Theo Luật Thuế thu nhập cá nhân sửa đổi được Quốc hội thông qua sáng nay, 22-11, từ ngày 1-7-2013, người có thu nhập đến 9 triệu/tháng sẽ không phải nộp thuế và mức giảm trừ người phụ thuộc là 3,6 triệu đồng/tháng.
Theo luật mới có hiệu lực từ ngày 1-7-2013 này, mức khởi điểm chịu thuế thu nhập cá nhân và mức giảm trừ gia cảnh được nâng lên đáng kể so với hiện hành. Cụ thể, cá nhân thu nhập 9 triệu đồng/tháng (108 triệu đồng/năm) trở lên mới phải chịu thuế (so với mức 4 triệu đồng/tháng hiện nay) và mức giảm trừ đối với mỗi người phụ thuộc là 3,6 triệu đồng/tháng (hiện là 1,6 triệu đồng/tháng).
Luật cũng quy định trường hợp chỉ số giá tiêu dùng (CPI) biến động trên 20% so với thời điểm luật có hiệu lực thi hành hoặc thời điểm điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh gần nhất thì Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh quy định tại khoản này phù hợp với biến động của giá tiêu dùng để áp dụng cho kỳ tính thuế tiếp theo.
Biểu thuế suất vẫn giữ nguyên như hiện nay thay vì chia nhỏ thêm như đề nghị của nhiều đại biểu Quốc hội khi thảo luận về dự án luật vì Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng chia nhỏ biểu thuế suất có thể dẫn đến thiệt thòi cho một số người nộp thuế. Hơn nữa, việc nâng mức giảm trừ gia cảnh đã làm giảm thu ngân sách Nhà nước khá lớn nên nếu tiếp tục giãn các bậc thuế thì sẽ tiếp tục giảm thu và gây khó khăn cho cân đối ngân sách nhà nước.
Luật mới cũng quy định mức thuế suất cao nhất 35% dù trước đó, có những đại biểu Quốc hội đề nghị giảm xuống 30%. Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, việc giữ nguyên mức thuế suất hiện hành là bảo đảm tính hợp lý, thể hiện đúng bản chất điều tiết thu nhập của thuế thu nhập cá nhân. Bởi, người nộp thuế ở mức 35% hầu hết là người có thu nhập rất cao (thu nhập tính thuế trên 80 triệu đồng/tháng, trên 960 triệu đồng/năm). Mặt khác, nếu điều chỉnh mức thuế suất có thể sẽ làm giảm thu thêm khoảng 850 tỉ đồng (năm 2013) và khoảng 2.200 tỉ đồng (năm 2014), ảnh hưởng không nhỏ đến nguồn thu ngân sách Nhà nước.