Mô hình nhượng quyền có thể mang đến những lợi ích lớn, nhưng cũng ẩn chứa những rủi ro nhất định cho cả hai phía.
Theo ghi nhận tại nguồn cơ sở dữ liệu wipopublish của Cục Sở hữu trí tuệ, có tới 13 đơn đăng ký mang tên “Phở Thìn” cùng yêu cầu bảo hộ cho dịch vụ nhà hàng ăn uống (nhóm 43). Trong đó, chỉ có 2 đơn đăng ký đã được cấp văn bằng bảo hộ thuộc sở hữu của ông Bùi Chí Đạt (Đơn đầu tiên được nộp năm 2003, hết hạn bảo hộ vào năm 2013 và đơn thứ hai nộp năm 2014, đang được bảo hộ tới ngày 26/12/2024, có đồng chủ sở hữu là bà Bùi Thị Thanh Nhàn), đây chính là thương hiệu Phở Thìn Bờ Hồ có địa chỉ tại số 61 Đinh Tiên Hoàng. Đồng thời, theo truy vấn thông tin trên website của Cục Sở hữu trí tuệ, Phở Thìn 13 Lò Đúc đã nộp đơn đăng ký bảo hộ nhãn hiệu với bộ nhận diện mới bao gồm số và hình ảnh, những vẫn đang trong tình trạng “Đang giải quyết”.
Vấn đề nhượng quyền thương mại được quy định tại Điều 284 Luật Thương mại 2005 như sau: Nhượng quyền thương mại là hoạt động thương mại, theo đó bên nhượng quyền cho phép và yêu cầu bên nhận quyền tự mình tiến hành việc mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ theo các điều kiện sau đây:
1. Việc mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ được tiến hành theo cách thức tổ chức kinh doanh do bên nhượng quyền quy định và được gắn với nhãn hiệu hàng hoá, tên thương mại, bí quyết kinh doanh, khẩu hiệu kinh doanh, biểu tượng kinh doanh, quảng cáo của bên nhượng quyền;
2. Bên nhượng quyền có quyền kiểm soát và trợ giúp cho bên nhận quyền trong việc điều hành công việc kinh doanh. Căn cứ theo quy định trên, việc nhượng quyền được gắn với nhãn hiệu hàng hóa. Theo đó, bên nhượng quyền cần là chủ sở hữu nhãn hiệu gắn với hàng hóa, dịch vụ, mô hình kinh doanh nhượng quyền. Tuy nhiên, nhãn hiệu chưa được bảo hộ thì chưa xác nhận được bên nhượngquyền là chủ sở hữu của nhãn hiệu đó. Vì vậy việc nhượng quyền là không thể xảy ra.
Trường hợp nhãn hiệu chưa được bảo hộ, doanh nghiệp nhận nhượng quyền khó có thể kiểm soát và ngăn chặn các sản phẩm cùng loại với nhãn hiệu trùng và tương tự trên thị trường. Điều này không chỉ gây nhầm lẫn cho khách hàng mà còn có thể ảnh hưởng xấu đến uy tín của doanh nghiệp trong trường hợp các sản phẩm này có chất lượng kém.
Trường hợp nhãn hiệu không được bảo hộ (bị từ chối), việc doanh nghiệp nhận nhượng quyền sử dụng nhãn hiệu đã được một bên khác đăng ký bảo hộ trước bị xem là hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp căn cứ theo điểm a khoản 1 Điều 129 Luật Sở hữu trí tuệ 2005: “Sử dụng dấu hiệu trùng với nhãn hiệu được bảo hộ cho hàng hóa, dịch vụ trùng với hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục đăng ký kèm theo nhãn hiệu đó”, do đó, bất cứ lúc nào, doanh nghiệp nhận chuyển nhượng cũng có thể bị xử phạt, buộc chấm dứt việc sử dụng nhãn hiệu hoặc bị chủ sở hữu nhãn hiệu khởi kiện.
Câu 2: Từ thực tiễn hoạt động tư vấn, theo Ông, đâu là những sai sót thường gặp khi giao kết và thực hiện hợp đồng dẫn đến tranh chấp và rủi ro, thiệt hại cho bên nhận nhượng quyền thương mại (nhất là trong lĩnh vực thực phẩm, nhà hàng, ăn uống hiện nay?)
Quan hệ nhượng quyền thương mại luôn luôn tiềm ẩn những mâu thuẫn và xung đột lợi ích giữa các bên. Nếu như không được thỏa thuận để cân bằng lợi ích thì bất kỳ tại thời điểm nào của mối quan hệ cũng có thể xảy ra tranh chấp.
Tranh chấp hợp đồng nhượng quyền thương mại có các đặc thù sau:
Thứ nhất, về chủ thể của tranh chấp. Vì hợp đồng nhượng quyền thương mại không phải là hợp đồng mua bán mà là hợp đồng cho thuê. Do đó tranh chấp hợp đồng nhượng quyền thương mại là tranh chấp giữa người cho thuê và người thuê. Thương hiệu hay các bí quyết kinh doanh… của bên nhượng quyền không được chuyển nhượng hay bán cho bên nhận quyền, mà chỉ cho phép bên nhận quyền được khai thác kinh doanh trên đó trong một thời gian nhất định.
Thứ hai, về đối tượng của tranh chấp. Đối tượng của hợp đồng nhượng quyền thương mại là tài sản vô hình và các quyền thương mại khác như: quyền khai thác sản xuất hàng hoá hoặc dịch vụ theo cách thức nhất định; thương danh, bố trí không gian thương mại, ... Các tranh chấp liên quan đến hợp đồng nhượng quyền thường liên quan đến: quyền và nghĩa vụ của các bên; phí nhượng quyền; phạm vi và địa điểm được nhượng quyền thương mại; bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và điều khoản chống cạnh tranh; …
Theo đó, đối với các nhà đầu tư có định hướng nhận nhượng quyền thương mại, cần kiểm tra kỹ các điều khoản của hợp đồng, tình trạng pháp lý của nhãn hiệu thuộc hệ thống nhượng quyền.
Ngoài ra, cần kiểm tra trên thị trường có đang tồn tại các nhãn hiệu trùng lặp/tương tự gây ảnh hưởng đến khả năng khai thác thương mại của nhãn hiệu hay không nhằm tránh xảy ra tranh chấp.