Tình trạng nợ xấu tại các tổ chức tín dụng đang là một vấn đề nan giải, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự ổn định của hệ thống tài chính. Luật sư Nguyễn Thanh Hà, chủ tịch công ty luật SBLAW trả lời kênh truyền hình thông tấn với chủ đề: "Khó khăn trong xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng".
Thưa ông, Luật Các tổ chức tín dụng, Luật Kinh doanh Bất động sản, Luật Đất đai, Luật Nhà ở đã được ban hành. Xin ông cho biết một số quy định mới được bổ sung như chủ đầu tư phải giải chấp căn hộ trước khi bán cho khách hàng, cho phép mua nợ của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.... sẽ tác động thế nào đến việc xử lý nợ xấu?
Trả lời:
Các quy định mới của Luật Các tổ chức tín dụng 2024 (có hiệu lực từ ngày 01/07/2024), Luật Kinh doanh Bất động sản 2023 (có hiệu lực từ ngày 01/08/2024), Luật Đất đai 2024 (có hiệu lực từ ngày 01/08/2024), Luật Nhà ở 2023 (có hiệu lực từ ngày 01/08/2024) được kỳ vọng sẽ tạo ra một môi trường pháp lý minh bạch và hiệu quả hơn trong việc xử lý nợ xấu.
Các quy định mới về xử lý nợ xấu được ban hành chủ yếu nhằm tăng cường tính minh bạch và hiệu quả quá trình xử lý nợ. Quy định buộc chủ đầu tư phải giải chấp tài sản trước khi bán giúp minh bạch hóa thị trường bất động sản, ngăn ngừa tình trạng tài sản bị cầm cố bán cho nhiều người mua khác nhau, dẫn đến tranh chấp phức tạp. Việc này giúp tránh những rủi ro pháp lý cho người mua và tạo điều kiện cho các khoản vay mới gắn với tài sản đó không gặp phải các vấn đề nợ chồng nợ.
Nợ xấu khi được xử lý nhanh chóng và hiệu quả, sẽ giảm bớt áp lực lên thị trường tài chính, ngăn ngừa các rủi ro lan rộng. Nó cũng giúp thị trường bất động sản trở nên ổn định hơn, khi các tài sản gắn liền với nợ xấu được xử lý và đưa trở lại thị trường một cách hợp pháp và minh bạch. Một môi trường tài chính và bất động sản ổn định, minh bạch sẽ tạo ra niềm tin cho các nhà đầu tư, cả trong nước và quốc tế, từ đó thúc đẩy các hoạt động đầu tư và phát triển kinh tế.
Thực tế xử lý nợ xấu hiện nay còn gặp những khó khăn, vướng mắc nào?
Trả lời:
Hiện nay, nhờ sự chỉ đạo quyết liệt, sâu sát từ Ngân hàng nhà nước cùng với sự vào cuộc, phối hợp, hỗ trợ từ các cơ quan ban ngành và cơ quan thi hành án đã góp phần giúp các tổ chức tín dụng xử lý nợ xấu hiệu quả, thực chất hơn. Tuy nhiên, trên thực tế công tác xử lý nợ xấu hiện nay vẫn còn gặp nhiều khó khăn vướng mắc, cụ thể như sau:
Thứ nhất, khó khăn trong xác định thẩm quyền giải quyết vụ án theo lãnh thổ: Việc các chi nhánh ngân hàng phải khởi kiện ở nhiều tòa án khác nhau theo quy định tại điều 39 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 gây khó khăn trong theo dõi và tham gia tố tụng. Để khắc phục, một số chi nhánh chọn khởi kiện tại Tòa án nơi có trụ sở chi nhánh, nhưng thực tế Tòa án lại không chấp nhận hoặc chuyển đơn đến Tòa án khác, khiến việc xử lý nợ xấu trở nên không hiệu quả.
Thứ hai, khó khăn trong áp dụng thủ tục rút gọn: Mặc dù Nghị quyết số 42 và Nghị quyết số 03/2018/NQ-HĐTP cho phép áp dụng thủ tục rút gọn để giải quyết tranh chấp về tài sản bảo đảm, nhưng các điều kiện để áp dụng thủ tục này rất khắt khe. Trong nhiều trường hợp, khách hàng không hợp tác hoặc chuyển đổi tranh chấp sang dạng khác để né tránh thủ tục rút gọn, khiến thời gian xử lý nợ xấu bị kéo dài.
Thứ ba, khó khăn trong thời gian giải quyết vụ án kéo dài: Nhiều vụ án liên quan đến nợ xấu kéo dài từ 3 đến 5 năm, thậm chí có vụ án kéo dài hơn 10 năm mà chưa được giải quyết. Sự chậm trễ này gây khó khăn cho các TCTD trong việc thu hồi nợ và gia tăng chi phí lãi vay.
Thứ tư, khó khăn trong đăng ký biến động đất đai tài sản bị kê biên: Do tài sản đảm bảo nợ xấu thường là quyền sử dụng đất, quá trình đăng ký biến động đất đai gặp nhiều khó khăn khi chủ tài sản né tránh hợp tác. Các quy định pháp luật chưa rõ ràng, việc thực hiện phụ thuộc vào sự phối hợp giữa Cơ quan thi hành án và Văn phòng đăng ký đất đai, gây khó khăn cho việc xử lý tài sản bảo đảm.
Thứ năm, tài sản thế chấp phân tán nhiều nơi: Tài sản thế chấp ở nhiều tỉnh, thành phố và quận, huyện khác nhau không thể phát mãi đồng loạt, mà phải thực hiện tuần tự, làm kéo dài thời gian thu hồi nợ và phát sinh thêm lãi vay, gây khó khăn cho quá trình xử lý nợ.
Thứ sáu, chủ tài sản khiếu nại: Trong quá trình phát mãi tài sản, chủ tài sản có thể cố tình không hợp tác và nộp đơn khiếu nại lên Tòa án, yêu cầu dừng phát mãi. Điều này kéo dài thời gian thu hồi nợ cho TCTD.
Thứ bảy, chậm trễ trong việc chuyển tiền phát mãi tài sản: Dù tài sản đã được phát mãi, Cơ quan thi hành án vẫn chậm trễ trong việc chuyển số tiền thu được cho TCTD, đôi khi phải chờ Tòa án giải thích thêm về bản án. Sự chậm trễ này làm kéo dài thời gian thu hồi nợ xấu.
Bên cạnh đó, khó khăn về xem xét thẩm định tại chỗ: Tài sản bảo đảm của các khoản nợ xấu thường là bất động sản, là nhà, đất, chung cư… và đang có người trực tiếp quản lý, sử dụng. Do đó, trong quá trình giải quyết vụ án hầu hết đều phải tiến hành xem xét, thẩm định tại chỗ đối với tài sản bảo đảm đó. Tuy nhiên, việc xem xét thẩm định tại chỗ đối với tài sản bảo đảm gặp nhiều khó khăn do đương sự không hợp tác, chống đối, gây rối hoặc đóng cửa, bỏ đi. Điều này dẫn đến nhiều trường hợp Tòa án không thể tiến hành xem xét, thẩm định tại chỗ tài sản bảo đảm là nhà, đất làm ảnh hưởng đến thời gian giải quyết vụ án.
Sàn giao dịch nợ đã được triển khai tuy nhiên kết quả xử lý nợ còn khá khiêm tốn, theo ông cần làm gì để tăng tính hiệu quả của công cụ này?
Trả lời:
Sàn giao dịch nợ đã ra đời với kỳ vọng trở thành công cụ quan trọng trong việc xử lý nợ xấu và tạo lập thị trường mua bán nợ chuyên nghiệp tại Việt Nam. Tuy nhiên, sau một thời gian triển khai, kết quả đạt được vẫn còn hạn chế và chưa đáp ứng được kỳ vọng ban đầu. Để tăng tính hiệu quả của công cụ này, cần có những giải pháp cụ thể nhằm khắc phục các điểm hạn chế của sàn và tạo điều kiện thuận lợi, thu hút các công ty quản lý tài sản (AMC) và các tổ chức tín dụng (TCTD) vào sân chơi. Các giải pháp có thể làm để tăng tính hiệu quả cho Sàn giao dịch nợ là:
Thứ nhất, cần phát triển hệ thống hỗ trợ và thúc đẩy hoạt động mua bán nợ. Nhà nước cần tạo điều kiện thuận lợi để nhiều công ty mua bán nợ hơn có thể tham gia vào Sàn giao dịch nợ bằng cách thực hiện tăng cường minh bạch thông tin, đơn giản hóa thủ tục đăng ký, cung cấp hỗ trợ kỹ thuật,... Ngoài ra có thể tạo cơ chế khuyến khích, ví dụ như giảm giá phí dịch vụ hoặc cung cấp dịch vụ tư vấn miễn phí, nhằm thúc đẩy các AMC đăng tải thông tin và sử dụng các dịch vụ của Sàn giao dịch nợ VAMC.
Thứ hai, nâng cao năng lực quản lý và vận hành của Sàn giao dịch nợ. Xem xét đầu tư vào công nghệ và hạ tầng cũng như tăng cường đào tạo nhân lực. Phát triển hệ thống cung cấp thông tin minh bạch, nơi các khoản nợ và tài sản bảo đảm được cập nhật liên tục và chính xác. Việc này sẽ giúp tăng tính thanh khoản và thu hút sự quan tâm từ các nhà đầu tư.
Thứ ba, sàn giao dịch nợ có thể xem xét mở rộng các dịch vụ và sản phẩm cung cấp, đa dạng hóa các sản phẩm tài chính và dịch vụ hỗ trợ. Sàn giao dịch nợ có thể phát triển thêm các sản phẩm tài chính mới, chẳng hạn như chứng khoán hóa nợ xấu, để tăng cường tính thanh khoản và hấp dẫn hơn với các nhà đầu tư. Cung cấp các dịch vụ hỗ trợ như tư vấn pháp lý, thẩm định giá trị tài sản bảo đảm, môi giới mua bán nợ, để tạo thêm giá trị gia tăng cho các bên tham gia.
Thứ tư, nhà nước cần tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của các AMC bằng cách cập nhật và đồng bộ hóa quy định pháp lý hiện nay áp dụng với công ty mua bán nợ. Hiện nay, các AMC phải hoạt động theo nhiều luật khác nhau (Luật Doanh nghiệp, Luật Các Tổ chức Tín dụng - TCTD, các quy định của NHNN), dẫn đến sự không nhất quán và mâu thuẫn trong quy định. Do đó, cần tiến hành rà soát và cập nhật các văn bản pháp lý để đồng bộ hóa và làm rõ việc áp dụng các quy định pháp lý đối với AMC.
Ông có đề xuất gì khác nhằm giúp đẩy nhanh quá trình xử lý nợ xấu?
Trả lời:
Để đẩy nhanh quá trình xử lý nợ xấu và nâng cao hiệu quả của hệ thống tài chính, cần thực hiện một số biện pháp quan trọng. Trước tiên, việc luật hóa Nghị quyết 42/2017/QH14 và xây dựng một luật mới dựa trên rà soát và hoàn thiện các quy định hiện hành là rất cần thiết. Nếu không thể lập tức xây dựng luật mới, ít nhất nên gia hạn và điều chỉnh Nghị quyết 42 để giải quyết các vướng mắc còn tồn tại. Đồng thời, cần cải thiện khung pháp lý về xử lý nợ xấu, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến tài sản đảm bảo, định giá và mua bán nợ. Học hỏi từ kinh nghiệm quốc tế, chẳng hạn như chỉ thị nợ xấu của Liên minh Châu Âu, có thể giúp thiết lập một hệ thống hiệu quả hơn, giảm thiểu rủi ro cho nền kinh tế và thúc đẩy sự phát triển bền vững của hệ thống tài chính.
Để thực hiện các biện pháp trên, cần tập trung vào việc hoàn thiện khung pháp lý bằng cách thiết lập một hệ thống pháp luật thống nhất và rõ ràng, đồng thời giảm bớt sự phức tạp trong các thủ tục pháp lý liên quan đến xử lý nợ xấu. Việc này bao gồm việc sửa đổi và bổ sung các quy định về xử lý nợ xấu và tài sản đảm bảo, nâng cao năng lực tài chính cho VAMC, mở rộng các phương thức mua bán nợ, và đơn giản hóa thủ tục cưỡng chế tài sản đảm bảo. Cùng với đó, cần tăng cường cơ sở hạ tầng và tài nguyên thông qua đầu tư vào các công cụ và hệ thống quản lý thông tin về nợ xấu, cung cấp nguồn lực đầy đủ cho các tổ chức tín dụng và VAMC để cải thiện khả năng thu thập và xử lý thông tin nhanh chóng và chính xác.
Hơn nữa, nâng cao hiệu quả phối hợp giữa ngân hàng, tổ chức tín dụng và VAMC là rất quan trọng. Cần thiết lập các cơ chế phối hợp chặt chẽ, quy trình làm việc liên ngành, và tăng cường sự minh bạch cũng như chia sẻ thông tin giữa các bên liên quan. Đồng thời, cải thiện cơ chế giám sát và tuân thủ thông qua các cơ chế kiểm tra và đánh giá thường xuyên sẽ giúp phát hiện sớm các vấn đề và đưa ra biện pháp khắc phục kịp thời.
Ngoài ra, phát triển thị trường mua bán nợ bằng cách nâng cao tính thanh khoản của thị trường qua việc phát triển các công cụ và dịch vụ hỗ trợ, như hiệp hội doanh nghiệp mua bán nợ, công ty định giá, và công ty môi giới, là cần thiết. Thúc đẩy việc thành lập thị trường thứ cấp và cải thiện hạ tầng tài chính cũng sẽ tạo ra một môi trường giao dịch hiệu quả hơn. Cuối cùng, cần nâng cao vai trò của VAMC bằng cách đẩy mạnh hoạt động của Sàn giao dịch nợ VAMC và duy trì hoạt động của Câu lạc bộ xử lý nợ AMC để cải thiện việc quản lý và khai thác thông tin về nợ xấu, đồng thời tăng cường công tác xử lý và thu hồi nợ xấu đã mua. Những giải pháp này nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc xử lý nợ xấu, đảm bảo tính ổn định của hệ thống tài chính và khơi thông nguồn vốn cho nền kinh tế.
|