Câu hỏi: Công ty mình ở Hà Nội. Công ty mình có 1 cửa hàng bán lẻ xăng dầu, do phải cạnh tranh với các doanh nghiệp khác nên trong giá bán giảm giá từ 1.000 đồng - 1.500 đồng cho các doanh nghiệp, và trên hóa đơn VAT cũng thể hiện điều này. Nhưng khi cơ quan quản lý thuế vào kiểm tra thì họ không đồng ý, họ nói phải bán đúng theo giá của nhà nước công bố tại từng thời điểm, không cho bán giá thấp hơn giá nhà nước quy định, đồng thời đòi truy thu khoản chênh lệch do giá bán đã bị giảm. Xin cho hỏi: Cơ quan quản lý thuế làm như vậy có đúng không?
Luật sư tư vấn:
Công ty Luật TNHH SB LAW cảm ơn bạn đã quan tâm đến dịch vụ tư vấn pháp luật của chúng tôi. Liên quan đến thắc mắc của bạn, chúng tôi xin tư vấn như sau:
Khoản 8 Điều 3 Nghị định 83/2014/NĐ-CP quy định giá bán lẻ xăng dầu như sau:
“8. Giá bán lẻ xăng dầu là giá bán tại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu …”.
Nguyên tắc quản lý giá bán xăng dầu được quy định tại Điều 38 Nghị định 83/2014/NĐ-CP như sau:
- Giá bán xăng dầu được thực hiện theo cơ chế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước.
- Thương nhân đầu mối được quyền quyết định giá bán buôn. Thương nhân đầu mối và thương nhân phân phối xăng dầu được điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu theo nguyên tắc, trình tự quy định tại Điều này. Thương nhân đầu mối có trách nhiệm tham gia bình ổn giá theo quy định của pháp luật hiện hành và được nhà nước bù đắp lại những chi phí hợp lý khi tham gia bình ổn giá.
- Thời gian giữa hai (02) lần điều chỉnh giá liên tiếp tối thiểu là mười lăm (15) ngày đối với trường hợp tăng giá, tối đa là mười lăm (15) ngày đối với trường hợp giảm giá.
- Trường hợp Chính phủ không thực hiện bình ổn giá, thương nhân đầu mối phải gửi đến các cơ quan nhà nước có thẩm quyền: Văn bản kê khai giá và quyết định điều chỉnh giá theo quy định tại Khoản 2 hoặc Điểm a và b Khoản 3 Điều 38 Nghị định 83/2014/NĐ-CP.
Trường hợp Chính phủ thực hiện bình ổn giá theo quy định tại Điều 17 và 18 Luật Giá, thương nhân đầu mối phải gửi đến các cơ quan nhà nước có thẩm quyền: Văn bản đăng ký giá và quyết định điều chỉnh giá của thương nhân được thực hiện theo Điểm c Khoản 3 Điều 38 Nghị định 83/2014/NĐ-CP
- Cơ quan nhà nước có thẩm quyền, căn cứ vào văn bản kê khai giá hoặc văn bản đăng ký giá và quyết định điều chỉnh giá của thương nhân đầu mối gửi tới, có trách nhiệm kiểm tra, giám sát để bảo đảm việc điều chỉnh giá của thương nhân đầu mối thực hiện đúng quy định của pháp luật.
Căn cứ tình hình kinh tế - xã hội, giá xăng dầu thế giới trong từng thời kỳ, Chính phủ quyết định:
+ Điều chỉnh các quy định nêu trên.
+ Quyết định bình ổn giá xăng dầu trong nước và giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp Bộ Tài chính triển khai thực hiện các biện pháp bình ổn giá trong thời hạn áp dụng biện pháp bình ổn giá.
Giá bán lẻ xăng dầu của thương nhân phân phối xăng dầu:
- Căn cứ giá bán buôn xăng dầu của thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối xăng dầu quy định giá bán lẻ xăng dầu thống nhất trong hệ thống phân phối của mình, không cao hơn giá cơ sở do liên Bộ Công Thương - Tài chính công bố.
- Khi điều chỉnh giá bán lẻ, thương nhân phân phối xăng dầu phải đồng thời gửi quyết định điều chỉnh giá tới cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền để kiểm tra, giám sát đúng quy định.
Như vậy, hiện nay, Nhà nước không khống chế giá xăng dầu mà để giá xăng dầu do thương nhân đầu mối và thương nhân phân phối xăng dầu quy định giá bán theo cơ chế thị trường và tự quyết. Nhà nước quản lý chung về việc kinh doanh xăng dầu nên phía cơ quan quản lý Thuế trả lời cho bạn như trên là chưa chính xác.