Luật sư Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch Công ty Luật TNHH SB LAW đã trả lời trong Chương trình Hiểu Đúng - Làm Đúng trên kênh Truyền hình quốc hội về tình huống lừa đảo tiền xin việc. Dưới đây là nội dung chi tiết:
Tình huống: Anh Tú là nhân viên đa cấp nhưng lại nổ là làm việc tại văn phòng chính phủ, làm chị Hoa tưởng thật nên đầu tư tiền nhờ anh Tú xin việc cho chồng mình là anh Tài, ai ngờ đợi mãi không thấy động tĩnh gì, hỏi ra mới biết anh Tú đã bỏ trốn khỏi nơi cư trú.
Theo như thông tin bạn cung cấp, giữa hai vợ chồng bạn và vợ chồng anh Tú cam kết nhận tiền giúp xin việc, anh Tú chị Trâm đã nhận số tiền là 500.000.000 đồng, có thể thấy người này đã nhận tiền của bạn và hứa chạy việc cho bạn. Tuy nhiên, sau một thời gian vợ chồng anh Tú vẫn chưa thực hiện cam kết.
Với trường hợp này của bạn, nếu có căn cứ anh Tú nhận tiền của bạn rồi bỏ trốn thì bạn có thể tố cáo đến cơ quan công an về hành vi lừa đảo nhằm chiếm đoạt tài sản của người đó.
Vì ngay từ ban đầu anh Tú, chị Trâm đã có hành vi lừa bạn (để bạn tin rằng anh Tú làm việc tại văn phòng chính phủ) nhằm chiếm đoạt số tiền của bạn. Do đó, anh Tú và chị Trâm có thể sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản (Điều 139 Bộ luật hình sự 1999 sửa đổi, bổ sung 2009), cụ thể như sau:
“1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ hai triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới năm trăm nghìn đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Tái phạm nguy hiểm;
d) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
đ) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;
e) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng;
g) Gây hậu quả nghiêm trọng.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm:
a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng;
b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân:
a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên;
b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm”.