Theo quy định tại Điều 201 của Luật SHTT, giám định SHTT là lĩnh vực chuyên môn được đánh giá phức tạp, nên quy định về điều kiện kinh doanh và hành nghề trong lĩnh vực này đòi hỏi các tổ chức, cá nhân phải đáp ứng những điều kiện rất khắt khe, đặc biệt là đối với điều kiện có nhân lực, cơ sở vật chất - kỹ thuật đáp ứng yêu cầu đối với tổ chức và đạt yêu cầu tại kỳ kiểm tra nghiệp vụ đối với cá nhân.
Những quy định này khiến cho các cơ quan quản lý nhà nước về giám định SHTT và tổ chức, cá nhân muốn kinh doanh, hành nghề dịch vụ giám định SHTT gặp phải một số khó khăn nhất định trong quá trình triển khai thi hành.
Các cơ quan quản lý nhà nước về giám định SHTT đang gặp khó khăn trong việc nghiên cứu xây dựng bộ tiêu chí đánh giá cũng như tìm kiếm các chuyên gia có trình độ cho các kỳ kiểm tra nghiệp vụ đảm bảo người được cấp Thẻ giám định vừa có kinh nghiệm thực tế, vừa có đầy đủ kiến thức chuyên sâu về từng lĩnh vực đáp ứng yêu cầu thực tế của xã hội.
Do vậy, cần nghiên cứu để sửa đổi, bổ sung quy định pháp luật cho phù hợp với thực tiễn, đảm bảo tạo thuận lợi cho phát triển dịch vụ giám định SHTT.
Vì vậy Truyền hình Quốc hội Việt Nam thực hiện sản xuất chương trình Từ nghị trường đến cuộc sống nhằm góp phần làm rõ hơn nội dung này. Xin gửi tới Luật sư Nguyễn Thanh Hà một số câu hỏi như sau:
Câu hỏi. Thưa ông, xin ông cho biết quan điểm của ông về vấn đề nêu trên như thế nào? Ông có đánh giá gì về những quy định của pháp luật hiện nay liên quan đến công tác giám định SHTT ?
Trả lời:
Giám định SHTT là một lĩnh vực phức tạp, cùng với đó là thách thức ngày một tăng dần khi nhu cầu giám định được nhân lên, tính chất giám định đa dạng, phức tạp hơn nhiều lần trong khi nhân lực giám định lại có hạn. Do đó, việc tất yếu và cấp thiết là nghiên cứu để sửa đổi, bổ sung quy định pháp luật cho phù hợp với thực tiễn, đảm bảo tạo thuận lợi cho phát triển dịch vụ giám định SHTT.
Đánh giá quy định hiện hành về lĩnh vực này, có thể thấy nhìn chung đã có khung pháp lý căn bản với những quy định để các cá nhân, tổ chức có thể lấy làm căn cứ trong việc thực hiện các hoạt động giám định, yêu cầu giám định…Nhiều đề xuất đã được đưa ra nhằm phát triển hệ thống dịch vụ giám định qua đó cho thấy sự chú trọng đối với lĩnh vực này. Tuy nhiên, bên cạnh những ưu điểm thì vẫn phải kế đến một số những bất cập như:
Thứ nhất, hoat động giám định chưa thể được nhân rộng do những điều kiện khắt khe về đánh giá, cấp phép cho tiến hành hoạt động giám định. Vì thực tế này mà nguồn lực giải quyết nhu cầu giám định chưa đảm bảo, nhiều cá nhân tổ chức muốn kinh doanh, hành nghề dịch vụ giám định SHTT gặp phải một số khó khăn nhất định trong quá trình triển khai thi hành. Ngoài ra, theo báo cáo của Cục Sở hữu trí tuệ thì hiện nay mới chỉ có một số cá nhân được cấp Thẻ giám định viên sở hữu công nghiệp. Như vậy, đối với các đối tượng khác của quyền SHTT thì chưa có các văn bản pháp luật hướng dẫn về việc thành lập và hoạt động của các tổ chức và cá nhân giám định về SHTT trong lĩnh vực đó.
Thứ hai, mặc dù đã có nhiều văn bản quy định về hoạt động giám định nhưng tính đồng bộ còn thiếu, chưa tham chiếu được đến đầy đủ các lĩnh vực thuộc Sở hữu trí tuệ, chẳng hạn như đã có thông tư riêng hướng dẫn thủ tục giám định quyền tác giả và quyền liên quan nhưng lại chưa có thông tư riêng hướng dẫn thủ tục giám định quyền sở hữu công nghiệp và quyền đối với giống cây trồng. Trong khi đó, các vi phạm quyền SHTT, các tranh chấp liên quan tới SHTT đều rất đa dạng, ngày càng có diễn biến tinh vi và phức tạp hơn, đặc biệt trong thời đại công nghệ số.
Thứ ba, về chất lượng giám định: thực tế cho thấy, số lượng đội ngũ giám định viên, trình độ của giám định viên còn hạn chế nên không thể đáp ứng được yêu cầu của thực tế làm ảnh hưởng tới hiệu quả của quá trình tố tụng. Nhiều đối tượng của quyền SHTT có tính đặc thù cao đòi hỏi đội ngũ giám định viên bên cạnh trình độ chuyên môn còn phải có kiến thức chuyên sâu về đối tượng giám định. Đồng thời, phải có trang thiết bị, phương tiện phục vụ cho quá trình giám định.
Câu hỏi: Ông có thể chia sẻ một cách chi tiết công việc của người làm công tác giám định SHTT?
Trả lời:
Công việc của người giám định SHTT ở mỗi một lĩnh vực lại có những đặc thù riêng. Hiện nay, Giám định về sở hữu trí tuệ (SHTT) bao gồm ba lĩnh vực cơ bản: giám định về quyền tác giả, quyền liên quan; giám định về quyền sở hữu công nghiệp; giám định về quyền đối với giống cây trồng.
Việc giám định Sở hữu công nghiệp (như giám định về nhãn hiệu, sáng chế…) sẽ có những điểm khác so với việc giám định tư pháp về quyền tác giả, quyền liên quan. Tuy nhiên, quy trình giám định và các bước căn bản của hoạt động này đều phải được tiến hành tuần tự như sau:
Công đoạn 1: Tiếp nhận Đơn yêu cầu/trưng cầu giám định (tiếp nhận Đơn)
Người giám định, tổ chức giám định sẽ tiếp nhận trưng cầu, yêu cầu giám định kèm theo đối tượng giám định và tài liệu, mẫu vật có liên quan (nếu có) để thực hiện giám định; trường hợp không đủ điều kiện giám định thì từ chối theo quy định của pháp luật về giám định tư pháp. Trong công đoạn này, việc giao, nhận hồ sơ, tài liệu, đối tượng trưng cầu, yêu cầu giám định cũng phải được tuân thủ theo các quy định hiện hành.
Chủ thể làm công tác giám định sẽ tiến hành 7 bước sau:
Nhận đơn (Có thể là đơn nộp trực tiếp hoặc qua bưu điện) => kiểm tra, phân loại mẫu vật/tài liệu => Đánh dấu nguyên trạng => Thu phí cơ bản (Đối với đơn trực tiếp) => Thông báo tiếp nhận/Cấp giấy biên nhân => Lập hồ sơ giám định (HSGĐ) => Vào sổ biên nhận => Giao HSGĐ cho bộ phận giám định
Công đoạn 2: Thụ lý Hồ sơ giám định (HSGĐ)
Người giám định tư pháp, tổ chức giám định tư pháp tiến hành nghiên cứu hồ sơ trưng cầu, yêu cầu và các quy định cụ thể của pháp luật về sở hữu trí tuệ để chuẩn bị thực hiện giám định tư pháp. Trường hợp cần làm rõ thêm về nội dung trưng cầu, yêu cầu giám định, đối tượng giám định thì đề nghị người trưng cầu, yêu cầu cung cấp thêm thông tin, tài liệu có liên quan.
Trong công đoạn này gồm 5 bước như sau
Kiểm tra hình thức HSGĐ => Kiểm tra lĩnh vực (đối tượng, mục đích, nội dung giám định) => Đánh giá sự hợp lệ và phù hợp của yêu cầu giám định => Kết luận chấp nhận/ từ chối giám định => Thông báo kết luận; giao kết hợp đồng giám định
Công đoạn 3: Thực hiện các nội dung giám định
Người giám định xem xét đối tượng giám định và sử dụng kiến thức, nghiệp vụ chuyên môn để đánh giá, kết luận về những vấn đề có liên quan đến quyền tác giả, quyền liên quan theo quy định của pháp luật trên cơ sở hồ sơ trưng cầu, yêu cầu giám định. Việc xem xét giám định bao gồm một hoặc các nội dung sau đây: Xác định đối tượng; Xác định yếu tố xâm phạm; Xác định giá trị thiệt hại; Các nội dung khác nếu có
Công đoạn thực hiện nội dung giám định này gồm 7 bước sau:
Kiểm tra căn cứ phát sinh/xác lập quyền liên quan đến nội dung giám định => Tra cứu thông tin gốc về quyền SHCN hoặc quyền tác giả, quyền liên quan => Kiểm tra hiệu lực và xác định phạm vi bảo hộ => Định vị đối tượng được xem xét => Thiết lập công thức xác định đối tượng được xem xét => So sánh, đánh giá đối tượng được xem xét theo nội dung giám định => Tổng hợp kết quả
Công đoạn 4: Xử lý kết quả
Căn cứ kết quả giám định tư pháp và quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ, người giám định tư pháp kết luận những vấn đề có liên quan
Công đoạn này gồm 4 bước sau:
Xây dựng sản phẩm giám định => Quyết định phí giám định => Bàn giao sản phẩm, thanh lý hợp đồng => Xử lý hồ sơ giám định, mẫu vật, thiết lập dữ liệu lưu trữ.
Câu hỏi: Thưa ông, Luật SHTT với những quy định về dịch vụ giám định SHTT đã tạo cơ sở pháp lý cho dịch vụ giám định SHTT ở nước ta thời gian qua. Tuy nhiên có thể nhận thấy qua thực tiễn 10 năm triển khai trên thực tế thì những quy định này đã bộc lộ một số hạn chế nhất định. Vậy đối với Quý công ty trong quá trình cung cấp dịch vụ giám định cho khách hàng thì đã gặp nhưng khó khăn nào liên quan đến chính sách pháp luật?
Trả lời:
Từ thực tế công tác đấu tranh phòng chống các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của các lực lượng chức năng, trong đó chủ công là lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm kinh tế cho thấy, hiện nay các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ rất phong phú đa dạng, nhưng tập trung chủ yếu ở các hành vi xâm phạm kiểu dáng công nghiệp, giả mạo nhãn hiệu hàng hóa, nhãn hàng hóa, chỉ dẫn địa lý, sao chép và cài đặt bất hợp pháp các loại phần mềm phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp.
Trong quá trình điều tra, xử lý đối với các hành vi xâm phạm này thì một vấn đề đặt ra cho các cơ quan điều tra là việc xác định chứng cứ thông qua hoạt động giám định sở hữu trí tuệ. Tuy nhiên, mặc dù các quy định của pháp luật hiện nay về hoạt động giám định sở hữu trí tuệ tương đối đầy đủ, nhưng có thể thấy vẫn còn một số vấn đề tồn tại, vướng mắc từ thực tiễn hoạt động của các cơ quan chức năng. Cụ thể:
+ Xem xét các đối tượng cụ thể thì giám định sở hữu trí tuệ là một nội dung của hoạt động giám định tư pháp, do người giám định tư pháp thực hiện theo trưng cầu của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng phục vụ cho việc giải quyết các vụ án. Theo quy định Khoản 5, Điều 2 – Luật Giám định tư pháp số: 13/2012/QH13 thì: Người giám định tư pháp bao gồm: Giám định viên tư pháp và Người giám định tư pháp theo vụ việc. Do đó, đối chiếu với các quy định của Luật Sở hữu trí tuệ, Nghị định 105/2006/NĐ-CP được sửa đổi bổ sung theo Nghị định số Số: 119/2010/NĐ-CP ngày 30/12/2010 thì không đề cập đến “Người giám định theo vụ việc”.
Những người không phải là giám định viên tư pháp nhưng có đủ các điều kiện về phẩm chất đạo đức, năng lực hành vi dân sự, đặc biệt có kiến thức chuyên sâu về lĩnh vực cần giám định và có uy tín trong lĩnh vực đó thì có thể được trưng cầu thực hiện giám định theo vụ việc. Như vậy, rõ ràng trong các quy định của pháp luật hiện nay đã có những điểm không thống nhất và chính điều này đã ảnh hưởng trực tiếp tới hiệu quả của hoạt động điều tra, xử lý các hành vi xâm phạm của các cơ quan chức năng.
Do vậy, sẽ là một trở ngại và khó khăn đối với các cơ quan tiến hành tố tụng trong việc trưng cầu giám định đối với các đối tượng khác ngoài quyền sở hữu công nghiệp. Đặc biệt, trong khi chưa có các quy định bổ sung về người giám định theo vụ việc trong hoạt động giám định sở hữu trí tuệ.
Đối với quyền sở hữu trí tuệ là một lĩnh vực có nhiều đối tượng khác nhau như: Quyền sở hữu công nghiệp, quyền tác giả và các quyền liên quan đến quyền tác giả, quyền đối với giống cây trồng. Tuy nhiên, khi xảy ra các hành vi xâm phạm đến các đối tượng này, khi có yêu cầu trưng cầu giám định để thu thập chứng cứ phục vụ điều tra thì cơ quan điều tra gặp phải những khó khăn nhất định.
Hiện nay mới chỉ có Viện Khoa học sở hữu trí tuệ là tổ chức được cấp phép đủ điều kiện hoạt động giám định sở hữu công nghiệp và một số cá nhân được cấp Thẻ giám định viên SHCN.
Đối với Bản quyền tác giả và Giống cây trồng chưa có cá nhân/ tổ chức nào được cấp phép đủ điều kiện hoạt động giám định sở hữu công nghiệp.
Ngoài ra, còn có một số quan điểm chênh lệch giữa cơ quan giám định và Cục SHTT đối với các trường hợp nhãn hiệu được bảo hộ tổng thể, không bảo hộ riêng...
Câu hỏi:. Ông có thể nêu lên một số kiến nghị hoặc đề xuất một số giải pháp nhằm hoàn thiện hơn những quy định về giám định SHTT và để công tác này có thể thực hiện hiệu quả hơn trên thực tế?
Trả lời:
- Nâng cao trình độ, chuyên môn và kiến thức chuyên sâu về đối tượng giám đính cho các Giám định viên
- Cần phải có trang thiết bị, phương tiện phục vụ cho quá trình giám định.
- Đội ngũ Giám định viên còn thiếu gây khó khăn trong công tác giám định sở hữu công nghiệp, bản quyền và giống cây trồng.
- Ngoài Viện Sở hữu trí tuệ có chức năng Giám định Sở hữu công nghiệp, Cần lập ra tổ chức Giám định cho Bản quyền tác giả, Giống cây trồng thuộc đối tượng Sở hữu trí tuệ