Trong bài báo "Kinh nghiệm nào khi đi mua nhà để tránh "sập bẫy"? trên cafef.vn có trích dẫn phần trả lời của luật sư Nguyễn Thanh Hà, chủ tịch SBLaw, chúng tôi xin gửi đến bạn đọc nội dung bài viết:
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, lượng lớn cung nhà ở lớn trong năm 2015 đến 6 tháng đầu năm 2016 ồ ạt đổ vào thị trường khiến cuộc đua giành giật thị phần của ngành bất động sản ngày càng trở nên khốc liệt. Chính vì thế, khách hàng cần phải hết sức tỉnh táo để "chọn mặt gửi vàng".
Trong vai người đi tìm mua nhà, chúng tôi đã gặp không ít khách hàng, dù những người đi mua nhà thời điểm này đều có nhu cầu thật nhưng vẫn khá e dè khi quyết định nộp tiền vào những dự án đang xây dở dang.
Chẳng hạn, tại buổi giới thiệu và nhận giữ chỗ dự án Him Lam Phú Đông mới đây, nhiều khách hàng đã đề nghị môi giới, hoặc chủ đầu tư cho xem những giấy tờ pháp lý liên quan đến việc triển khai dự án, cam kết bảo lãnh ngân hàng... trước khi quyết định có đặt cọc hay không.
Anh Lương Thanh Tùng, một khách hàng mua căn hộ ở quận 2 nói rằng, đôi khi các chủ đầu tư đã nói quá sự thật và không giữ được lời hứa của mình. “Khi quảng cáo bao giờ họ cũng nói tốt cho dự án nhưng khi bàn giao nhà tôi không thấy nhiều tiện ích không đúng như cam kết”, anh Tùng nói thêm. Do vậy, một khi nhận được thông tin từ dự án thì anh phải rất cẩn trọng để xem xét rằng chủ đầu tư có làm đúng như cam kết hay không.
Theo một báo cáo của CBRE Việt Nam, nguồn cung căn hộ trong 2 quý vừa qua trên thị trường khá dồi dào nhưng sức mua của thị trường đang giảm đi đến gần 50% là một bài toán đau đầu cho các chủ đầu tư cũng như các công ty tiếp thị - phân phối dự án. Từ sự cạnh tranh khốc liệt như vậy, nên việc giải quyết lượng hàng ra thị trường là một vấn đề không đơn giản.
Chính vì thế, nhiều chủ đầu tư hiện nay không còn chạy theo kiểu quảng cáo qua loa nhằm tô điểm cho sự hào nhoáng "ảo" của dự án. Thay vào đó, chủ đầu tư thường yêu cầu các môi giới phải chưng ra cho khách hàng đầy đủ tài liệu pháp lý dự án, tổ chức hàng tuần cho các khách hàng có nhu cầu đến tham quan trực tiếp tiến độ xây dựng dự án...
"Theo tôi để lựa chọn được chủ đầu tư uy tín cứ phải làm theo lời khuyên của ông cha ta trước đây là "mắt thấy tay sờ miệng nếm mũi ngửi" có nghĩa là bạn phải mục sở thị các dư án của các chủ đầu tư đó đã thực hiện. Khách hàng nên dành thời gian đến thực tế dự án và thăm hỏi người dân đã và đang sống trong dự án đấy.Câu trả lời sẽ rất chính xác cho bạn", ông Ngô Quang Phúc, Phó Tổng Giám đốc Him Lam Land, nói.
Một số chuyên gia cũng cho rằng, trên thị trường đa số đánh giá uy tín chủ đầu tư dựa trên thực tế những dự án mà chủ đầu tư đã triển khai cũng như tôn chỉ kinh doanh của người đứng đầu doanh nghiệp.
Để đánh giá uy tín chủ đầu tư thì người mua nhà có thể dựa vào các yếu tố như tiến độ thực hiện dự án và các cam kết của chủ đầu tư trong quá trình triển khai như các nhà thầu xây dựng, ngân hàng cho vay, ngoài ra, đánh giá uy tín chủ đầu tư còn thông qua quá trình vận hành và quản lý dự án sau khi bàn giao cho cư dân. Các ý kiến đánh giá của người mua trước và cư dân tại dự án là cơ sở quan trọng để khẳng định uy tín của chủ đầu tư.
Trao đổi với chúng tôi mới đây, luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch công ty Luật SBLaw, cũng cho rằng để tránh sập bẫy của "những con sâu làm rầu nồi canh" trên thị trường, thứ nhất, về phía người mua, chúng ta phải có trách nhiệm với đồng tiền mình bỏ ra.
Vì vậy, cần tìm mọi cách để có được đầy đủ thông tin, đặc biệt là về tình trạng pháp lý của dự án, cũng như mức độ tín nhiệm của chủ đầu tư, rồi hãy bỏ tiền ra mua. Trong hợp đồng mua bán, đảm bảo phải có quy định chủ đầu tư phải cam kết rằng đối tượng mua bán không đang bị thế chấp cho bất kỳ nghĩa vụ nào của chủ đầu tư.
Thứ hai, về phía cơ quan quản lý nhà nước, tôi đặc biệt kiến nghị cần phải tạo ra cơ chế, áp dụng công nghệ để người dân có quyền và được xác nhận về tình trạng thế chấp của dự án mà họ quan tâm và có ý định mua. Đây là vấn đề mấu chốt trong các vụ việc lựa chọn một căn hộ cần mua.
Theo cafef.vn