiều doanh nghiệp cả nước đến “đặt hàng sáng chế”. Trong đó, ông Phương đã thành công tiếp với máy thu hồi khí CO2 ở Nhà máy đường Quảng Ngãi.

Riêng tại hai nơi mà ông Phương công tác là Công ty xăng dầu khu vực 5, rồi Chi nhánh gas Đà Nẵng đã tạo điều kiện cho ông “sưu tập” gần 10 bằng sáng chế độc quyền liên quan đến việc sáng tạo ra các giải pháp làm an toàn bình gas, thu gom khí gas, xăng hoá lỏng, giải pháp phòng cháy tự động an toàn…

Kỹ sư Phan Đình Phương trong một lần trình diễn máy chữa cháy đa năng của mình.

Từ ám ảnh đến sáng tạo

Lâu năm làm ở ngành xăng dầu, khí gas, ông Phương luôn bị ám ảnh bởi những đám cháy. Ông lần mở cho tôi xem những đám cháy lớn đã quan tâm, sưu tập. Những bức ảnh hãi hùng, thương tâm mà thật tình ít ai muốn nhìn cho tường tận. Ông giải thích với tôi mà như tự nói với mình, để xảy ra hoả hoạn, gây bỏng nặng, chết người như thế này là mang tội suốt đời. Lửa có thể thiêu rụi tài sản, con người tính bằng giây thời gian, vì thế chỉ có phòng ngừa và kịp thời dập ngay từ đốm nhỏ. Phải áp đảo nó (lửa), dập tắt nó bằng giải pháp nhanh nhất, mạnh nhất thì mới hiệu quả.

Mày mò gần 10 năm, máy chữa cháy đa năng của ông Phương với giải pháp tối ưu đã ra đời, có khả năng phun hơi nước, bọt khí ngay lập tức khi nhận tín hiệu báo cháy; ngoài ra còn có khả năng lựa chọn chất chữa cháy thích hợp để phun cho từng đối tượng. Năm 2003, chiếc máy lần đầu tiên được dự triển lãm PCCC quốc tế tại TPHCM cùng với hơn 70 công ty, hãng chữa cháy chuyên nghiệp trên thế giới, đã lập tức thu hút sự quan tâm và khâm phục của giới chuyên môn. Đặc biệt là khả năng dập nhanh đám cháy xăng bằng giải pháp dùng khí CO2 đẩy hơi nước, đẩy bọt, bột chữa cháy... Sáng chế này đã được Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) cho điểm tuyệt đối 5 chữ A và đánh giá đạt tính mới của thế giới.
Năm 2005, Cơ quan Phát minh sáng chế Hoa Kỳ cấp bằng độc quyền sáng chế cho máy chữa cháy tự động đa năng của ông Phương - người Việt Nam đầu tiên nhận được vinh dự này. Hiệp hội Phòng cháy - chữa cháy Hoa Kỳ phá lệ, kết nạp ông Phương (người nước ngoài đầu tiên) thành hội viên với nhiều quyền lợi đặc cách. Chủ tịch Hiệp hội PCCC Hoa Kỳ - ông Jame Shannon - còn viết riêng cho ông Phương một thư thỉnh cầu, mời hợp tác và mong ông Phương có nhiều đóng góp, mang lại an toàn cho thế giới.

Thiết bị chữa cháy đa năng của ông Phương cũng đã được trao bằng độc quyền sáng chế trong nước, được trao Cúp vàng sở hữu trí tuệ Việt Nam và giải WIPO của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới trao tại Nhà hát Lớn Hà Nội vào tháng 5/2012. Hiện, hệ thống phòng cháy-chữa cháy của ông Phương không chỉ lắp đặt tại các trạm biến áp 220kV của EVN, ở các kho của công ty gas, các phân xưởng dệt-may của Tập đoàn công nghiệp Morito- Nhật Bản, vũ trường, mà còn được Bộ KHCN đồng ý nghiên cứu lắp đặt cho nhà máy điện hạt nhân tại Ninh Thuận.

Sáng chế này cũng đã được Tổng cục Tiêu chuẩn-Đo lường-Chất lượng công nhận thành tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN 7884: 2008), được Bộ KHCN công bố. Đặc biệt, Cục Cảnh sát PCCC, Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội của Bộ Công an công bố, đề nghị các sở cảnh sát thuộc các tỉnh, TP trực thuộc trung ương, các phòng cảnh sát PCCC- công an các tỉnh trong cả nước triển khai áp dụng thiết bị PCCC đẩy bằng khí nén của ông Phương.

Bây giờ ông đang mơ về nhiều giải pháp kỹ thuật mới như chế ra máy hút rác, thu gom nông sản như lúa, càphê... mà ông từng thành công. Có lẽ những ý tưởng mới đó không nên vội công bố, vì sẽ gặp cảm giác... hâm hâm, huyễn hoặc ở nơi ông mà tôi từng cảm nhận trước đây.

sblaw.vn Theo Thanh Hải
Báo Lao Động

0/5 (0 Reviews)

Bài viết liên quan