Câu hỏi 1: Vừa qua, một số doanh nghiệp đã gia hạn thanh toán tiền trái phiếu để lấy vốn rót vào các dự án chậm tiến độ. Dưới góc độ pháp lý quy định thế nào về việc gia hạn trái phiếu, và việc gia hạn có cần xin ý kiến của các trái chủ không? Việc lấy tiền trái phiếu đầu tư vào các dự án chậm tiến độ, dự án bị theo dõi có đúng quy định pháp luật.
Trả lời:
Trước đây, theo quy định tại điểm b khoản 3 điều 3 Nghị định 65/2022/NĐ-CP quy định về “điều khoản chuyển tiếp”, cụ thể:
“3. Đối với trái phiếu doanh nghiệp đã phát hành trước khi Nghị định này có hiệu lực thi hành và còn dư nợ đến thời điểm Nghị định này có hiệu lực thi hành:
b) Doanh nghiệp không được thay đổi kỳ hạn của trái phiếu đã phát hành.”
Tuy nhiên, theo Nghị định 08/2023/NĐ-CP quy định thì doanh nghiệp đã có thể kéo dài kỳ hạn của trái phiếu, thời gian tối đa không quá 02 năm so với kỳ hạn tại phương án phát hành trái phiếu đã công bố cho nhà đầu tư.
Cụ thể tại Điều 2 Nghị định 08/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung điểm b khoản 3 Điều 3 Nghị định 65/2022/NĐ-CP như sau:
"b) Việc thay đổi điều kiện, điều khoản của trái phiếu phải đảm bảo các nguyên tắc sau:
- Tuân thủ quy định tại khoản 3 Điều 1 Nghị định này.
- Trường hợp kéo dài kỳ hạn của trái phiếu thì thời gian tối đa không quá 02 năm so với kỳ hạn tại phương án phát hành trái phiếu đã công bố cho nhà đầu tư.
- Đối với người sở hữu trái phiếu không chấp thuận thay đổi điều kiện, điều khoản của trái phiếu thì doanh nghiệp phát hành có trách nhiệm đàm phán để đảm bảo quyền lợi của nhà đầu tư. Trường hợp có người sở hữu trái phiếu không chấp thuận phương án đàm phán thì doanh nghiệp phải thực hiện đầy đủ nghĩa vụ đối với người sở hữu trái phiếu theo phương án phát hành trái phiếu đã công bố cho nhà đầu tư (kể cả trường hợp việc thay đổi điều kiện, điều khoản của trái phiếu đã được người sở hữu trái phiếu đại diện từ 65% tổng số trái phiếu trở lên chấp thuận)."
Như vậy theo như quy định mới tại Nghị định 08/2023/NĐ-CP cho phép doanh nghiệp có thể gia hạn trái phiếu nhưng thời gian tối đa không quá 2 năm so với kỳ hạn ban đầu, và việc gia hạn cần phải đàm phán xin ý kiến của các trái chủ trong trường hợp chỉ cần nhà đầu tư không chấp thuận thay đổi điều kiện, điều khoản thì doanh nghiệp vẫn phải thực hiện nghĩa vụ đã cam kết trước đó.
Nguyên tắc phát hành và sử dụng vốn trái phiếu đã được sửa đổi bởi bởi Khoản 3 Điều 1 Nghị định 65/2022/NĐ-CP. Cụ thể:
“(2) Mục đích phát hành trái phiếu là để thực hiện các chương trình, dự án đầu tư, cơ cấu lại nợ của chính doanh nghiệp hoặc mục đích phát hành trái phiếu theo quy định của pháp luật chuyên ngành. Doanh nghiệp phải nêu cụ thể mục đích phát hành tại phương án phát hành theo quy định tại Điều 13 Nghị định 153/2020/NĐ-CP và công bố thông tin cho nhà đầu tư đăng ký mua trái phiếu. Việc sử dụng vốn huy động từ phát hành trái phiếu của doanh nghiệp phải đảm bảo đúng mục đích theo phương án phát hành và nội dung công bố thông tin cho nhà đầu tư.”
Từ quy định trên có thể thấy được việc phát hành trái phiếu và sử dụng số vốn huy động đó để đầu tư vào các dự án là phụ thuộc vào chiến lược, kế hoạch phát triển của doanh nghiệp trên nguyên tắc là tự chịu trách nhiệm trước các trái chủ.
Đồng thời mục đích phát hành trái phiếu cũng được thông báo trước đến các trái chủ để họ xem xét, cân nhắc việc tham gia đầu tư. Do đó nếu doanh nghiệp lựa chọn những lĩnh vực đầu tư không đảm bảo và rủi ro cao như là các dự án chậm tiến độ, dự án bị theo dõi thì sẽ khó thuyết phục được nhà đầu tư mua trái phiếu.
Bên cạnh đó, khi nhà đầu tư bỏ tiền ra để mua trái phiếu thì họ cũng nên tìm hiểu bản chất của trái phiếu.
Câu hỏi 2: Thời gian qua câu chuyện trái phiếu của các doanh nghiệp đã gây xôn xao dư luận, trước việc các doanh nghiệp làm ăn thua lỗ đã khất nợ trái phiếu, thậm chí đem tiền đi đầu tư tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng lợi ích của các trái chủ. Vậy, cần có giải pháp nào để khắc phục triệt để vấn đề này, các doanh nghiệp đang áp dụng hình thức này có bị chế tài pháp luật nào ràng buộc không
Trả lời:
Để khắc phục triệt để vấn đề này và bảo vệ lợi ích của các trái chủ, cần thực hiện một số giải pháp:
Thứ nhất, quản lý nghiêm ngặt: Cơ quan quản lý và giám sát tài chính cần theo dõi và kiểm soát mạnh mẽ việc sử dụng tiền từ trái phiếu. Điều này bao gồm việc xem xét và phê duyệt kế hoạch sử dụng vốn từ trái phiếu trước khi thực hiện.
Thứ hai, báo cáo tài chính trong thời gian thực: Yêu cầu các doanh nghiệp cần phải công khai và báo cáo tài chính của họ trong thời gian thực, giúp đảm bảo tính minh bạch và sự theo dõi từ cộng đồng đầu tư.
Thứ ba, đặt ra các điều khoản cụ thể trong hợp đồng trái phiếu: Hợp đồng trái phiếu cần chứa các điều khoản rõ ràng về cách mà tiền từ trái phiếu sẽ được sử dụng, và những hạn chế về việc đầu tư vào các hoạt động rủi ro.
Thứ tư, tăng cường vai trò của các quỹ bảo vệ trái chủ: Các quỹ bảo vệ trái chủ có thể chơi vai trò quan trọng trong việc đảm bảo các điều khoản của hợp đồng trái phiếu được tuân thủ và bảo vệ quyền lợi của trái chủ.
Ngoài ra, hệ thống pháp luật cần phải có các quy định và quy tắc rõ ràng, chặt chẽ hơn về việc sử dụng tiền từ trái phiếu. Các doanh nghiệp vi phạm có thể phải chịu trách nhiệm hình sự hoặc bồi thường cho trái chủ.
Trong các quy định của pháp luật hiện hành vẫn chưa có quy định về chế tài cho các hành vi của doanh nghiệp làm ăn thua lỗ khất nợ trái phiếu không có khả năng thanh toán, hay đem tiền đi đầu tư gây ảnh hưởng lợi ích của các trái chủ. Về bản chất thì việc phát hành trái phiếu và mua trái phiếu là một hình thức huy động vốn của doanh nghiệp cũng như là hình thức đầu tư của các trái chủ. Việc tham gia vào thị trường trái phiếu là sự tự nguyện thỏa thuận giữa các bên, pháp luật tôn trọng sự thỏa thuận đó miễn là tuân thủ các quy định của pháp luật. Nên khi có rủi ro xảy ra thì doanh nghiệp có trách nghiệm làm việc và tự chịu trách nhiệm trước những trái chủ. Để hạn chế tình trạng doanh nghiệp không có khả năng thanh toán trái phiếu đúng hạn thì ngoài các chế tài thì việc các trái chủ tìm hiểu kỹ thông tin của doanh nghiệp phát hành trái phiếu trước khi đầu tư là vấn đề quan trọng cần được các nhà đầu tư chú ý hàng đầu.