SBLAW trân trọng giới thiệu bài trả lời phỏng vấn của luật sư Nguyễn Thanh Hà, chủ tịch SBLAW trên báo Sài Gòn giải phóng với tiêu đề Hệ thống kiểm soát hàng hóa đang bị 'bỏ ngỏ' trên TikTok Shop
(ĐTTCO) - Theo LS. Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật SBLAW, hàng giả, nhái tràn lan trên TikTok Shop do hệ thống kiểm soát của nền tảng này chưa chặt chẽ, trong khi các thủ đoạn lừa đảo ngày càng tinh vi.
Vấn đề hàng giả, nhái tràn lan trên TikTok Shop
Phóng viên:
Dù TikTok đã có những điều khoản, quy định khá nghiêm ngặt với người kinh doanh trên TikTok Shop, nhưng đến nay nền tảng này vẫn tràn lan hàng giả, hàng nhái. Theo ông, nguyên nhân do đâu?
Ls. Nguyễn Thanh Hà:
Nguyên nhân trước hết từ phía TikTok, đó là quản lý lỏng lẻo, không có biện pháp kiểm soát hiệu quả để ngăn chặn hoạt động kinh doanh, buôn bán, quảng cáo hàng giả, hàng nhái. TikTok Shop có hàng triệu người bán và hàng hóa được đăng tải hàng ngày. Việc kiểm soát tất cả giao dịch là thách thức lớn, đặc biệt khi số lượng người dùng và giao dịch ngày càng tăng.
TikTok Shop tuyên bố nghiêm cấm hàng giả, yêu cầu sản phẩm bán trên nền tảng là hàng thật. Nhưng bằng nhiều thủ thuật đơn giản, gian thương vẫn tìm ra cách để sản phẩm giả, nhái, kém chất lượng qua mặt nền tảng.
Cụ thể, để bán mặt hàng nhái thương hiệu, người bán che logo nhận diện trên sản phẩm hoặc bao bì, vỏ hộp. Khi thiết lập mô tả sản phẩm, họ khéo léo lồng ghép tên thương hiệu. Thậm chí, các tài khoản này còn chạy quảng cáo khiến sản phẩm bị cấm có thể xuất hiện trên nền tảng, tiếp cận nhiều khách hàng tiềm năng.
Ngoài ra, ngay cả khi không được duyệt sản phẩm trên TikTok Shop, người bán vẫn có thể sử dụng nền tảng để đăng tải video quảng cáo hàng giả, hàng kém chất lượng, dẫn người mua qua các kênh khác như mạng xã hội (MXH), sàn thương mại điện tử (TMĐT) thông qua nền tảng TikTok.
Về phía cơ quan quản lý, việc quản lý, phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị chức năng liên quan đến xử lý các hành vi vi phạm về hàng giả, hàng nhái trong TMĐT, như công an, quản lý thị trường, hải quan, vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ người tiêu dùng… còn hạn chế, chưa có sự đồng nhất.
Dù Nhà nước phát triển công cụ, kỹ thuật để rà quét, phát hiện và xử lý thông tin vi phạm, nhưng các nền tảng MXH sử dụng thuật toán như TikTok để “lách”, khiến bộ công cụ không thể tự động rà quét, phát hiện vi phạm. Ngoài ra, Nhà nước không thể quản lý hoàn toàn được các livestream trên TikTok, do họ phát live bất chợt, nhỏ lẻ.
Giải quyết vấn nạn hàng giả, nhái trên sàn TMĐT là nhiệm vụ khó khăn, đòi hỏi sự hợp tác và cải cách từ các bên liên quan.
Giải pháp ngăn chặn tệ nạn trên sàn thương mại điện tử
Phóng viên:
Theo ông Hà, cần những giải pháp nào để ngăn chặn tệ nạn này trên sàn TMĐT?
Ls. Nguyễn Thanh Hà
Để kiểm soát chặt chẽ hoạt động của các sàn TMĐT, cơ quan chức năng cần thiết lập và thực thi các quy định liên quan đến bảo vệ người tiêu dùng và ngăn chặn hàng giả, nhái, và hàng kém chất lượng. Cụ thể, đặt ra các yêu cầu về kiểm tra và xác minh danh tính người bán, giám sát chất lượng sản phẩm, đảm bảo tuân thủ các quy định về giao dịch TMĐT.
Thứ 1:
Sử dụng công nghệ như trí tuệ nhân tạo (AI) để phát hiện, ngăn chặn các sản phẩm giả mạo và nhái. Bởi công nghệ có thể giúp tự động kiểm tra hàng hóa, giám sát hoạt động của người bán và phát hiện các hoạt động gian lận. Cùng với đó, quy trình xử lý vi phạm cần mạnh mẽ và công bằng đối với các trường hợp vi phạm, sẽ giúp giảm thiểu các hành vi vi phạm.
Với các chủ sàn TMĐT cần thiết lập và thực hiện chính sách nghiêm ngặt đối với các người bán, bao gồm yêu cầu xác thực người bán và giám sát các hoạt động kinh doanh của họ. Chính sách này nên hướng dẫn rõ ràng về quy trình kiểm tra sản phẩm và xử lý các trường hợp vi phạm.
Các chủ sàn cần tạo điều kiện thuận lợi cho người tiêu dùng để báo cáo về các sản phẩm giả mạo, kém chất lượng. Họ nên cung cấp các kênh phản hồi và hỗ trợ để giải quyết các vấn đề của người tiêu dùng một cách nhanh chóng và hiệu quả. Các chủ sàn TMĐT cũng cần hợp tác chặt chẽ, chia sẻ thông tin với cơ quan chức năng để giải quyết các vấn đề liên quan đến hàng giả, nhái, kém chất lượng, cũng như bảo vệ người tiêu dùng.
- Nếu người tiêu dùng phát hiện mình mua phải hàng giả, nhái, kém chất lượng trên các nền tảng như TikTok Shop, phải xử lý như thế nào, thưa ông?
- Nếu rơi vào trường hợp này, người tiêu dùng có thể thực hiện các bước sau để xử lý tình huống: Liên hệ với người bán để thông báo về tình huống và yêu cầu hoàn trả hoặc đổi hàng. Sau đó đánh giá và để lại phản hồi trên nền tảng TMĐT về trải nghiệm của bạn với người bán và sản phẩm.
Điều này giúp cảnh báo người khác tránh mua phải hàng giả, kém chất lượng. Nếu người bán không giải quyết vấn đề của bạn hoặc xuất hiện nhiều vấn đề tương tự với người khác, hãy báo cáo vấn đề này cho nền tảng TMĐT như TikTok Shop. Họ có thể can thiệp và giúp bạn giải quyết mối quan ngại của mình.
Một lưu ý quan trọng, là cần kiểm tra các chính sách bảo vệ người tiêu dùng của nền tảng TMĐT để biết các quy định và quyền lợi của bạn trong trường hợp mua hàng không đúng chất lượng. Nếu tình huống trở nên phức tạp và người mua cảm thấy bị tổn thương nghiêm trọng, hãy báo cáo vụ việc cho cơ quan quản lý người tiêu dùng hoặc cơ quan chức năng liên quan. Điều này giúp đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng và ngăn chặn các hoạt động bất hợp pháp từ các người bán không trung thực.
- Tình trạng hàng giả, nhái lộng hành trên một số sàn TMĐT không chỉ ảnh hưởng đến doanh nghiệp, người tiêu dùng, còn gây thất thu thuế, thưa ông?
- Đúng như vậy. Thứ nhất, hàng giả, hàng nhái gây hại cho doanh nghiệp bởi họ phải cạnh tranh với các sản phẩm giá rẻ và không đáng tin cậy. Điều này làm giảm doanh số bán hàng và lợi nhuận của doanh nghiệp chính thống. Với người tiêu dùng, hàng giả, hàng nhái có thể gây tổn thương sức khỏe, mất tiền và giảm niềm tin vào việc mua sắm trực tuyến.
Thứ hai
Hàng giả, hàng nhái trên các sàn TMĐT gây thiệt hại đáng kể đến nguồn thu thuế của Nhà nước. Các người bán không trung thực thường trốn thuế, trốn thu nhập và không tuân thủ đúng quy định về thuế.
Hiện nay, việc cải cách thu thuế trên sàn TMĐT đang diễn ra ở nhiều quốc gia. Tuy nhiên, việc giám sát và thu thập thuế trên môi trường trực tuyến đòi hỏi sự đầu tư lớn về công nghệ và cơ chế hợp tác giữa các nước. Các cải cách này cần tập trung vào việc nâng cao khả năng giám sát và kiểm soát giao dịch TMĐT, đồng thời thúc đẩy sự tuân thủ đúng quy định thuế từ các doanh nghiệp và người bán.
Vì thế, để giải quyết vấn đề này cần có sự hợp tác chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng, sàn TMĐT, doanh nghiệp, và người tiêu dùng. Hợp tác này có thể bao gồm chia sẻ thông tin, dữ liệu, kỹ thuật và kinh nghiệm để tạo ra môi trường mua sắm an toàn và tin cậy trên các nền tảng TMĐT.
Tóm lại, bằng cách nâng cao nhận thức người tiêu dùng, thực hiện các biện pháp quản lý giá chặt chẽ và cải cách thu thuế hiệu quả, chúng ta có thể tạo nên môi trường mua sắm an toàn, tin cậy và bảo vệ lợi ích của người tiêu dùng, cũng như đóng góp đáng kể vào nguồn thu thuế của quốc gia.
Nguồn: https://dttc.sggp.org.vn/he-thong-kiem-soat-hang-hoa-dang-bi-bo-ngo-tren-tiktok-shop-post106992.html