Trong thời đại công nghệ hóa phát triển mạnh mẽ như hiện nay, việc sử dụng tiền mặt ngày càng hạn chế, thay vào đó là các phương thức thanh toán số như chuyển khoản, thẻ tín dụng, và hóa đơn điện tử. Trong lĩnh vực mua bán vàng, việc áp dụng bắt buộc thanh toán không tiền mặt theo kiến nghị của Tổng cục Thuế có thể mang lại nhiều lợi ích cho cả người mua - người bán và các Cơ quan quản lý Nhà nước. Nhưng cũng có nhiều ý kiến cho rằng, quy định này là không phù hợp, không khả thi với bối cảnh hiện nay và có thể ảnh hưởng xấu tới thị trường vàng trong nước.
Sử dụng hoá đơn điện tử khi mua bán vàng
Trong thời gian qua, ngành thuế đã triển khai nhiều giải pháp nhằm đẩy mạnh thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc kiểm soát xuất hoá đơn điện tử trong thực hiện các giao dịch mua, bán vàng, cụ thể như: Rà soát các cơ sở kinh doanh vàng đủ điều kiện để thực hiện áp dụng giải pháp hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế khởi tạo từ máy tính tiền – đây là giải pháp Hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế áp dụng riêng cho lĩnh vực bán lẻ trực tiếp đến người tiêu dùng. Cùng với đó, ngành Thuế chủ động tuyên truyền nhằm khuyến khích người tiêu dùng lấy hóa đơn khi mua hàng hóa, dịch vụ thông qua chương trình hoá đơn may mắn của ngành Thuế.
Khi Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14, Nghị định số 123/2020/NĐ-CP và Thông tư số 78/2021/TT-BTC có hiệu lực, Hóa đơn điện tử đã được triển khai trên toàn quốc đối với các doanh nghiệp và hộ kinh doanh. Về vấn đề áp dụng hóa đơn điện tử trong lĩnh vực mua bán vàng, đại diện Tổng cục Thuế cho biết, hầu hết các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh vàng, bạc đã sử dụng hóa đơn điện tử.
Trên toàn quốc hiện đã có 53.425 cơ sở kinh doanh áp dụng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền, trong đó có 5.835 cơ sở kinh doanh vàng, bạc đã thực hiện áp dụng và sử dụng trên 1,065 triệu hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền. Con số này chiếm đến 80-90% số đơn vị của ngành kinh doanh vàng bạc, cho thấy bước đầu đã kiểm soát được các đơn vị kinh doanh, phần lớn là các cơ sở kinh doanh vàng miếng, doanh nghiệp đáp ứng quy mô lớn về nguồn vốn, mạng lưới chi nhánh…. Tuy nhiên, có một số trường hợp trong lĩnh vực gia công vàng bạc, người mua hàng gia công, dịch vụ gia công là cá nhân, không lấy hóa đơn dẫn đến việc khó khăn cho cơ quan thuế trong việc kiểm soát giao dịch.
Khi việc sử dụng hóa đơn điện tử trong hoạt động kinh doanh vàng ngày càng phổ biến, Tổng cục Thuế kiến nghị Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu, trình cấp thẩm quyền quy định bắt buộc thanh toán không dùng tiền mặt đối với các giao dịch mua bán vàng. Ngân hàng Nhà nước - chi nhánh TP.HCM cho rằng việc thanh toán không tiền mặt khi mua bán vàng sẽ giúp phòng ngừa các nguy cơ, rủi ro phát sinh trong hoạt động kinh doanh vàng miếng của các đơn vị, đảm bảo tuân thủ quy định pháp luật và phòng, chống hoạt động rửa tiền. Vì thông thường các đơn vị kinh doanh vàng sử dụng tiền mặt nhiều để tránh cơ quan thuế nắm doanh thu, giảm số thuế phải đóng. Ngoài ra, tiệm vàng còn có hoạt động mua bán ngoại tệ, nhiều nơi còn hoạt động trái phép nên nếu áp dụng phương thức thanh toán dùng tiền mặt thì sẽ khá khó khăn trong việc quản lý. Những giao dịch qua ngân hàng sẽ được sàng lọc, đặc biệt giúp cho hoạt động phòng chống rửa tiền tốt hơn.
Kiến nghị bắt buộc thanh toán không tiền mặt khi mua bán vàng
Việc thanh toán không dùng tiền mặt cũng giúp người dân đảm bảo an toàn và tiện lợi. Khi mua vàng với số lượng nhiều, nếu thanh toán bằng tiền mặt thì khách hàng phải mang theo số tiền lớn, rất dễ bị các đối tượng trộm cướp chú ý. Khi thanh toán không qua tiền mặt, khách hàng không cần mang theo tiền, người mua và người bán đều an toàn hơn. Thanh toán qua ngân hàng hoặc thẻ tín dụng cũng tiện lợi và gọn nhẹ hơn so với tiền mặt.
Tuy nhiên việc triển khai kiến nghị trên được cho là không dễ để thực hiện, tính khả thi thấp. Nhiều người thắc mắc “tiền mặt hay chuyển khoản đều là hình thức thanh toán được pháp luật cho phép, tại sao lại hạn chế quyền mua của người dân”. Thêm vào đó, “ngay cả những nước phát triển cũng mới chỉ khuyến khích, không cấm người dân thanh toán bằng tiền mặt thì tại sao chúng ta lại áp dụng”, một khách hàng nhận xét.
Nhìn chung, không phải tất cả những người mua vàng đều mua số lượng lớn để đầu tư hay đều có tài khoản, thẻ tín dụng để chuyển khoản. Hiện các đối tượng mua vàng tại Việt Nam khá phong phú và đa dạng. Có nhiều người là người già, người dân ở vùng sâu, vùng xa mua vàng số lượng nhỏ từ 0,5 đến một vài chỉ vàng. Đây đều là những đối tượng thường không hiểu biết về công nghệ, không có điện thoại thông minh để giao dịch thanh toán bằng chuyển khoản, đối với họ việc sử dụng tiền mặt để thanh toán sẽ tiện lợi và quen thuộc hơn nhiều. Hoặc có nhiều người đơn giản chỉ mua vàng nữ trang với giá trị không quá lớn thì việc thanh toán bằng tiền mặt là rất đơn giản.
Xuất phát từ đề xuất này, một số ý kiến cho rằng, nếu muốn áp dụng quy định cấm mua bán vàng bằng tiền mặt thì cũng cần đưa ra hạn mức cụ thể. Chẳng hạn như, quy định các giao dịch vàng từ 200 triệu đồng trở lên sẽ cấm thanh toán bằng tiền mặt thì tính khả thi sẽ cao hơn, phù hợp trong bối cảnh hiện nay. Hoặc Chính phủ có thể tiến hành thí điểm chính sách này tại một số tỉnh thành nhất định để khảo sát phản ứng của người dân cũng như hiệu quả thực tế nhằm có cái nhìn tổng quan nhất về chính sách này, tránh những bất cập trong quá trình thực thi.
Nhìn chung, kiến nghị bắt buộc thanh toán không dùng tiền mặt khi mua vàng của Tổng cục Thuế có thể mang lại nhiều lợi ích, đặc biệt là đối với Cơ quan quản lý Nhà nước trong việc kiểm tra, giám sát và quản lý các cơ sở kinh doanh vàng. Nhưng xem xét trên nhiều khía cạnh, đặc biệt là nhu cầu và thói quen mua sắm của người dân hiện nay, đề xuất này vẫn chưa thực sự mang lại nhiều lợi ích cho khách hàng. Nếu thực sự nghiên cứu tiến tới hiện thực hóa đề xuất này của Tổng cục Thuế thì ngành thuế cần tiến hành khảo sát, đánh giá kỹ lưỡng hơn, lấy ý kiến của người dân, doanh nghiệp và các chuyên gia cũng như tham khảo thêm các quy định của các quốc gia khác để có thể triển khai thực thi trên diện rộng một cách đồng bộ và hiệu quả cao.
|