Trong bài viết " Khi bất động sản thành miếng mồi đa cấp " trên báo anninhthudo có trích dẫn ý kiến của Luật sư Nguyễn Thanh Hà về vấn đề này
Mời quý vị đón đọc :
Không chỉ mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, thiết bị gia dụng… mà đến thời điểm hiện tại, ngay cả bất động sản cũng được coi là một mặt hàng được các mạng lưới bán hàng đa cấp sử dụng để “bẫy” khách hàng. Do hoa mắt bởi “mức lợi nhuận trong mơ”, nhiều người đã nhanh chóng sập bẫy.
Bất động sản cũng được coi là mặt hàng trong một số mạng lưới bán hàng đa cấp
(ảnh minh họa)
Những cái “bánh vẽ”
Gọi điện đến Đường dây nóng Báo An ninh Thủ đô, anh Đ.M.D - sinh viên trường Cao đẳng Du lịch cho biết, cách đây không lâu, qua một người quen, anh D được mời đến dự một buổi học về bán hàng bất động sản. Sau khi được “rót mật vào tai” bằng một loạt thông tin hấp dẫn từ diễn giả buổi học, anh D đã đồng ý nộp 1,6 triệu đồng/khóa học gồm 4 buổi. Trong những buổi học này, anh D được giới thiệu về một số dự án bất động sản với mức giá cực kỳ ưu đãi tại những địa bàn nổi tiếng về du lịch.
“Theo các chuyên gia đào tạo, nếu đầu tư vào dự án này, tôi không chỉ được hưởng giá thấp mà còn được khuyến mãi thêm gói nội thất có giá hàng trăm triệu đồng. Đặc biệt, nếu giới thiệu dự án thành công với người khác, tôi lại được hưởng thêm mức chiết khấu khoảng 10% giá trị hợp đồng. Tuy vậy, do số vốn đầu tư khá cao nên tôi vẫn đang cân nhắc” - anh D chia sẻ.
Cũng theo anh D, hiện có nhiều đơn vị đã triển khai phương thức bán hàng đa cấp trong lĩnh vực bất động sản. Tại buổi học, các diễn giả thường thuyết phục các học viên tham gia đầu tư những sản phẩm là bất động sản ở các khu nghỉ dưỡng, du lịch do chính đơn vị của họ phân phối. Do được rao bán với giá rất thấp, mức lợi nhuận được thổi phồng lên đến hàng chục phần trăm mỗi năm nên dù nằm ở vị trí chưa được đầu tư về cơ sở hạ tầng, không ít người vẫn sẵn sàng đổ tiền đầu tư vào các dự án này dưới hình thức góp vốn. Sau đó, họ phải tìm mọi cách lôi kéo người thân, bạn bè tham gia nhằm nhận hoa hồng và chuyển nhượng dự án càng nhanh càng tốt.
Giống như các buổi hội thảo về bán hàng đa cấp, trong hầu hết các buổi “đào tạo” về bất động sản đều có những đoạn video clip giới thiệu về “những ngôi sao” trong bán hàng với số tiền kiếm được lên tới hàng chục tỷ đồng. Bên cạnh đó, người của công ty đào tạo thường được bố trí ngồi xen kẽ với các học viên để tung hô diễn giả, lôi kéo mời chào học viên tham gia. Kết thúc buổi học, những “chim mồi” diễn trò tranh nhau nộp tiền khiến nhiều người khác cũng hùa theo.
Có thể thấy, tuy mới xuất hiện, song loại hình bán hàng đa cấp trong lĩnh vực bất động sản đã lan ra khá nhanh do những lời quảng cáo về mức thu nhập hấp dẫn. Hậu quả là không ít người dù điều kiện kinh tế khó khăn nhưng vẫn đi vay mượn khắp nơi để có tiền đầu tư, sau đó phải muối mặt lừa dối bạn bè, người thân để được nhận hoa hồng.
Vô số rủi ro
Đánh giá về hình thức bán hàng đa cấp trong lĩnh vực bất động sản, luật sư Nguyễn Thanh Hà - Công ty Luật SBLAW cho rằng, theo quy định, mô hình đa cấp muốn hoạt động hợp pháp phải có giấy phép và phải tham gia vào phân phối hàng hoá. Mọi loại hình dịch vụ đều không thuộc đối tượng của bán hàng đa cấp. Tuy nhiên, một số doanh nghiệp đang áp dụng mô hình kinh doanh đa cấp để kinh doanh bất động sản và tài chính. Điểm chung của các mô hình này là đưa ra những lời quảng cáo có cánh để hút vốn vào công ty, lấy tiền của người sau chia cho người trước và một phần sẽ nộp vào công ty. Hoạt động tài chính hoặc sản phẩm bất động sản chỉ là “bình phong” cho những hoạt động đa cấp này bởi những người tham gia hoạt động đa cấp về bất động sản phần lớn không quan tâm nhiều tới sản phẩm mà chỉ chú ý tới việc làm sao lôi kéo được nhiều người chơi vào hệ thống để hưởng hoa hồng.
Hoạt động trên chứa đựng nhiều rủi ro cho người tham gia. Với những người nằm trong hệ thống, họ phải huy động vốn từ những người thân quen, gia đình, bạn bè nên khi hệ thống bị vỡ, ngoài việc bị mất tiền họ còn mất nhiều mối quan hệ. Còn những chủ doanh nghiệp áp dụng mô hình kinh doanh này sẽ bị phạt tiền từ 30 - 50 triệu đồng nếu kinh doanh theo phương thức đa cấp mà không đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền theo Nghị định 124/2015/NĐ-CP. Mức phạt tiền sẽ tăng lên gấp hai lần đối với hành vi vi phạm nêu trên trong trường hợp hành vi này được thực hiện trên địa bàn từ 2 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trở lên.
Bên cạnh đó, tổ chức, cá nhân vi phạm còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, tội kinh doanh trái phép hoặc tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản với chế tài nghiêm khắc.
Từ những vụ việc diễn ra thời gian qua có thể thấy, dấu hiệu của bán hàng đa cấp bất chính là lợi nhuận không phát sinh từ việc bán hàng mà chủ yếu từ việc tuyển dụng người tham gia. Người bán hàng thường yêu cầu người tham gia đặt cọc và phải mua lượng hàng hóa ban đầu hoặc trả tiền để tham gia vào mạng lưới của doanh nghiệp bán hàng đa cấp, cho hưởng lợi ích kinh tế chủ yếu từ việc dụ dỗ người khác tham gia mạng lưới, thông tin sai lệch về lợi ích tham gia mạng lưới và hàng hóa để dụ dỗ người khác bán hàng đa cấp… Vì vậy, trước khi tham gia vào hệ thống, để tránh rủi ro, người dân cần tỉnh táo, tìm hiểu rõ về cơ sở pháp lý và kiên quyết nói không với các mạng lưới kinh doanh đa cấp khi thấy có một trong các dấu hiệu trên.