Trong chương trình Luật sư doanh nghiệp, phát sóng vào 10h 30, thứ 3, ngày 22/4/2014 trên Kênh truyền hình kinh tế, tài chính VITV, VTC8, Luật sư Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch công ty luật SBLAW sẽ trao đổi về tính pháp lý của hợp đồng trong hoạt động M&A.
Chúng tôi trân trọng giới thiệu nội dung bài phỏng vấn này:
Biên Tập Viên: Thưa luật sư, Hợp đồng M&A được xây dựng trên nguyên tắc như thế nào? Có một loại hợp đồng mẫu cho M&A hay không?
Luật sư Nguyễn Thanh Hà:
Nguyên tắc: cũng giống như các hợp đồng khác, hợp đồng M&A phải tuân thủ các nguyên tắc như tự do thỏa thuận, nguyên tắc tự nguyện và nguyên tắc chịu trách nhiệm về mặt tài sản.
Tuy nhiên, trong hợp đồng M&A, cũng cần nhấn mạnh nguyên tắc hợp tác, vì quá trình M&A là một quá trình kéo dài, vì vậy, trong quá trình thực hiện hơp đồng, các bên phải hết sức hợp tác để hợp đồng được thành công.
Bên cạnh đó, một trong những nguyên tắc mà các bên cần chú ý là hết sức cẩn trọng, quy định trong hợp đồng càng chi tiết càng tốt để đảm bảo hạn chế rủi ro và tranh chấp.
Hợp đồng M&A là một mắt xích quan trọng trong tổng thể tiến trình thực hiện chiến lược M&A của nhà đầu tư
Hợp đồng M&A không có một mẫu chung thống nhất được vì phạm vi các hợp đồng là khác nhau. có hợp đồng thì người mua (1) chỉ mua một phần vốn trong Công ty người bán (2) mua toàn bộ phần vốn góp của bên bán (3) hoặc hai bên sáp nhập vào nhau.
Tuy nhiên, chỉ có một số điều khoản có thể giống nhau như các điều khoản chung trong mọi hợp đồng, điều khoản cam kết, bảo đảm và thông thường việc thanh toán sẽ theo tiến độ chuyển giao, sáp nhập và sẽ phụ thuộc vào cả kết quả kinh doanh của doanh nghiệp sau này.
Tùy thuộc vào mục tiêu chiến lược của từng bên tham gia trực tiếp vào quá trình M&A cũng như kết quả điều tra, khảo sát các rủi ro tài chính và pháp lý của các bên, Hợp đồng M&A sẽ được thiết kế riêng phù hợp cho từng trường hợp cụ thể. Do vậy, không có một loại hợp đồng mẫu nào cho M&A.
Biên Tập Viên: Xin luật sư có thể phân tích một số tranh chấp có thể phát sinh trước, trong và sau khi giao kết hợp đồng M&A
Luật sư Nguyễn Thanh Hà:
Trong các quy trình thực hiện M&A điển hình, thông thường, trước khi giao kết hợp đồng M&A, các Bên tham gia thường ký kết biên bản ghi nhớ nhằm cho phép bên thâu tóm hoặc bên mua tiến hành điều tra, khảo sát các rủi ro về mặt tài chính, pháp lý cũng như các mâu thuẫn lợi ích nếu tiến hành thương vụ M&A.
Do vậy, trước khi giao kết hợp đồng M&A, các bên có thể có những tranh chấp liên quan đến các thông tin bí mật đã khai thác được trong quá trình tiến hành điều tra, chi phí trang trải cho việc thực hiện điều tra cũng như các tranh chấp về việc thực hiện giao kết hợp đồng M&A.
Trong quá trình giao kết và thực hiện hợp đồng M&A, các bên có thể xảy ra các tranh chấp liên quan đến việc xử lý các nghĩa vụ tài chính phát sinh trước khi giao kết hợp đồng M&A của doanh nghiệp bị thâu tóm,
Trách nhiệm xử lý các vấn đề pháp lý liên quan đến lao động dôi dư, tính không chính xác hoặc thiếu trung thực về thông tin của các bên đã đưa ra trong quá trình giao kết hợp đồng M&A và phổ biến nhất là nghĩa vụ thanh toán cũng như nghĩa vụ chuyển giao giữa các bên sau khi hoàn tất về mặt pháp lý thương vụ M&A hoặc khi xảy ra những điều kiện pháp lý không cho phép thực hiện kế hoạch thâu tóm như đã dự định ban đầu.
Biên Tập Viên: liên quan đến điều khoản thanh toán, làm thế nào để đảm bảo việc thanh toán sẽ diễn ra đúng như cam kết?
Luật sư Nguyễn Thanh Hà:
Việc thanh toán trong các thương vụ M&A thường rất phức tạp và chứa đựng nhiều yếu tố rủi ro.
Theo kinh nghiệm của chúng tôi, để bảo đảm tối ưu cho việc thực hiện điều khoản thanh toán, quy trình thanh toán nên được thực hiện thông qua các tổ chức cung cấp dịch vụ thanh toán trung gian có uy tín.
Theo đó, các tổ chức tài chính trung gian có thể đứng ra như một bên thứ ba độc lập đóng vai trò là người đảm bảo cho việc thanh toán có thể được thực hiện theo đúng thỏa thuận giữa các Bên trong hợp đồng M&A cũng như đảm bảo đúng các quy định của pháp luật.
Cách tốt nhất là yêu cầu bên mua đưa tiền vào một tài khoản phong tỏa, thanh toán có ngân hàng đứng giữa và sẽ thanh toán khi đáp ứng các điều kiện theo tiến độ. Bên cạnh đó, nên có điều khoản xử lý khi không thanh toán như bên bị vi phạm sẽ được quyền sửa lại Giấy ĐKKD hoặc CNĐT ghi nhận lại theo số tiền thực thanh toán.
Biên Tập Viên: Các doanh nghiệp cần lưu ý vấn đề gì khi tham gia M&A thưa luật sư?
Luật sư Nguyễn Thanh Hà:
Điều đầu tiên các doanh nghiệp cần lưu ý khi tham gia M&A là phải xác định được rất rõ mục tiêu chiến lược của mình trong thương vụ M&A là gì.
Trên cơ sở xác định được mục tiêu chiến lược, các doanh nghiệp sau đó cần phải tiến hành điểu tra, thẩm tra các yếu tố rủi ro về mặt tài chính và pháp lý như khả năng đat được mức lợi nhuận kỳ vọng, các chi phí tài chính có thể phát sinh trong quá trình thực hiện thương vụ, tính pháp lý của các thỏa thuận hoặc các quy định về chống độc quyền...
Sau khi đã xác định được rõ các rủi ro về mặt tài chính và pháp lý, doanh nghiệp mới đi đến việc cân nhắc và quyết định có nên hay không nên giao kết hợp đồng M&A. Nếu giao kết, hợp đồng M&A phải bảo đảm giải quyết được tương đối đầy đủ các rủi ro pháp lý, tài chính đã được chỉ ra trong quá trình điều tra, thẩm tra đó.