Được ví như một “bộ luật lao động con” của mỗi doanh nghiệp (DN), thời gian qua công đoàn các cấp ngành Công Thương luôn chú trọng thực hiện ký kết thỏa ước lao động tập thể (TƯLĐTT), nhằm hình thành nên mối quan hệ lao động hài hòa giữa 2 bên.
Thông tin từ Công đoàn ngành Công Thương Việt Nam, trong những năm qua, công đoàn các cấp đã rà soát, thống kê, phân loại, đánh giá chất lượng thỏa ước; tuyên truyền vai trò của TƯLĐTT đối với người sử dụng lao động và người lao động (NLĐ). Ngoài ra, công đoàn còn tổ chức các cuộc hội thảo, tập huấn nâng cao kỹ năng đối thoại, thương lượng tập thể, phổ biến kinh nghiệm, hỗ trợ, tư vấn các công đoàn cơ sở xây dựng, thực hiện TƯLĐTT, trong đó có TƯLĐTT cấp tổng công ty.
Số liệu báo cáo hàng năm của công đoàn các DN cũng cho thấy, số DN có TƯLĐTT đạt 94,56%. Trong số những đơn vị có TƯLĐTT, trên 60% các bản TƯLĐTT có nhiều điều khoản có lợi hơn cho NLĐ theo quy định của pháp luật.
Theo các chuyên gia, việc các DN đẩy mạnh ký kết TƯLĐTT đã tạo nên cộng đồng trách nhiệm của cả hai bên (NLĐ và người sử dụng lao động) trong thực hiện các quyền và nghĩa vụ phát sinh trên cơ sở pháp luật lao động. Hơn thế, còn tạo điều kiện để NLĐ bằng sự thương lượng, mặc cả, thông qua sức mạnh tập thể với người sử dụng lao động có thể hưởng những lợi ích cao hơn so với quy định. Ngoài ra, thực hiện ký TƯLĐTT là cơ sở pháp lý quan trọng để xem xét giải quyết tranh chấp lao động tập thể khi có tranh chấp xảy ra.
Tuy nhiên, tại Hội thảo “Phát triển đoàn viên, thương lượng tập thể và mạng lưới công đoàn trong ngành điện, điện tử và công nghệ thông tin”, do Công đoàn Công Thương Việt Nam tổ chức mới đây, ông Quách Văn Ngọc - Trưởng ban Chính sách pháp luật (Công đoàn Công Thương Việt Nam) - chia sẻ: Việc thực hiện TƯLĐTT trong ngành Công Thương vẫn gặp không ít khó khăn, như: Số lượng, số DN ký kết TƯLĐTT chưa đạt yêu cầu; chất lượng nhiều TƯLĐTT đã hết hạn nhưng chưa được gia hạn hoặc ký mới, cá biệt có TƯLĐTT có thời hạn không phù hợp với quy định của pháp luật (hơn 3 năm); tỷ lệ DN tiến hành thương lượng, ký kết TƯLĐTT theo đúng trình tự, thủ tục quy định còn thấp. Một số DN xây dựng, ban hành TƯLĐTT mang tính hình thức, đối phó, vẫn còn tình trạng sao chép lại một số nội dung của Bộ luật Lao động, các điều khoản thực sự có lợi cho NLĐ còn ít. TƯLĐTT đạt loạt A, B chỉ khoảng 30% và ít có đơn vị sử dụng thỏa ước để giải quyết các mối quan hệ về lao động.
Trước thực trạng trên, ông Ngọc đề xuất, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cần tiếp tục nghiên cứu, ban hành các văn bản liên quan tới công tác thương lượng và ký kết, thực hiện TƯLĐTT; hoàn thiện phần mềm quản lý TƯLĐTT; tổ chức các cuộc tập huấn đào tạo cho các cấp công đoàn. Bên cạnh đó, Công đoàn Công Thương Việt Nam tiếp tục chỉ đạo, tuyên truyền, hỗ trợ, kiểm tra, đánh giá chất lượng thương lượng và ký kết, thực hiện TƯLĐTT.
Nguồn: http://baocongthuong.com.vn/bao-dam-quyen-loi-nguoi-lao-dong-doanh-nghiep.html