Trong bài viết "Hồ sơ Panama chưa được coi là chững cứ" trên báo An ninh thủ đô có trích dẫn ý kiến của luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch công ty luật SBLaw. Chúng tôi trân trọng gửi tới các bạn chi tiết nộ dung bài báo.
ANTĐ - Liên quan đến việc Việt Nam có 189 cá nhân xuất hiện trong “Hồ sơ Panama” vừa được công bố, luật sư Nguyễn Thanh Hà - Giám đốc Công ty Luật SBLaw khẳng định hiện chưa thể kết luận những nhà đầu tư này vi phạm pháp luật.
Luật sư Nguyễn Thanh Hà - Giám đốc công ty Luật SBLaw.
Đúng thủ tục thì không vi phạm
Theo luật sư Nguyễn Thanh Hà, pháp luật hiện hành quy định, việc đầu tư ra nước ngoài hiện nay được quản lý tương đối chặt chẽ và phù hợp với các tập quán đầu tư quốc tế. Một tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân (sau đây gọi là nhà đầu tư) hoàn toàn có quyền đầu tư ra nước ngoài nếu tuân thủ các điều kiện và quy trình sau:
Doanh nghiệp phải lập dự án đầu tư và xin cấp Giấy chứng nhận đầu tư ra nước ngoài tại Bộ KH-ĐT. Khi đã có Giấy chứng nhận, nhà đầu tư cần liên hệ với Ngân hàng Nhà nước để xin Giấy phép mở tài khoản vốn đầu tư ra nước ngoài, sau đó tiếp tục liên hệ với một ngân hàng thương mại tại Việt Nam để mở tài khoản, nhằm giúp các cơ quan Nhà nước kiểm soát nguồn ngoại tệ từ Việt Nam ra nước ngoài và từ nước ngoài vào Việt Nam. Sau khi tiến hành các thủ tục trên, nhà đầu tư có thể tiến hành hoạt động đầu tư ra nước ngoài hợp pháp.
Trong “Hồ sơ Panama” bị rò rỉ, mặc dù có một số nhà đầu tư Việt Nam bị nêu tên, song chưa thể kết luận việc họ đầu tư ra nước ngoài là phạm pháp. Bởi, nếu các nhà đầu tư này tuân thủ các quy định về pháp luật đầu tư và pháp luật ngoại hối như đã nêu trên, thì việc đầu tư là hoàn toàn hợp pháp và Nhà nước có thể kiểm soát được. Còn trong trường hợp nhà đầu tư không tuân thủ các quy định của pháp luật, đầu tư mà không xin Giấy chứng nhận đầu tư, chuyển vốn ra nước ngoài và lợi nhuận về Việt Nam dưới hình thức bất hợp pháp, họ mới vi phạm pháp luật.
Ví dụ, theo quy định hiện hành, một cá nhân phát sinh thu nhập ở trong và ngoài nước, phải kê khai và nộp thuế thu nhập cá nhân, tuy nhiên khi cá nhân này không kê khai khoản thu nhập ở nước ngoài với mục đích trốn thuế thì cũng có thể xử phạt về hành vi trốn thuế.
Còn về vấn đề rửa tiền, Luật Phòng chống rửa tiền và Nghị định số 116/2013/NĐ - CP quy định chi tiết thi hành một số điều của luật này đã quy định rõ về các biện pháp phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, xử lý tổ chức, cá nhân có hành vi rửa tiền; biện pháp xử lý hành vi rửa tiền. Có thể nói Việt Nam hiện nay đã có hành lang pháp lý cho việc chống lại hành vi rửa tiền. Song, đối với “Hồ sơ Panama”, để chứng minh được có hành vi rửa tiền hay không là một điều rất khó, đòi hỏi phải có sự vào cuộc của nhiều cơ quan chức năng và sự hợp tác quốc tế.
Cần thẩm định tính chính xác của các dữ liệu
Trả lời câu hỏi: “Những thông tin về “Hồ sơ Panama” được đăng tải trên mạng có được coi là chứng cứ trong việc xác định trách nhiệm pháp lý của cá nhân liên quan không?”, luật sư Nguyễn Thanh Hà cho rằng, theo Điều 64 Bộ luật Tố tụng hình sự, chứng cứ là những gì có thật, được thu thập theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định… Chứng cứ được xác định bằng: Vật chứng; Lời khai của người làm chứng, người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án, người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo; Kết luận giám định... Như vậy, “Hồ sơ Panama” chỉ được coi là một trong những nguồn thông tin tham khảo để hình thành chứng cứ.
Thông tin trong “Hồ sơ Panama” là thông tin được lấy từ cơ sở dữ liệu của một công ty luật và được một liên đoàn phóng viên điều tra quốc tế công bố, chúng ta vẫn chưa rõ về mục đích thực sự của việc công bố những tài liệu này và chưa có một cơ quan độc lập nào kiểm chứng độ chính xác của tài liệu. Hơn nữa, việc tổ chức này truy cập bất hợp pháp vào cơ sở dữ liệu của công ty luật để lấy dữ liệu có được xem là hợp pháp không cũng cần phải được xem xét.
“Từ những lập luận trên, tôi cho rằng, các cơ quan chức năng của Việt Nam (cơ quan công an, thuế, Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan chức năng khác) nên thu thập các dữ liệu này, tiến hành thêm các hoạt động hợp tác quốc tế để thẩm định tính chính xác của các dữ liệu, kết hợp với các hoạt động nghiệp vụ điều tra trong và ngoài nước và tổng hợp, mới hình thành nên chứng cứ. Đây là một công việc khó khăn và mất nhiều thời gian vì liên quan tới nhiều giao dịch ở nước ngoài” - luật sư Nguyễn Thanh Hà nhận định.
Link bài viết: http://anninhthudo.vn/thoi-su/ho-so-panama-chua-duoc-coi-la-chung-cu/677903.antd