DỰ THẢO SỬA ĐỔI LẦN 5 NGHỊ ĐỊNH SỐ 153/2020/NĐ-CP

Nội dung bài viết

Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật SBLaw nhấn mạnh Dự thảo sửa đổi lần 5 Nghị định số 153/2020/NĐ-CP về chào bán và giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ được đánh giá là đang thắt chặt hơn. Dưới đây là một số trao đổi cụ thể:

Luật sư Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch Công ty Luật TNHH SB Law

Câu hỏi: Cụ thể, những quy định nào của Dự thảo Luật đang được đánh giá là siết chặt hơn, thưa ông?

Trả lời:

Thứ nhất, Điều 1.1 Dự thảo (sửa đổi Điều 5.1 Nghị định 153/2020/NĐ-CP) cấm doanh nghiệp phát hành trái phiếu để góp vốn dưới hình thức góp vốn hoặc mua cổ phần tại doanh nghiệp khác. Theo giải trình của cơ quan soạn thảo tại Tờ trình, quy định nhằm hạn chế tình trạng công ty mẹ, công ty trong cùng tập đoàn huy động để chuyển vốn cho nhau. Tuy nhiên, quy định này là không phù hợp với nguyên tắc quản trị của các tập đoàn. Thực tế, khi triển khai một dự án kinh doanh, tập đoàn thường sẽ không trực tiếp đảm nhận dự án mà thành lập công ty con để thực hiện dự án đó, đặc biệt là với các dự án đầu tư sang lĩnh vực hoặc dự án có độ rủi ro cao. Dù vậy, trong trường hợp đó, công ty con mới rất khó vay vốn và không đủ điều kiện phát hành trái phiếu, nên công ty mẹ có tín nhiệm cao hơn thường giữ vai trò huy động vốn, gồm cả biện pháp phát hành trái phiếu. Quy định như vậy sẽ khiến các doanh nghiệp ngần ngại đầu tư vào các lĩnh vực mới, ngăn cản quyền tự do huy động vốn của doanh nghiệp và không khuyến khích hình thành các tập đoàn kinh tế đa ngành.

Thứ hai, Điều 1.2 Dự thảo (sửa đổi Điều 8.1.d Nghị định 153/2020/NĐ-CP) yêu cầu việc xác định tư cách nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp phải được thực hiện trước mỗi khi thực hiện giao dịch mua/bán trái phiếu. Quy định này cần phải xem xét cụ thể lại như sau:

 + Xác định vào thời điểm bán là không cần thiết. Việc xác định tư cách nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là nhằm đảm bảo các cá nhân nhỏ lẻ không chuyên có thể tham gia vào lĩnh vực này. Tại thời điểm bán, nhà đầu tư đã nắm giữ trái phiếu (đã tham gia thị trường) và do đó yêu cầu này sẽ không còn ý nghĩa nữa. Hơn nữa, việc này lại vô tình hạn chế quyền bán của chính nhà đầu tư đó;

+ Xác định vào thời điểm mua không thực sự cần thiết. Theo thông tin tại Tờ trình, nhà đầu tư có lách các quy định hiện nay bằng các biện pháp với chi phí thấp (chỉ 1,5 – 2 triệu đồng). Việc xác định lại tư cách nhà đầu tư tại mỗi thời điểm mua không thể giải quyết được vấn đề này, vì người mua trái phiếu một vài lần vẫn có thể chịu được phí tổn này, còn người mua trái phiếu nhiều lần thì rất có thể cũng được coi là nhà đầu tư chuyên nghiệp. Vấn đề nằm ở tiêu chuẩn xác định nhà đầu tư chứng khoán tại Điều 11 Luật Chứng khoán, hay phải Luật Chứng khoán mới giải quyết được vấn đề này.

Thứ ba, Điều 1.21 Dự thảo (bổ sung Điều 34.2a Nghị định 153/2020/NĐ-CP) quy định doanh nghiệp phát hành cam kết mua lại trái phiếu trước hạn khi thay đổi mục đích sử dụng, vi phạm pháp luật về phát hành trái phiếu, vi phạm phương án phát hành trái phiếu. Tuy nhiên, quy định cần xem xét thêm ở tính rõ ràng. Các hành vi vi phạm pháp luật về phát hành trái phiếu, vi phạm phương án phát hành là tương đối rộng, trong đó có những hành vi vi phạm nhỏ, không ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của nhà đầu tư, do đó quyền được mua lại trong trường hợp này là không hợp lý. Việc này tương tự như quy định về hủy bỏ hợp đồng, nghĩa là chỉ khi doanh nghiệp phát hành có những hành vi gây thiệt hại nghiêm trọng đến mức nhà đầu tư không đạt được mục đích giao kết hợp đồng thì mới phát sinh quyền này. Ngoài ra, tính hợp lý trong một số trường hợp, dù thay đổi mục đích sử dụng, các nhà đầu tư vẫn chấp nhận và có nhu cầu giữ trái phiếu. Khi đó, quy định doanh nghiệp vẫn có trách nhiệm mua lại trái phiếu trước hạn là không hợp lý.

Thị trường trái phiếu

Câu hỏi: Những quy định thắt chặt này sẽ ảnh hưởng như thế nào đến tâm lý nhà đầu tư, thưa ông?

Trả lời:

Dự thảo lần 5, Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 153/2020/NĐ-CP mới được công bố cho thấy, điều kiện phát hành, mục đích phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) sắp bị siết rất chặt ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý nhà đầu tư.

Nhiều doanh nghiệp lo ngại, các quy định mới này sẽ bóp nghẹt thị trường, buộc nhiều doanh nghiệp phải dừng cuộc chơi trái phiếu, thậm chí có thể gây rủi ro vỡ nợ dây chuyền nếu dòng vốn bị phanh đột ngột.

Cụ thể, theo dự thảo mới nhất, mục đích phát hành TPDN riêng lẻ bị thu hẹp. Theo đó, doanh nghiệp không được phát hành trái phiếu để đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp, mua trái phiếu của doanh nghiệp khác, hoặc cho doanh nghiệp khác vay vốn. Lý do Bộ Tài chính đưa ra quy định này là để hạn chế chuyển vốn giữa các doanh nghiệp.

Ngoài ra, dự thảo Nghị định cũng đưa ra yêu cầu khắt khe hơn điều kiện tài chính với nhà phát hành như: tổng dư nợ vay trái phiếu từ tất cả các hình thức vay trái phiếu tại thời điểm phát hành (bao gồm cả khối lượng dự kiến phát hành) không được vượt quá 3 lần vốn chủ sở hữu theo báo cáo tài chính quý gần nhất; có kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh của năm liền kề trước năm phát hành có lãi và không có lỗ lũy kế theo báo cáo tài chính được kiểm toán về tài sản đảm bảo với trái phiếu

Đặc biệt, Dự thảo quy định, nhà đầu tư chuyên nghiệp là cá nhân chỉ được mua trái phiếu riêng lẻ do công ty đại chúng phát hành và phải có tài sản đảm bảo hoặc bảo lãnh thanh toán. Các quy định này được doanh nghiệp nhận định là sẽ bóp nghẹt đáng kể thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, cả phía cung lẫn phía cầu.

Quy định doanh nghiệp muốn phát hành riêng lẻ thì năm liền trước không được lỗ, nó gần giống việc phát hành chứng khoán ra công chúng. Điều kiện quay ngoắt 180 độ như thế thì khó khăn cho các doanh nghiệp, đặc biệt một số doanh nghiệp khởi nghiệp, làm sao họ có cái lãi được ngay, nhiều doanh nghiệp lỗ 5-10 năm và lỗ theo lộ trình. Vì vậy, điều kiện trên sẽ loại rất nhiều doanh nghiệp start-up hay dự án tốt.

Quy định không được phát hành TPDN để góp vốn, mua cổ phần cũng được dự báo sẽ gây khó khăn rất lớn cho các doanh nghiệp hoạt động theo mô hình tập đoàn, có nhiều công ty con như BRG, TNR, Vingroup, Novaland… Lý do là, theo quy định này, công ty mẹ không thể phát hành TPDN để tài trợ cho công ty con thực hiện dự án. Trong khi đó, công ty con mới thành lập (vì mục tiêu phát triển dự án) khó đáp ứng được điều kiện phát hành TPDN riêng lẻ. Chặn cửa huy động vốn qua kênh TPDN cũng sẽ khiến các doanh nghiệp ngại ngần đầu tư vào lĩnh vực mới.

Với nhà đầu tư, dự thảo quy định thắt chặt điều kiện nhà đầu tư chuyên nghiệp là hết sức tích cực, song việc đưa ra quy định về nhà đầu tư cá nhân chỉ được mua TPDN của doanh nghiệp đại chúng hoặc có bảo lãnh thanh toán sẽ làm suy giảm thanh khoản thị trường, thắt chặt sức mua, khiến doanh nghiệp khó huy động vốn, có thể gây ra rủi ro lớn về vỡ nợ dây chuyền trên thị trường.

Hơn nữa, không có yếu tố nào đảm bảo công ty đại chúng có khả năng trả nợ tốt hơn công ty chưa đại chúng. Tài sản đảm bảo cũng không phải là cây đũa thần. “Bom nợ” Tân Hoàng Minh cho thấy, việc xử lý tài sản đảm bảo rất khó khăn, phức tạp. Bên cạnh đó, nghiệp vụ bảo lãnh thanh toán cũng chỉ có các ngân hàng thực hiện được. Thực tế, rất ít khả năng các ngân hàng thương mại chấp nhận rủi ro này để bảo lãnh thanh toán cho các trái phiếu doanh nghiệp.

Việc đưa ra các quy định siết chặt TPDN của Bộ Tài chính là cần thiết, tuy nhiên, Bộ Tài chính vẫn cần tìm điểm trung hòa để vừa bảo vệ nhà đầu tư, vừa thúc đẩy thị trường TPDN.

Câu hỏi: Vậy, làm thế nào để có thể sửa đổi những quy định này như thế nào, thưa ông?

Trả lời:

Hoàn thiện hệ thống pháp lý không có nghĩa là thắt chặt hơn, mà cần đảm bảo thông tin đến được thị trường một cách công khai, minh bạch, chính xác. Nếu không hiểu rõ, không làm rõ được mục tiêu, mong muốn của việc ban hành quy định pháp luật mà tiếp tục sửa đổi, thì không những không giảm điều kiện kinh doanh mà còn tăng gấp đôi điều kiện phát hành trái phiếu. Điều đó sẽ rất khó cho thị trường. Do đó, cần hài hòa khi sửa đổi Nghị định số 153/2020/NĐ-CP làm sao siết chặt quản lý nhưng không được kìm hãm thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển.

Để thị trường TPDN phát triển lành mạnh, an toàn, cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần sớm giải quyết dứt điểm các vụ việc bao gồm rà soát, đánh giá rủi ro từ hoạt động cung cấp dịch vụ và phát hành trái phiếu riêng lẻ. Đồng thời, cần củng cố hành lang pháp lý chặt chẽ hơn nhưng cũng phù hợp, sát gần doanh nghiệp, theo cơ chế thị trường, đề cao vai trò tiền kiểm. Để lành mạnh hóa thị trường, cần vừa kiến tạo phát triển cho thị trường, vừa kiểm soát được rủi ro. Trước mắt cần giải quyết dứt điểm các vụ việc vừa qua để củng cố niềm tin nhà đầu tư cũng như tránh tạo tiền lệ xấu.

Bên cạnh đó, cần bổ sung quy định về xếp hạng tín nhiệm đối với một số loại trái phiếu phát hành nhằm tăng tính công khai, minh bạch, góp phần nâng cao chất lượng trái phiếu được phát hành, đồng thời giúp thị trường có thói quen sử dụng kết quả xếp hạng tín nhiệm để đánh giá rủi ro của trái phiếu, tiệm cận với thông lệ quốc tế, hạn chế rủi ro cho nhà đầu tư.

0/5 (0 Reviews)

Bài viết liên quan