Tác giả Ngọc Hân trong bài viết “Khi hàng nhái núp bóng hàng hiệu”, được đăng trên An ninh thủ đô ngày 9/3/2012 có ý kiến đóng góp của Thạc sỹ, luật sư Nguyễn Thanh Hà, chủ tịch, luật sư điều hành Công ty luật S&B (S&B Law).
(ANTĐ) - Hàng nhái đang trở thành sự lựa chọn của không ít người, đặc biệt giới nữ - đối tượng thích dùng hàng hiệu, nhưng túi tiền có hạn. Điều này đã “kích thích” hàng hiệu nhái làm mưa, làm gió trên thị trường…
Tràn lan hàng giả cao cấp:
Bạn Nguyễn Thu Thủy, sinh viên trường Đại học Luật, Hà Nội, tín đồ của thời trang tâm sự: “Hiện hàng nhái không những được sinh viên bọn em chọn lựa mà ngay cả giới văn phòng cũng thường xuyên săn lùng hàng nhái trên mạng. Với giá “mềm”, hình thức, màu sắc hàng nhái không thua kém so với hàng thật nên nhiều người rất ưa thích. Nếu chỉ nhìn qua thì ngay cả dân “sành điệu” cũng khó có thể phân biệt giữa hàng xịn và hàng nhái. Thậm chí, những chiếc túi hàng nhái còn có đủ mã, thẻ chứng nhận, túi vải bọc… đi kèm không khác gì hàng chính hãng. Nhiều mẫu trong bộ sưu tập mới của các hãng thời trang nổi tiếng mới ra ngay lập tức hàng nhái cũng có mặt”.
Thủy còn hào hứng cho biết thêm: “Nếu thích mẫu nào, em chỉ việc vào trang web của chính hãng chọn mẫu. Sau đó, gửi email cho trang web mua hàng và chờ đợi. Chỉ từ 1 đến 2 tuần sau là em sẽ có một bản copy y mẫu”. Chính vì vậy đã dẫn đến không ít chuyện dở khóc, dở cười khi khách hàng dùng hàng nhái cao cấp vào xem hàng tại một hãng thời trang lớn thì được nhân viên bán hàng hỏi về mức độ hài lòng khi họ dùng sản phẩm của hãng. Còn người có tiền mua hàng chính hãng thì bị nhân viên cửa hàng đánh tráo hàng nhái và bán với giá chính hãng. Chỉ đến khi sử dụng sản phẩm một thời gian khách hàng mới tá hỏa khi phải trả mức giá cao cho một sản phẩm hàng nhái.
Trên các trang web chuyên kinh doanh, buôn bán quần áo thời trang online, các giao dịch mua bán hàng nhái diễn ra rất sôi động. Tại các shop online, hàng nhái được rao bán thoải mái với những lời quảng cáo, giới thiệu hàng nhái của nhiều tên tuổi lớn như: LouisVuitton, Chanel, Herme’s, D&G, CK, Zara... Con số hàng nghìn lượt người truy cập để xem hàng tại các trang web này đủ để cho thấy sự hấp dẫn của hàng hiệu nhái với một bộ phận không nhỏ người tiêu dùng.
Mặc dù người bán khẳng định sản phẩm bán cho khách hàng là hàng nhái và bán với giá rẻ hơn so với hàng xịn, song hàng nhái cũng có dăm bảy loại và rất nhiều trường hợp khách hàng đã bị mất tiền oan khi phải trả khá nhiều tiền cho một sản phẩm mà chất lượng thấp. Chị Vũ Thu Nga, nhân viên văn phòng một công ty kinh doanh du lịch chia sẻ: “Nếu không phải là người “sành” trong việc chọn hàng cũng như có kinh nghiệm biết trang web nào bán hàng tốt thì người mua rất khó nhận ra sự khác biệt. Các web mua sắm thường quảng cáo hàng nhái của họ là sản phẩm nhái cao cấp nhưng khi nhận hàng, người mua mới phát hiện ra hàng kém chất lượng”.
Xu thế sính ngoại
Chị Nguyễn Thu Hương, chủ một shop thời trang có tiếng ở Hà Nội cho hay: “90% các mặt hàng thời trang được bày bán trong các shop hiện nay là hàng nhái. Các sản phẩm thời trang cao cấp của các hãng nổi tiếng như Herme’s hay Louis Vuitton đều có giá hàng nghìn USD, nếu các shop có nhập về cũng không mấy khách hàng có khả năng mua. Trong khi đó, hàng nhái giá rẻ, hình dáng, màu sắc lại không thua gì hàng “xịn” nên được rất nhiều khách hàng ưu tiên chọn lựa”. Xuất phát từ thực tế trên, nhiều cửa hàng thời trang chuyên bán hàng nhái đã mọc lên như nấm.
Tại các tuyến phố trung tâm như: Hàng Gà, Hàng Ngang, Hàng Đào, Hàng Bông, Hàng Gà, Đường Thành… các cửa hàng thời trang trưng bày rất nhiều nhãn hiệu nổi tiếng từ giầy dép, quần áo, túi xách, thắt lưng đều có giá từ vài trăm nghìn đến một triệu đồng. Nếu như ở Việt Nam, nhiều người tiêu dùng vẫn thản nhiên mua và sử dụng hàng hiệu nhái thì tại một số nước như Italy, Pháp, không chỉ người sản xuất, người bán mà người mua hàng hiệu nhái cũng bị phạt, kể cả khách du lịch. Người mua quần áo, kính mắt, túi xách, đồng hồ, thắt lưng nhái hàng hiệu sẽ bị phạt nặng. Hình phạt cao nhất áp dụng cho người mua hàng nhái tại Pháp là 300.000 euro hoặc phạt tù giam 3 năm.
Thạc sĩ, luật sư Nguyễn Thanh Hà, Giám đốc Công ty Luật TNHH S & B cho biết: “Hiện nay, rất nhiều các thương hiệu nổi tiếng lớn có sản phẩm bày bán trong các khu trung tâm thương mại như: Tràng Tiền Plaza, Vincom… được quản lý chặt chẽ và được các đơn vị cam kết bán hàng chính hãng. Tuy nhiên, các mặt hàng được bày bán ở chợ hay các shop thời trang bên ngoài thì không có cơ quan nào quản lý. Cho đến thời điểm này, các quy định pháp luật có liên quan đến vấn đề sở hữu trí tuệ được quy định khá chặt chẽ nhưng trên thực tế khả năng thực thi pháp luật của các cơ quan chức năng vẫn còn nhiều hạn chế. Bên cạnh đó, bản thân các hãng nổi tiếng không quyết liệt trong vấn đề bảo vệ thương hiệu của mình vô hình trung đã làm cho hàng nhái có cơ hội phát triển”…
(sblaw.vn theo anninhthudo)