Kỷ lục Việt Nam về lĩnh vực Bản quyền tác giả nhân ngày Sở hữu trí tuệ thế giới (26/4)

Nội dung bài viết

Sở hữu trí tuệ đóng vai trò ngày càng quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của các quốc gia và đang dần trở thành mối quan tâm chung của cả thế giới. Thế kỷ mới được nhìn nhận là giai đoạn bùng nổ của sáng tạo trí tuệ, là thời đại định hình và hoàn thiện của các nền kinh tế dựa trên tri thức, trong đó vấn đề sở hữu trí tuệ đóng vai trò then chốt.

Với mong muốn truyền tải đến cả thế giới về vai trò, ý nghĩa của sở hữu trí tuệ, và nhằm kỷ niệm ngày thành lập của Tổ chức Sở hữu Trí tuệ thế giới – WIPO, cũng như khích lệ các thành viên của WIPO trong việc nổ lực phát triển các hoạt động sở hữu trí tuệ trên thế giới, tại cuộc họp lần thứ 26 Đại hội đồng WIPO (năm 1999) đã quyết định lấy ngày 26 tháng 4 hàng năm là "Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới”. Theo đó, mỗi năm Ngày sở hữu Trí tuệ thế giới đều có một chủ đề riêng xoay quanh hoạt động sáng tạo và đổi mới. Chủ đề của Ngày Sở hữu trí tuệ năm nay là “Sức sáng tạo: Thế hệ tương lai” - Creativity – The Next Generation.

Nhằm tôn vinh những giá trị sáng tạo của các tổ chức, cá nhân Việt Nam tạo ra trong các lĩnh vực văn học, nghệ thuật, khoa học và kỹ thuật, cũng như khẳng định vai trò đóng góp cho xã hội của Sở hữu trí tuệ, khuyến khích các tổ chức, cá nhân tăng cường hoạt động sáng tạo, đổi mới, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam được sự hỗ trợ của Cục Bản quyền tác giả, Cục Sở hữu Trí tuệ tiếp tục công bố kỷ lục Việt Nam về Sở hữu trí tuệ lần thứ 2 năm 2013. Website Quyền tác giả Việt Nam trân trọng giới thiệu 3 kỷ lục trong lĩnh vực quyền tác giả.

1. Tổ chức được cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả nhiều nhất tại Việt Nam – CÔNG TY TNHH MỘT THÀNH VIÊN NHÀ XUẤT BẢN GIÁO DỤC VIỆT NAM

Được thành lập năm 1957, Nhà xuất bản Giáo dục là một đơn vị trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo, có nhiệm vụ tổ chức biên soạn, biên tập, in ấn và tổng phát hành các loại sách giáo khoa và các xuất bản phẩm giáo dục khác phục vụ giảng dạy, học tập của các ngành học, bậc học trong toàn quốc; đồng thời giúp Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo công tác phát hành sách và thư viện trường học.

Là một đơn vị có nhiệm vụ cao cả, góp phần không nhỏ trong kế hoạch trồng người của đất nước, nên Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam hết sức quan tâm đến vấn đề đăng ký bản quyền và công tác thực thi bảo vệ quyền tác giả cho chính đơn vị mình, Tính đến tháng 04. 2013, Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam, nay đổi tên là Công ty TNHH Một thành viên Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã được cấp 592 Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, và trở thành đơn vị được cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả nhiều nhất Việt Nam.

2. Cá nhân được cấp giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả nhiều nhất (Phá kỷ lục Việt Nam) – Ông BÙI VĂN NGỌ

Ông Bùi Văn Ngọ sinh năm 1931 tại Sài Gòn, là hội viên Hội Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh nhưng tình yêu dành cho hội họa, cho mỹ thuật rất lớn. Cùng với công việc mưu sinh ông đã mày mò tự học hội họa từ khi còn trẻ. Từ năm 1984 đến nay ông đã vẽ khoảng 1.000 bức tranh.

Năm 1955, ông lập xưởng cơ khí mà hiện nay là Công ty TNHH Cơ khí Công Nông Nghiệp Bùi Văn Ngọ. Cả 9 người con của ông tiếp tục quản lý công việc sản xuất những thiết bị máy móc phục vụ nông nghiệp trong nước và đã xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới.

Tuy không xuất thân từ một trường mỹ thuật nào nhưng số lượng sách và giáo trình tự chọn đã giúp ông làm việc một cách độc lập, nghiêm túc và bài bản. Là người rất quan tâm đến quyền tác giả nên ông Bùi Văn Ngọ đã đăng ký tại Cục Bản quyền tác giả các tác phẩm của mình. Đến nay, ông được cấp 724 Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả với thể loại tác phẩm tạo hình (chủ yếu là tranh sơn dầu).

 

3. Bài thơ "Ở hai đầu nỗi nhớ” có giá bản quyền cao nhất Việt Nam – CÔNG TY CỔ PHẦN DỊCH VỤ PHÚ NHUẬN (MASECO)

Ngay sau khi biết được thông tin về trường hợp bệnh của tác giả bài thơ “Ở hai đầu nỗi nhớ”, cảm thông với hoàn cảnh đặc biệt của nhà thơ Trần Đình Chính, Công ty Cổ phần Dịch vụ Phú Nhuận (MASECO) đã mua bản quyền bài thơ này với giá 300 triệu đồng. Trong buổi lễ chuyển giao bản quyền, ông Vũ Ngọc Hoan – Phó Cục trưởng phụ trách Cục Bản quyền tác giả xúc động nói: “ Tôi xin chúc mừng cả người chuyển nhượng và người nhận chuyển nhượng quyền tác giả. Nhà thơ đã gửi đứa con tinh thần mà mình rất yêu quý tới một địa chỉ đáng tin cậy; còn MASECO cũng sở hữu một tác phẩm đã đi vào lòng người, được công chúng yêu mến, ngưỡng mộ. Tôi biết Công ty MASECO là một doanh nghiệp rất quan tâm đến việc bảo hộ quyền tác giả và quyền liên quan, quan tâm đến việc thúc đẩy lao động sáng tạo trên lĩnh vực văn học nghệ thuật ”.

Bài thơ "Ở hai đầu nỗi nhớ” lần đầu được đăng trên báo Nhân dân vào năm 1984, sau đó năm 1987 được nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu phổ nhạc và trở thành bài thơ, bài hát được nhiều người yêu thích. Bài thơ là tiếng nói đầy ắp yêu thương của tình yêu và nỗi nhớ. Bài thơ của tác giả Trần Đình Chính (Bút danh Trần Hoài Thu) đã được Công ty cổ phần dịch vụ Phú Nhuận (MASECO) mua với giá 300 triệu đồng (cao hơn bài thơ trước đây là bài “Màu tím hoa sim” của Hữu Loan với giá trị là 100 triệu đồng). Ông Nguyễn Xuân Hàn – Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty MASECO cho biết “ Chúng tôi mua bài thơ của anh Trần Đình Chính không phải để đem vào kho khóa lại cất đi và giữ riêng cho Công ty. Đứa con tinh thần mà anh đã chuyển qua cho chúng tôi sẽ tiếp tục phát triển và phổ biến bài thơ để nó được tiếp cận mạnh hơn, đi sâu vào lòng công chúng”.

(sblaw.vn theo cục bản quyền tác giả)

0/5 (0 Reviews)

Bài viết liên quan