“Khoảng trống” trong diễn giải luật – nhìn từ vụ tăng thuế xi măng

Nội dung bài viết

(ĐSPL) – Sự việc “không ở đâu có thuế xi măng như Việt Nam” không chỉ gây phản ứng từ phía doanh nghiệp và Hiệp hội xi măng Việt Nam mà còn thu hút sự chú ý của giới luật sư, họ cho rằng việc áp mức thuế mới cho xi măng đã chỉ ra một “lỗ hổng” trong giải thích pháp luật.

Chúng tôi xin giới thiệu bài viết của Luật sư Nguyễn Thanh Hà - giảng viên thỉnh giảng về môn Pháp Luật Kinh Doanh tại Học Viện Tư Pháp thuộc Bộ Tư Pháp, Chủ tịch công ty luật TNHH S&B - về vấn đề này.

Truy nguyên việc áp thuế xuất khẩu xi măng

Hiện nay để xác định mức thuế xuất khẩu đối với xi măng cần căn cứ vào các quy định tại các văn bản sau:

+ Nghị định 122/2016/NĐ – CP về biểu thuế xuất khẩu, biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan.

+ Nghị định số 100/2016/NĐ – CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế giá trị gia tăng, Luật thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật quản lý thuế.

Cụ thể, Điều 4 Nghị định 100/2016/NĐ – CP đã quy định như sau:

“Sản phẩm xuất khẩu là tài nguyên, khoáng sản khai thác chưa chế biến thành sản phẩm khác hoặc đã chế biến thành sản phẩm khác nhưng tổng trị giá tài nguyên, khoáng sản cộng với chi phí năng lượng chiếm từ 51% giá thành sản xuất sản phẩm trở lên được chế biến từ tài nguyên, khoáng sản; sản phẩm xuất khẩu là hàng hóa được chế biến từ tài nguyên, khoáng sản có tổng trị giá tài nguyên, khoáng sản cộng với chi phí năng lượng chiếm từ 51% giá thành sản xuất sản phẩm trở lên.

Tài nguyên, khoáng sản quy định tại khoản này là tài nguyên, khoáng sản có nguồn gốc trong nước gồm: Khoáng sản kim loại; khoáng sản không kim loại; dầu thô; khí thiên nhiên; khí than.

Trị giá tài nguyên, khoáng sản là giá vốn tài nguyên, khoáng sản đưa vào chế biến; đối với tài nguyên, khoáng sản trực tiếp khai thác là chi phí trực tiếp, gián tiếp khai thác ra tài nguyên khoáng sản; đối với tài nguyên, khoáng sản mua để chế biến là giá thực tế mua cộng chi phí đưa tài nguyên, khoáng sản vào chế biến.

Chi phí năng lượng gồm: Nhiên liệu, điện năng, nhiệt năng”

Theo Phụ lục I quy định về biểu thuế xuất khẩu theo danh mục mặt hàng chịu thuế ban hành kèm theo Nghị định số 122/2016/NĐ – CP đã quy định mức thuế xuất khẩu đối với “Vật tư, nguyên liệu, bán thành phẩm không quy định ở trên có giá trị tài nguyên, khoáng sản cộng với chi phí năng lượng chiếm từ 51% giá thành sản phẩm trở lên” là 5%.

Như vậy, từ các quy định trên của pháp luật có thể thấy trường hợp hàng hóa xi măng là vật tư, nguyên liệu, bán thành phẩm có giá trị tài nguyên, khoáng sản cộng với chi phí năng lượng chiếm từ 51% giá thành sản phẩm trở lên sẽ phải chịu mức thuế xuất khẩu là 5%.

Vướng mắc điển hình

Theo tôi biết, hiện nay các doanh nghiệp và ngay cả một số cơ quan hải quan ở các tỉnh đang gặp phải nhiều vướng mắc phát sinh từ việc khai báo mã số đối với hàng hóa xi măng và áp dụng thuế suất đối việc xuất khẩu hàng hóa này theo Biểu thuế xuất khẩu quy định tại Nghị định số 122/2016/NĐ-CP.

Như đã trình bày ở phần trên thì vật tư, nguyên liệu, bán thành phẩm không quy định ở trên có giá trị tài nguyên khoáng sản cộng với chi phí năng lượng chiếm từ 51% giá thành sản phẩm trở lên sẽ chịu mức thuế là 5%. Tuy nhiên trên thực tế, việc xác định vật tư, nguyên liệu, bán thành phẩm bao gồm những hàng hóa nào còn gây nhiều rắc rối cho doanh nghiệp bởi chưa có một quy định nào của pháp luật hướng dẫn về vấn đề này. Bên cạnh đó, để kiểm tra tỷ lệ giá trị tài nguyên, khoáng sản cộng với chi phí năng lượng so với giá thành sản phẩm sẽ do doanh nghiệp tự xác định hay các cơ quan chuyên môn thực hiện? Ngoài ra, trong trường hợp xác định xi măng cần xuất khẩu là vật tư, nguyên liệu, bán thành phẩm thì mã số HS của xi măng trong trường hợp này sẽ được xác định như thế nào? Đây là chính là những vấn đề mà pháp luật hiện nay vẫn chưa làm rõ.

Về vấn đề giải thích pháp luật

Theo thông tin từ Hiệp hội Xi măng Việt Nam, hiện nay, hải quan áp thuế xuất khẩu 5% đối với mặt hàng xi măng có giá trị tài nguyên, khoáng sản và chi phí năng lượng từ 51% trở lên. Cơ quan hải quan cho rằng, xi măng là vật tư, nguyên liệu bán thành phẩm. Đại diện một số doanh nghiệp đã hỏi tôi việc giải thích, hiểu và coi xi măng là vật tư, nguyên liệu, bán thành phẩm của cơ quan hải quan có đúng thẩm quyền không?

Trên thực tế, hiện pháp luật nước ta chỉ quy định về việc giải thích Hiến pháp, luật, pháp lệnh (Khoản 2 Điều 74 Hiến pháp 2013; Khoản 3 Điều 3 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015) theo đó Ủy ban thường vụ Quốc hội là chủ thể duy nhất có thẩm quyền trong việc giải thích các văn bản trên. Tuy nhiên, hiện nay chưa có quy định nào về việc giải thích pháp luật đối với các văn bản quy phạm pháp luật còn lại như nghị định, thông tư….

Về thẩm quyền của các cơ quan hải quan: Tại Khoản 11 Điều 2 Quyết định 1169/QĐ – TCHQ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của chi cục hải quan trực thuộc cục hải quan tỉnh, liên tỉnh, thành phố đã quy định chi cục hải quan có thẩm quyền “Tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn thực hiện chính sách, pháp luật về Hải quan cho các tổ chức, cá nhân có hoạt động xuất nhập khẩu trên địa bàn”.

Như vậy, theo quy định này thì nhiệm vụ, quyền hạn của các chi cục hải quan đối với các chính sách, pháp luật chỉ bao gồm việc tổ chức tuyên truyền cũng như hướng dẫn thực hiện trên địa bàn của mình, ngoài ra các chi cục hải quan không có chức năng, nhiệm vụ giải thích pháp luật. Do đó trong trường hợp các chi cục hải quan tiến hành giải thích pháp luật là không đúng với thẩm quyền của mình.

Cụ thể về cuộc tranh nghị xi măng có là “Vật tư, nguyên liệu, bán thành phẩm ....có giá trị tài nguyên, khoáng sản cộng với chi phí năng lượng chiếm từ 51% giá thành sản phẩm trở lên” - ở đây doanh nghiệp và cơ quan hải quan có những quan điểm khác nhau về vấn đề này xuất phát từ việc không rõ ràng trong các quy định của pháp luật, mà cụ thể tại đây là ở Nghị định 122/2016/NĐ – CP được ban hành ngày 01 tháng 09 năm 2016. Do đó theo ý kiến của cá nhân tôi, các cơ quan hải quan tại địa phương khi có thắc mắc về các quy định của pháp luật thì cần xin ý kiến chỉ đạo từ các cơ quan cấp trên mà cụ thể ở đây là Tổng cục hải quan hoặc Bộ Tài chính để có cơ sở pháp lý chắc chắn trong việc áp thuế xuất khẩu đối với mặt hàng xi măng.

Luật sư Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch Công ty Luật SBLAW- Hà Nội.
Luật sư Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch Công ty Luật SBLAW- Hà Nội.

Bên cạnh đó, các cơ quan này cũng nên lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp, là đối tượng chịu tác động trực tiếp của văn bản này và ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học để đưa ra một quyết định đúng đắn nhất.

Đại diện một số doanh nghiệp xuất khẩu xi măng có hỏi tôi: Trong trường hợp cơ quan hải quan không được tự ý giải thích Luật thì các doanh nghiệp xi măng có được hoàn lại thuế đã nộp hoặc bồi thường thiệt hại hay không? Xin trả lời như sau:

Hiện nay, việc bồi thường thiệt hại cho các cá nhân, tổ chức bị thiệt hại được thực hiện theo quy định tại Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2009. Trong trường hợp doanh nghiệp bị thiệt hại do người thi hành công vụ có hành vi trái pháp luật gây ra thì cơ quan hải quan trực tiếp quản lý người đó là cơ quan có trách nhiệm bồi thường. Doanh nghiệp khi cho rằng mình bị thiệt hại do người thi hành công vụ gây ra có quyền yêu cầu người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại xem xét, kết luận hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ.

Mặt khác, Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước mới chỉ xác định hành vi trái pháp luật của các cá nhân – là những người thi hành công vụ trong công tác quản lý hành chính mà không xác định lỗi của cơ quan nhà nước để xem xét các cơ quan này có trách nhiệm bồi thường hay không. Tuy nhiên khi các doanh nghiệp phát hiện ra cơ quan hải quan đã thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn không đúng với thẩm quyền của mình thì nên gửi đơn khiếu nại đến các cơ quan có thẩm quyền để làm rõ về vấn đề này.

LS Nguyễn Thanh Hà

 

 

0/5 (0 Reviews)

Tư vấn pháp lý

Liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ tư vấn 24/7

    Bài viết liên quan