Tác giả Ngọc Bảo trong bài viết “ Dự thảo Nghị định về Thanh toán không dùng tiền mặt: Chỉ thích “tiền trao cháo múc” ”, được đăng trên An ninh thủ đô ngày 9/3/2012 có ý kiến đóng góp của Thạc sỹ, luật sư Nguyễn Thanh Hà, chủ tịch, luật sư điều hành Công ty luật S&B (S&B Law).
ANTĐ - Dự thảo Nghị định của Chính phủ về thanh toán không dùng tiền mặt đang thu hút sự quan tâm của không ít người dân với nhiều ý kiến trái chiều xung quanh tính ứng dụng thực tế của hình thức thanh toán này...
Tại các siêu thị, việc thanh toán bằng tiền mặt vẫn là phổ biến
Còn nhiều băn khoăn
Theo dự thảo Nghị định về thanh toán không dùng tiền mặt, Ngân hàng Nhà nước sẽ đề xuất ban hành cơ chế, chính sách phát triển thanh toán không dùng tiền mặt trong nền kinh tế; Tổ chức, quản lý, vận hành, giám sát hệ thống thanh toán quốc gia; Tham gia tổ chức và giám sát sự vận hành của các hệ thống thanh toán trong nền kinh tế; Ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cơ quan có thẩm quyền ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về thanh toán không dùng tiền mặt; Cấp, thu hồi giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán…
Trước bản Dự thảo này, không ít người đã bày tỏ sự băn khoăn, lo lắng bởi từ trước đến nay, việc thanh toán bằng tiền mặt diễn ra hàng ngày, ở mọi nơi mọi lúc. Bên cạnh đó, hình thức thanh toán bằng thẻ còn nhiều điểm hạn chế, chưa thực sự phù hợp với điều kiện thực tế của người dân, đặc biệt là ở những khu vực vùng sâu, vùng xa. Mặt khác, hiện chúng ta vẫn chưa hình thành được một hệ thống mua bán thanh toán bằng các phương tiện ngoài tiền mặt như thẻ ATM, chuyển khoản… một cách quy mô đồng bộ. Anh Nguyễn Mạnh Hùng ở phố Hàng Da, quận Hoàn Kiếm chia sẻ: “Ngay cả tên gọi của dự thảo có thể gây hiểu nhầm sang các hoạt động thanh toán không được dùng tiền mặt.
Mặt khác, dự thảo cũng cần quy định cụ thể về điều kiện an toàn của hệ thống công cụ hỗ trợ thanh toán không dùng tiền mặt như các cây ATM và trách nhiệm của đơn vị cung cấp dịch vụ trong trường hợp xảy ra hậu quả do lỗi thiếu an toàn như điện giật, chập điện… làm ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của khách hàng. Thời gian qua, không ít máy ATM đã liên tục xảy ra các sự cố như luôn báo hết tiền, máy hỏng, nhả tiền rách, trừ tiền sai của khách, thậm chí một số máy còn ngừng hoạt động trong một thời gian dài không rõ lý do… Khi gặp những trường hợp này, chỉ khách hàng là người chịu thiệt, trong khi đó nhà cung cấp dịch vụ hầu như không phải chịu trách nhiệm gì.
Cùng chung quan điểm trên, chị Nguyễn Hà Thu, nhân viên kế toán tại quận Thanh Xuân cho rằng: “Thực tế cho thấy dịch vụ cung ứng hạ tầng thanh toán điện tử ở Việt Nam vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của người sử dụng. Một trong các phương tiện thanh toán mới hiện nay là thẻ thanh toán giao dịch qua máy ATM, máy quẹt thẻ (POS). Tuy vậy, việc thanh toán tiền mua hàng, trả phí dịch vụ qua máy POS còn rất hạn chế vì không có đủ máy quét cho nhiều loại thẻ của nhiều ngân hàng. Bên cạnh đó, do thói quen mua sắm của người tiêu dùng và khâu thanh toán khiến thương mại điện tử (mua hàng qua mạng) tại Việt Nam còn chậm phát triển. Người mua và người bán vẫn thực hiện theo phương thức “tiền trao cháo múc” do người tiêu dùng sợ mua phải sản phẩm không dùng được hoặc chất lượng không đạt như mong muốn”…
Những hạn chế cần khắc phục
Về vấn đề trên, theo Luật sư Nguyễn Thanh Hà - Giám đốc Công ty TNHH Luật SB, mặc dù nhà nước có chủ trương khuyến khích việc thanh toán bằng chuyển khoản, song các quy định về thanh toán bằng chuyển khoản chưa hoàn chỉnh để thỏa mãn mọi nhu cầu thanh toán giao dịch qua ngân hàng. Ngoài ra, phí chuyển khoản là vấn đề mà các bên đều quan tâm nên cần có quy định rõ trách nhiệm về phí chuyển khoản bên nào phải chịu. Nếu theo dự thảo, sau khi các bên đã thanh toán bằng chuyển khoản cho nhau xong và phát sinh nhu cầu phải rút tiền mặt thì sẽ phải chịu thêm một khoản phí rút tiền mặt. Mặt khác, khi rút tiền mặt với số lượng lớn, các ngân hàng đã có thu một khoản phí gọi là phí kiểm đếm. Do đó, câu hỏi đặt ra là ai sẽ phải chịu loại phí này? Hiện Nhà nước đang khuyến khích các doanh nghiệp trả lương cho người lao động bằng chuyển khoản. Nếu phí rút tiền mặt áp dụng luôn cả đối với việc rút tiền lương thì doanh nghiệp hay người sử dụng lao động sẽ chịu phí? Khi người lao động rút tiền lương bằng ATM thì có phải chịu phí?
Ở các nước phát triển, việc áp dụng phí rút tiền mặt có hiệu quả khi giao dịch bằng chuyển khoản, hoặc bằng thẻ tín dụng trở nên phổ biến. Trong khi đó, ở nước ta số lượng các giao dịch bằng tiền mặt vẫn chiếm đại đa số. Do đó, việc áp dụng các quy định về thanh toán không dùng tiền mặt cần được tiến hành từng bước theo một lộ trình nhất định, tránh tình trạng nóng vội, chủ quan…
(sblaw.vn theo anninhthudo)