Câu hỏi 1: Đề xuất những trường hợp thuê, mượn, ở nhờ, công dân muốn đăng ký thường trú thì chỗ ở hợp pháp phải có diện tích bình quân tối thiểu 20m2 sàn/người, thay vì 8m2 sàn/người như quy định trong Luật cư trú năm 2020 có mâu thuẫn với Luật cư trú năm 2020 không?
Trả lời:
UBND TP Hà Nội đã có tờ trình gửi Thường trực HĐND TP đề nghị xây dựng nghị quyết quy định diện tích nhà ở tối thiểu đối với nhà thuê, mượn, ở nhờ để công dân được đăng ký thường trú. HĐND TP Hà Nội đã đồng ý chủ trương xây dựng nghị quyết về vấn đề này. HĐND TP Hà Nội sau đó cũng đã tổ chức lấy ý kiến người dân về dự thảo nghị quyết quy định diện tích nhà ở tối thiểu khi giải quyết đăng ký thường trú chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ trên địa bàn. Theo đó, đối với nhóm nhà ở có nguồn gốc sở hữu nhà nước, quy định hạn mức diện tích bình quân tối thiểu là 8 m2. Đối với nhóm nhà ở còn lại (không có nguồn gốc sở hữu nhà nước), diện tích bình quân tối thiểu là 20 m2 - tính theo m2 sàn nhà cho một người thuê, mượn, ở nhờ. Ngay sau khi đề xuất được đưa ra thì đã gặp không ít ý kiến trái chiều từ dư luận.
Tại khoản 3 điều 20 Luật cư trú 2020 quy định rõ công dân được đăng ký thường trú tại chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ khi đáp ứng hai điều kiện.
Thứ nhất là được chủ sở hữu chỗ ở hợp pháp đồng ý cho đăng ký thường trú tại địa điểm thuê, mượn, ở nhờ và được chủ hộ đồng ý nếu đăng ký thường trú vào cùng hộ gia đình đó.
Thứ hai là đảm bảo điều kiện về diện tích nhà ở tối thiểu do HĐND cấp tỉnh quy định nhưng không thấp hơn 8m2 sàn/người.
Do đó, việc Hà Nội đưa ra điều kiện diện tích nhà ở tối thiểu là 20m2 khi đăng ký thường trú cao hơn so với quy định chung của Luật Cư trú (8m2) là phù hợp, không có mâu thuẫn với Luật cư trú 2020.
Câu hỏi 2: Thưa luật sư, đề xuất này sẽ tạo ra những bất cập gì với người nhập cư, nhất là lao động nghèo muốn đăng ký thường trú tại Hà Nội?
Trả lời:
Thực tế, yêu cầu diện tích ở tối thiểu 20m2/người có lẽ là quá cao, khó khả thi với điều kiện nhà ở tại Hà Nội hiện nay bởi rất nhiều gia đình phải thuê nhà với diện tích khá nhỏ hẹp đặc biệt là đối với những người lao động nghèo lên Hà nội làm ăn sinh sống, do đó quy định này nếu được ban hành sẽ gây khó khăn cho nhiều người dân trong việc tạo lập chỗ ở ổn định khi sinh sống và làm việc dài hạn ở Hà Nội.
Điều kiện này sẽ có thể làm phát sinh thêm một loại “giấy phép con”, làm hạn chế quyền tự do cư trú của đông đảo người lao động đang sinh sống, làm việc tại Hà Nội mà chưa đủ điều kiện đăng ký thường trú.
Theo điều 22 và 23 Hiến pháp 2013, mọi công dân có quyền có nơi ở hợp pháp và được tự do cư trú. Quy định diện tích ở tối thiểu tới 20m2/người đối với nhà thuê, mượn, ở nhờ mới được đăng ký thường trú sẽ tạo ra “hàng rào kỹ thuật” gián tiếp hạn chế quyền hiến định của người dân, đặc biệt nhóm đối tượng có thu nhập thấp.
Ngoài ra quy định được đưa ra còn có thể tác động làm tăng giá nhà thuê, làm phát sinh chi phí sinh hoạt của số đông dân cư và người lao động tại Hà nội.
Trước mỗi một vấn đề phát sinh trong thực tiễn, việc đưa ra một chính sách hay quy định nào đó để giải quyết bất cập là việc cần làm. Tuy nhiên, chính sách, quy định đó phải có cơ sở khoa học, đánh giá tác động tổng thể để xem nếu áp dụng thì được nhiều hơn hay mất nhiều hơn. Do đó cần cân nhắc và đánh giá kỹ đề xuất mới sao cho phù hợp quy định pháp luật và nhất là phù hợp với điều kiện của người dân.
Câu hỏi 3: Theo luật sư, làm thế nào để tránh gây khó khăn cho người dân có nhu cầu đăng ký thường trú mà vẫn đảm bảo phù hợp với quy định về cư trú?
Trả lời:
Có thể thấy, hiện nay dân số của Hà Nội rất đông, đường phố thường xuyên ùn tắc, hạ tầng đô thị quá tải. Bởi vậy, Hà Nội xây dựng chính sách hạn chế di dân tự phát vào nội thành là cần thiết. Tuy nhiên, Hà Nội cũng cần phải đánh giá kỹ tác động của quy định là như thế nào, tránh gây khó khăn cho người dân có nhu cầu đăng ký thường trú mà vẫn đảm bảo phù hợp với quy định về cư trú.
Chẳng hạn, với những người lao động có thu nhập thấp thì cần có chính sách hợp lý hơn. Một gia đình nhỏ gồm 2 vợ chồng và con nhỏ thì theo dự thảo trên thì cần tới 60m2 cho 3 người ở, đó là khó khăn rất lớn cho họ vì với mức thu nhập đó của họ khó có thể trang trải được chi phí thuê nhà và các khoản chi phí đắt đỏ khác. Ngoài ra nếu không đủ điều kiện để đăng ký thường trú từ đó các thủ tục khác như việc nhập học cho con và việc thực hiện các quyền khác của công dân cũng bị hạn chế.
Do đó, dự thảo quy định diện tích nhà ở tối thiểu trên địa bàn TP Hà Nội phải có diện tích bình quân tối thiểu 20m2 sàn/người, thay vì 8m2 sàn/người cần được xem xét kỹ lưỡng và cần có cơ sở rõ ràng cho việc quy định diện tích tối thiểu là con số 20m2. Con số này đã thực sự hợp lý chưa và có thể điều chỉnh giảm diện tích này xuống để phù hợp với thu nhập của người lao động và tạo điều kiện cho người lao động thu nhập thấp có thể ổn định được cuộc sống tại Hà nội. Các chính sách này có thể sẽ vẫn cần rất nhiều thời gian để các cơ quan có thẩm quyền xem xét và điều chỉnh với tình hình thực thế nhằm đảm bảo hỗ trợ được tốt nhất cho người dân mà vẫn đảm bảo kiểm soát được tình trạng di dân vào nội đô như hiện nay.