- Tiền thuê đất xác định theo giá đất tại thời điểm gia hạn
Ngày 30/01/2018, Bộ tài chính đã ban hành Thông tư số 11/2018/TT-BTC sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 77/2014/TT-BTC ngày 16 tháng 6 năm 2014 của Bộ Tài chính hướng dẫn một số ddieuf của Nghị định số 46/2014/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2014 của Chính phủ quy định về thu tiền thuê đất, thuê mặt nước. Theo đó, quy định, khi được gia hạn sử dụng đất mà người sử dụng đất thuộc đối tượng phải nộp tiền thuê đất thì tiền thuê đất được xác định theo chính sách và giá đất tại thời điểm được gia hạn.
Đối với người được Nhà nước cho thuê đất đang sử dụng nhà, đất tại công trình xây dựng có mục đích sử dụng hỗn hợp thuộc sở hữu Nhà nước hoặc có phần diện tích thuộc quyền quản lý của Nhà nước mà không tách riêng được phần diện tích đất sử dụng cho từng đối tượng đang sử dụng, số tiền thuê đất phải nộp được phân bổ cho từng đối tượng sử dụng theo hệ số phân bổ nhân với diện tích sàn sử dụng của từng đối tượng và áp dụng từ ngày 01/07/2017.
Cũng theo Thông tư, nhà đầu tư đã chi trả tiền đền bù, giải phóng mặt bằng theo phương án được phê duyệt trước ngày 01/07/2004 và được Nhà nước cho thuê đất từ ngày 01/07/2004 trở về sau thì được trừ số tiền bồi thường, hỗ trợ về đất theo phương án đã được phê duyệt hoặc giá trị quyền sử dụng đất theo mục đích đất nhận chuyển nhượng tại thời điểm tự thỏa thuận, tự nhận chuyển nhượng vào tiền thuê đất đã nộp và không vượt quá số tiền thuê đất phải nộp.
Thông tư này có hiệu lực từ ngày 20/3/2018.
- Thu tiền sử dụng đất với diện tích tăng thêm do đo đạc lại
Đây là nội dung mới được bổ sung tại Thông tư số 10/2018/TT-BTC sửa đổi, bổ sung Thông tư 76/2014/TT-BTC hướng dẫn Nghị định 45/2014/NĐ-CP quy định về thu tiền sử dụng đất.
Cụ thể, việc thu tiền sử dụng đất khi cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với diện tích đất tăng thêm do đo đạc lại so với giấy tờ về quyền sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất được quy định như sau: Nếu hộ gia đình, cá nhân đã có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với thửa đất đó thì phải nộp tiền sử dụng đất với phần diện tích tăng thêm do đo đạc lại theo chính sách và giá đất tại thời điểm đã cấp Giấy chứng nhận; Trường hợp hộ gia đình, cá nhân đã có các giấy tờ về quyền sử dụng đất khác thì nộp tiền sử dụng đất đối với phần diện tích đất tăng thêm theo chính sách và giá đất tại thời điểm có quyết định công nhận quyền sử dụng đất tăng thêm của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
Thông tư này có hiệu lực từ ngày 20/03/2018.
- Trẻ từ đủ 15 tuổi được sử dụng thẻ tín dụng, không cần tài sản riêng
Đây là nội dung mới nổi bật tại Thông tư số 26/2017/TT-NHNN sửa đổi một số điều khoản về hoạt động thẻ ngân hàng được ban hành ngày 29/12/2017. Cụ thể:
- Người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi không bị mất hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự (NLHVDS) được sử dụng thẻ ghi nợ, thẻ tín dụng, thẻ trả trước mà không cần có tài sản riêng đảm bảo như quy định hiện hành.
- Người từ đủ 6 tuổi đến chưa đủ 15 tuổi không bị mất hoặc hạn chế NLHVDS được người đại diện theo pháp luật của người đó đồng ý bằng văn bản được sử dụng thẻ phụ là thẻ ghi nợ.
(Hiện hành đối tượng này chỉ được sử dụng thẻ phụ là thẻ ghi nợ không được thấu chi)
Riêng trường hợp đối tượng được sử dụng thẻ là người nước ngoài thì phải đảm bảo điều kiện cư trú tại Việt Nam với thời hạn từ 12 tháng trở lên.
Thông tư số 26/2017/TT-NHNN có hiệu lực từ ngày 03/3/2018.
4. Nhập khẩu 01 ôtô cũ cần 07 loại giấy tờ để kiểm tra chất lượng
Bộ GTVT ban hành Thông tư số 03/2018/TT-BGTVT quy định về kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với ô tô nhập khẩu thuộc đối tượng của Nghị định số 116/2017/NĐ-CP ngày 17/10/2017.
Theo đó, quy định 07 loại giấy tờ trong hồ sơ mà doanh nghiệp nhập khẩu cần có để đăng ký kiểm tra đối với 01 xe ô tô nhập khẩu đã qua sử dụng như sau:
- Bản đăng ký kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường theo mẫu tại phụ lục I.
- Bản sao GCN đăng ký lưu hành còn hiệu lực đến trước khi xuất khẩu được cấp bởi cơ quan có thẩm quyền nước ngoài hoặc giấy tờ có giá trị tương đương;
- Bản sao hóa đơn thương mại;
- Bản sao bản giải mã số VIN của nhà sản xuất xe (cho kiểu loại chứng nhận lần đầu);
- Bản chính bản thông tin xe cơ giới nhập khẩu theo mẫu tại Phụ lục III;
- Bản sao tài liệu giới thiệu tính năng và thông số kỹ thuật xe của nhà sản xuất;
- Bản sao tờ khai hàng hóa nhập khẩu đối với hồ sơ giấy; số ngày, tháng, năm của Tờ khai đối với hồ sơ điện tử.
Thông tư số 03/2018/TT-BGTVT có hiệu lực từ ngày 01/3/2018.
- Bãi bỏ quy định chính sách tài chính với Khu kinh tế cửa khẩu
Ngày 16/01/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định số 01/2018/QĐ-TTg bãi bỏ Quyết định 72/2013/QĐ-TTg về cơ chế, chính sách tài chính đối với Khu kinh tế cửa khẩu.
Các chính sách ưu đãi đối với Khu kinh tế cửa khẩu tại Quyết định 72/2013/QĐ-TTg bao gồm: Giảm 50% thuế thu nhập cá nhân cho người trực tiếp làm việc, sản xuất kinh doanh tại Khu kinh tế cửa khẩu; Không áp dụng thuế giá trị gia tăng với hàng hóa, dịch vụ sản xuất, tiêu thụ trong khu phi thuế quan thuộc Khu kinh tế cửa khẩu và hàng hóa, dịch vụ nhập khẩu từ nước ngoài vào, tiêu thụ trong khu phi thuế quan thuộc Khu kinh tế cửa khẩu, …
Các dự án đầu tư đang được hưởng chính sách ưu đãi ghi trong Giấy phép đầu tư, Giấy chứng nhận đầu tư, … hoặc đang được hưởng mức ưu đãi tại Quyết định 72/2013/QĐ-TTg vẫn được tiếp tục thực hiện các ưu đãi đó cho thời gian còn lại của dự án.
Quyết định này có hiệu lực từ ngày 01/03/2018.
6. Hướng dẫn mới về sửa đổi hồ sơ mời thầu qua mạng (E-HSMT)
Đây là nội dung được hướng dẫn tại Thông tư số 04/2017/TT-BKHĐT quy định chi tiết về lựa chọn nhà thầu qua Hệ thống mạng đấu thầu Quốc gia.
Theo đó, khi cần sửa đổi E-HSMT thì bên mời thầu đăng nhập và chỉnh sửa trực tiếp trên Hệ thống sau khi có sự chấp thuận về nội dung của chủ đầu tư.
Cụ thể việc thực hiện như sau:
- Bên mời thầu phải đăng tải quyết định sửa đổi E-HSMT (kèm theo các nội dung sửa đổi) và E-HSMT đã được sửa đổi cho phù hợp.
- Việc sửa đổi phải được thực hiện trước thời điểm đóng thầu tối thiểu 03 ngày làm việc và bảo đảm đủ thời gian để nhà thầu hoàn chỉnh E-HSDT;
Trường hợp không bảo đảm đủ thời gian như nêu trên thì phải gia hạn thời điểm đóng thầu.
Sau khi bên mời thầu hoàn thành việc sửa đổi thì hệ thống gửi thông báo tới địa chỉ email của nhà thầu đã nhấn nút “theo dõi” trong giao diện của E-TBMT trên Hệ thống.
Lưu ý nhà thầu cần thường xuyên cập nhật thông tin về sửa đổi trên Hệ thống để bảo đảm cho việc chuẩn bị E-HSDT phù hợp và đáp ứng với yêu cầu của E-HSMT.
Ngoài ra, Thông tư cũng quy định khi tham dự thầu qua mạng, nhà thầu phải thực hiện biện pháp bảo đảm dự thầu trước thời điểm đóng thầu theo hình thức thư bảo lãnh do ngân hàng hoặc tổ chức tín dụng khác phát hành. Việc bảo lãnh dự thầu có thể thực hiện qua mạng (đối với những ngân hàng, tổ chức tín dụng đã kết nối với Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia), hoặc nhà thầu scan thư bảo lãnh của ngân hàng, đính kèm khi nộp hồ sơ dự thầu và cam kết nộp bản gốc bảo lãnh dự thầu (với những ngân hàng, tổ chức tín dụng chưa có kết nối đến Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia).
Thông tư số 04/2017/TT-BKHĐT có hiệu lực từ ngày 01/3/2018.
- Thông tin về đấu thầu được cung cấp trong thời hạn 7 ngày
Theo quy định tại Thông tư số 06/2017/TT-BKHĐT, việc cung cấp các thông tin về đấu thầu như: Thông tin về dự án; Kế hoạch lựa chọn nhà thầu; Kết quả lựa chọn nhà thầu; Hợp đồng; Hủy thầu; Thông tin về nhà thầu nước ngoài trúng thầu tại từng dự án/gói thầu… phải được thực hiện trong vòng 07 ngày làm việc kể từ ngày có quyết định hoặc văn bản phê duyệt, ban hành các thông tin đó.
Đối với các thông tin xử lý vi phạm pháp luật về đấu thầu, được cung cấp trong vòng 02 ngày làm việc từ ngày quyết định xử lý vi phạm pháp luật về đấu thầu được ban hành. Riêng thông báo mời sơ tuyển, thông báo mời quan tâm, thông báo mời thầu, thông báo mời chào hàng, thông báo hủy thầu, thông báo gia hạn, điều chỉnh, đính chính các thông tin đã đăng tải được thực hiện theo tiến độ tổ chức lựa chọn nhà thầu và phải đảm bảo các quy định tương ứng liên quan về thời gian trong đấu thầu.
Thông tư này có hiệu lực từ ngày 01/3/2018.
8. Đơn giản hóa thủ tục đăng ký cung cấp dịch vụ GDCK trực tuyến
Ngày 19/12/2017, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 134/2017/TT-BTC hướng dẫn giao dịch điện tử trên thị trường chứng khoán. Theo đó:
Hồ sơ đăng ký cung cấp dịch vụ giao dịch chứng khoán trực tuyến (GDCKTT) chỉ bao gồm:
- Đơn đăng ký dịch vụ GDCKTT theo mẫu ban hành kèm theo tại Phụ lục 01.
- Danh sách tên và lý lịch của các chuyên gia quản lý hệ thống GDCKTT theo mẫu ban hành kèm theo tại Phụ lục 02.
- Báo cáo thiết kế hệ thống GDCKTT theo mẫu ban hành kèm theo tại Phụ lục 03.
- Bản sao có chứng thực biên bản chấp thuận và biên bản kiểm tra hệ thống GDCKTT của Sở GDCK đối với thành viên giao dịch.
So với quy định hiện hành tại Thông tư số 87/2013/TT-BTC nhiều thành phần hồ sơ đã được bãi bỏ:
- Hợp đồng mẫu về dịch vụ GDCKTT với khách hàng và Bản công bố rủi ro.
- Kế hoạch dự phòng cho trường hợp hỏng hóc hệ thống giao dịch.
- Các giấy chứng nhận kiểm định về tính an toàn và chất lượng của hệ thống.
- Tài liệu kỹ thuật về thiết bị truy nhập mạng, thiết bị hoà nhập mạng, hệ thống phần mềm, phần cứng và các thiết bị khác có liên quan.
Ngoài ra, thời hạn chấp thuận kể từ thời điểm nhận được hồ sơ đầy đủ, hợp lệ cũng rút ngắn xuống còn 20 ngày làm việc (quy định hiện hành là 35 ngày làm việc).
Thông tư số 134/2017/TT-BTC có hiệu lực ngày 01/3/2018.
9. Cấm nhà mạng khuyến mại 50% cho thuê bao di động trả trước từ 01/3/2018
Đây là nội dung mới nổi bật ảnh hưởng lớn đến khách hàng điện thoại di động trả trước được quy định tại Thông tư số 47/2017/TT-BTTTT ngày 29/12/2017 của Bộ Thông tin và Truyền thông.
Theo đó, từ ngày 01/3/2018, các nhà mạng không được khuyến mại 50% thẻ nạp (thói cho thuê bao di động trả trước như hiện nay.
Đồng thời, theo quy định mới thì mức khuyến mại là tối đa 20% giá trị của thẻ nạp (giảm 30% so với quy định hiện hành).
Thông tư 47/2017/TT- BTTTT bắt đầu có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/3/2018 và thay thế các quy định về hạn mức khuyến mãi tại Khoản 9, Khoản 10 Điều 5; Khoản 3, Khoản 4, Khoản 6, Khoản 7 Điều 8; Khoản 2 Điều 9 và Điều 10 Thông tư số 11/2010/TT-BTTTT ngày 14/5/2011.
10. Từ 2018, đóng mới tàu vỏ thép được hỗ trợ tối đa 8 tỷ đồng/tàu
Chính phủ ban hành Nghị định số 17/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 67/2014/NĐ-CP về một số chính sách phát triển thủy sản.
Theo đó, khi đóng mới tàu khai thác hải sản (KTHS) xa bờ, tàu dịch vụ hậu cần KTHS xa bờ công suất máy chính từ 800CV trở lên, chủ tàu được hỗ trợ một lần sau đầu tư khi đủ điều kiện với mức hỗ trợ sau:
- Đối với tàu khai thác, tàu dịch vụ hậu cần KTHS đóng mới vỏ thép (bao gồm trang thiết bị mới) thì:
+ Chủ tàu được hỗ trợ 35% giá trị đầu tư đóng mới đối với tàu cá có tổng công suất máy chính từ 1.000CV trở lên, nhưng không quá 8 tỷ đồng/tàu.
+ Chủ tàu được hỗ trợ 35% giá trị đầu tư đóng mới đối với tàu cá có tổng công suất máy chính từ 800CV đến dưới 1.000CV, nhưng không quá 6,7 tỷ đồng/tàu.
- Đối với tàu khai thác, tàu dịch vụ hậu cần KTHS đóng mới vỏ composite công suất từ 800CV trở lên (bao gồm trang thiết bị mới), chủ tàu được hỗ trợ 35% giá trị đầu tư đóng mới nhưng không quá 6,7 tỷ đồng/tàu.
Chính sách hỗ trợ nêu trên được thực hiện kể từ ngày 01/01/2018.
Nghị định số 17/2018/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 25/3/2018 bãi bỏ Khoản 5, Khoản 7 Điều 1 Nghị định số 89/2015/NĐ-CP ngày 07/10/2015.