Giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thương mại có những ưu điểm gì?

Nội dung bài viết

Câu hỏi: SB Law cho mình hỏi: Khi tranh chấp được giải quyết bằng trọng tài thương mại thì sẽ có những ưu điểm gì?

Luật sư tư vấn:

Công ty Luật TNHH SB LAW cảm ơn bạn đã quan tâm đến dịch vụ tư vấn pháp luật của chúng tôi. Liên quan đến thắc mắc của bạn, chúng tôi xin tư vấn như sau:

Xuất phát từ những nguyên tắc giải quyết tranh chấp của mình thì trọng tài thể hiện rất nhiều ưu điểm vượt trội, mang lại nhiều lợi ích cho các bên khi có tranh chấp trong hoạt động kinh doanh, thương mại, cụ thể như sau:

Thứ nhất, khác với tố tụng tòa án được quy định tại Bộ luật tố tụng dân sự áp dụng để giải quyết tất cả các vụ việc trong lĩnh vực dân sự nói chung, thủ tục trọng tài áp dụng cho các tranh chấp trong hoạt động thương mại đơn giản hơn, các bên có thể chủ động về thời gian, địa điểm giải quyết tranh chấp giúp đẩy nhanh thời gian giải quyết tranh chấp; thủ tục trọng tài không trải qua nhiều cấp xét xử như ở toà án, cho nên hạn chế tốn kém về thời gian và tiền bạc cho doanh nghiệp.

Thứ hai, việc được quyền lựa chọn trọng tài viên giải quyết tranh chấp cho phép các bên lựa chọn được các chuyên gia có chuyên môn và kinh nghiệm thực tế về vấn đề tranh chấp, có uy tín trong nghành nghề trở thành trọng tài viên giải quyết tranh chấp của các bên, đảm bảo chất lượng giải quyết tranh chấp.

Thứ ba, trọng tài tôn trọng tính bảo mật thông tin (confidentiality) cho toàn bộ quá trình, phiên họp trọng tài cũng được thực hiện không công khai (khác với nguyên tắc Tòa án xét xử công khai trong tố tụng tòa án), nhờ đó, các bên trong tranh chấp có thể đảm bảo được uy tín của mình trên thương trường.

Thứ tư, thẩm quyền của hội đồng trọng tài được thiết lập dựa trên sự tự nguyện thỏa thuận của các bên mà không phụ thuộc vào quyền lực nhà nước. Mềm dẻo hơn, linh hoạt hơn như: cho phép sử dụng tiếng nước ngoài, áp dụng luật nước ngoài, … phù hợp để giải quyết các tranh chấp có yếu tố nước ngoài.

Thứ năm, phán quyết của trọng tài có đặc điểm giống như bản án của tòa án đó chính là mang tính chung thẩm và bắt buộc các bên phải thi hành. Nếu đem thi hành trong lãnh thổ Việt Nam, phán quyết trọng tài VIAC có thể được đưa thẳng tới cơ quan thi hành án (Cục thi hành án dân sự) để được cưỡng chế thi hành; phán quyết trọng tài VIAC cũng có thể được cho công nhận và thi hành tại hơn 150 quốc gia và vùng lãnh thổ là thành viên Công ước NewYork về công nhận và cho thi hành phán quyết trọng tài nước ngoài.

0/5 (0 Reviews)

Bài viết liên quan