Trong những năm qua, hệ thống thực thi (bảo vệ)quyền sở hữu trí tuệ ở Việt Nam đã có một số chuyển biến tích cực về mặt tổ chức, chức năng và tính hiệu quả. Một trong những thay đổi được coi là có ý nghĩa quan trọngtrong tiến trình chuyển biến nói trên là sự triển khai một cách chính thức hệ thống giám định về sở hữu trí tuệ trên cơ sở thu hành Điều 201 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (được sửa đổi, bổ sung năm 2009).
Thực tiễn cho thất rằng đến nay lĩnh vực pháp luật về sở hữu trí tuệ nói riêng và hoạt động liên quan đến sở hữu trí tuệ nói chung vẫn còn là một lĩnh vực mới mẻ và khá phức tạp đối với nhiều chủ thể Việt Nam nói chung và các doanh nghiệp Việt Nam nói riêng.
Trong hoàn cảnh đó, hệ thống giám định về sở hữu trí tuệ có nhiệm vụ làm một khâu quan trọng trước hết là trong hệ thống giám định về sở hữu trí tuệ, đặc biệt là trong trình tự xử lý các tranh chấp, giải quyết các vụ việc xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Trước đây, khâu giám định về sở hữu trí tuệ gần như hoàn toàn bị bỏ ngỏ vì chưa có một tổ chức giám định nào được thành lập và hoạt động, trong khi các cơ quan thực thi chưa hoàn toàn đủ khả năng chuyên môn để tự đưa ra các kết luận đánh giá xâm phạm làm căn cứ ra các quyết định xử lý khiến cho bản thân các cơ quan này gặp rất nhiều khó khăn, đồng thời quá trình thực thi quyền sở hữu trí tuệ cũng bị ảnh hưởng xấu. Vì vậy, việc bổ sung công cụ giám định về sở hữu trí tuệ nói trên chính là nhằm khắc phục sự “đứt đoạn” của quy trình thực thi do đó ảnh hưởng trực tiếp và tích cực đến tính hiệu quả của hệ thống bảo hộ sở hữu trí tuệ. Hiện nay ở Việt Nam, Viện khoa học sở hữu trí tuệ (trực thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ) là tổ chức giám định sở hữu trí tuệ duy nhất của Nhà nước có chức năng thực hiện việc giám định về sở hữu trí tuệ theo quy định của pháp luật.
Một cách khái quát, “giám định về sở hữu trí tuệ” là thuật ngữ dùng để chỉ dịch vụ chuyên cung cấp ý kiến chuyên gia hoặc chứng cứ chuyên môn về những vấn đề liên quan đến thực thi quyền sở hữu trí tuệ, bao gồm xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, xác định giá trị quyền sở hữu trí tuệ và xác định giá trị thiệt hại do xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Ở Việt Nam, việc giám định về sở hữu trí tuệ thường được thực hiện theo yêu cầu của một hoặc các bên tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ hoặc theo chỉ định của cơ quan thực thi (tòa án, thanh tra, quản lý thị trường, hải quan, công an, ủy ban nhân dân các cấp) nhằm phục vụ quá trình giải quyết, xử lý xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Theo quy định của pháp luật hiện hành về sở hữu trí tuệ của Việt Nam, “giám định về sở hữu trí tuệ” đuợc hiểu là “việc tổ chức, cá nhân…sử dụng kiến thức, nghiệp vụ chuyên môn để đánh giá, kết luận về những vấn đề có liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ” (khoản 1 Điều 201 Luật Sở hữu trí tuệ số 50/2005/QH11, được sửa đổi, bổ sung theo Luật số 36/2009/QH12 – sau đây gọi tắt là “Luật Sở hữu trí tuệ”). Khái niệm nói trên được quy định tại Phần thứ năm (Bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ), Chương XVI (Quy định chung về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ) của Luật Sở hữu trí tuệ. Do đó, có thể hiểu một cách khái quát “những vấn đề có liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ” nói trên – cũng là nội dung và lĩnh vực giám định sở hữu trí tuệ - cơ bản là giới hạn ở những vấn đề bảo vệ (thực thi) quyền sở hữu trí tuệ.
Giám định về sở hữu trí tuệ gồm có 3 lĩnh vực cơ bản:
(i): Giám định về quyền tác giả và quyền liên quan;
(ii) Giám định về quyền sở hữu công nghiệp (shcn);
(iii) Giám định về quyền đối với giống cây trồng
(Khoản 2 Điều 39 Nghị định số 105/2006/NĐ-CP ngày 22/9/2006 của Chính phủ, được sửa đổi, bổ sung theo Nghị định số 119/2010/NĐ-CP ngày 30/12/2010 của Chính phủ - sau đây gọi tắt là “Nghị định 105”). Trong đó, lĩnh vực giám định quyền shcn bao gồm 4 chuyên ngành giám định sau: (i) chuyên ngành giám định sáng chế và thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn; (ii) chuyên ngành giám định kiểu dáng công nghiệp (kdcn); (iii) chuyên ngành giám định nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý; (iv) chuyên ngành giám định các quyền shcn khác (Điểm I.1. Thông tư số 01/2008/TT-BKHCN ngày 25/02/2008 của Bộ Khoa học và Công nghệ).
Trên cơ sở quy định tại khoản 1 Điều 39 Nghị định 105, việc giám định về sở hữu trí tuệ là việc thực hiện những nghiệp vụ chuyên môn cần thiết để đánh giá, kết luận về những nội dung sau đây – gọi là “nội dung giám định”; (i) Xác định phạm vi bảo hộ của đối tượng quyền sở hữu trí tuệ (giám định tình trạng bảo hộ); (ii) Xác định đối tượng được xem xét có đáp ứng các điều kiện để bị coi là yếu tố xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ hay không (giám định yếu tố xâm phạm); (iii) Xác định có hay không sự trùng/tương đương/tương tự/gây nhầm lẫn/khó phân biệt/sao chép giữa đối tượng được xem xét và đối tượng được bảo hộ (giám định tính tương tự); (iv) xác định giá trị quyền sở hữu trí tuệ; xác định giá trị thiệt hại (giám định giá trị). Với bốn nội dung giám định nêu trên, việc giám định về sở hữu trí tuệ có vai trò hỗ trợ (xác định điều kiện cần) cho việc đánh giá, kết luận về một hành vi có hay không phải là hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ hoặc kết luận về vụ tranh chấp (khoản 1 Điều 51 Nghị định 105). Cần lưu ý rằng, giám định về sở hữu trí tuệ là giám định pháp lý (tức là vận dụng pháp luật để xem xét, đánh giá để đưa ra kết luận về những khía cạnh mang tính pháp lý của vụ việc) chứ không phải là giám định kỹ thuật (không phải là xem xét, đánh giá đối tượng giám định có đáp ứng tiêu chuẩn/chỉ tiêu kỹ thuật xác định hay không).