(SBLaw) Dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi gồm 17 chương, 273 điều, trong đó giữ nguyên 52 điều của Bộ luật Lao động hiện hành, sửa đổi 157 điều và bổ sung mới 64 điều dự kiến trình Quốc hội trong kỳ họp tới. Tuy nhiên, tại buổi lấy ý kiến đại diện sở ngành liên quan ở các tỉnh phía Nam, nhiều ý kiến vẫn còn băn khoăn về tiền lương và mức sống tối thiểu của người lao động.
Theo TS Đặng Quang Điều, Viện trưởng Viện Công nhân - công đoàn (Tổng LĐLĐ Việt Nam), mức lương tối thiểu hiện nay chỉ đạt 65% mức sống tối thiểu của người lao động. Ông Điều cho biết, việc tăng lương tối thiểu phải được tính toán khoa học, từ bữa ăn thực tế và giá cả tại nơi làm việc của người lao động.
Việc tính toán theo cách tính chung chung như hiện nay là dựa vào các chỉ số như CPI và GDP sẽ không phản ánh hết đời sống thực tế của người lao động.
Chính vì căn cứ dựa vào các chỉ số như CPI và GDP nên thực tế, mức chi trả của doanh nghiệp cho người lao động hiện nay không đáp ứng được mức sống tối thiểu. Ngay cả mức tăng lương tối thiểu vừa ban hành cũng không đáp ứng được yêu cầu này.
Cụ thể, theo khảo sát của Viện Công nhân - công đoàn, mức sống tối thiểu được cấu thành bởi ba nhóm yếu tố, gồm nhóm lương - thực phẩm, nhóm phi lương - thực phẩm và xác định nhu cầu nuôi con.
Với khẩu phần ăn tối thiểu, người lao động phải chi phí tới 35.300 đồng/ngày. Như vậy chỉ riêng tiền ăn, mỗi tháng, người lao động đã phải chi tối thiểu 1.059.000 đồng. Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy, để người lao động có thể tái sản xuất (tại thời điểm 4-2011), mức lương ở vùng I phải là 3.042.660 đồng/tháng; vùng II là 2.861.780 đồng/tháng; vùng III là 2.664.750 đồng/tháng và vùng IV là 2.470.950 đồng/tháng.
Như vậy, tiền lương tối thiểu hiện nay vẫn còn một khoảng cách quá xa đối với mức sống tối thiểu chung (áp dụng cho cán bộ công chức) đang áp dụng là 830.000 đồng/tháng và mức lương tối thiểu vùng (áp dụng cho các doanh nghiệp) đối với vùng I: 2 triệu đồng, vùng II: 1,78 triệu đồng, vùng III: 1,55 triệu đồng, vùng IV: 1,4 triệu đồng.
Ông Điều cho biết, từ năm 2008 đến 2011, đã có 4 lần điều chỉnh mức tiền lương tối thiểu vùng với mức tăng từ 84%-200%. Tuy nhiên, tiền lương tối thiểu dành cho khối doanh nghiệp vẫn còn nhiều bất cập, trong đó rõ nét nhất là đóng "khung cứng" ở mức tối thiểu chứ không nhân hệ số, năng suất...
Theo quy định, mức lương tối thiểu bảo đảm mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ, song trên thực tế, việc xác định mức sống tối thiểu của người lao động là hết sức khó khăn, luôn biến động, phụ thuộc vào điều kiện kinh tế, xã hội quốc gia, vùng.
Về loại hình, hình thức, Bộ luật Lao động quy định mức lương tối thiểu chung, lương tối thiểu vùng, lương tối thiểu ngành, song trên thực tế mức lương tối thiểu ngành chưa có quy định cụ thể và tổ chức đại diện cấp ngành chưa đầy đủ nên chưa thực hiện được.
Đại diện Bộ LĐTB-XH cho biết, mức lương tối thiểu chung và mức lương tối thiểu vùng được quy định theo tháng, chưa quy định theo giờ, nên không điều chỉnh được đối với các công việc không thường xuyên, trọn ngày, trọn tháng. Chưa có các quy định miễn cho một số nhóm đối tượng đặc thù trong việc thực hiện mức lương tối thiểu như lao động khuyết tật, tập sự, thử việc, tập nghề, dẫn đến khó thực hiện.
Về cơ chế áp dụng, quy định lương công chức, viên chức (nhân với hệ số lương) cũng như nhiều chế độ phí, trợ cấp xã hội gắn với mức lương tối thiểu chung làm cho quá trình điều hành lương tối thiểu theo luật định gặp khó khăn do phụ thuộc vào khả năng của ngân sách Nhà nước. Điều này dẫn đến tiền lương của cán bộ, công chức có xu hướng ngày càng thấp so với thị trường.
Mặt khác, chưa có quy định về mối quan hệ, tương quan giữa mức lương tối thiểu với các chế độ trợ cấp xã hội khác. Về cơ chế điều hành, điều chỉnh mức lương tối thiểu chung ngày càng phụ thuộc vào ngân sách.
Việc ấn định, điều chỉnh lương tối thiểu vùng chủ yếu xuất phát từ phía cơ quan Chính phủ, việc tham gia, tham vấn của các cơ quan đại diện cho người lao động và người sử dụng lao động còn hạn chế. Do vậy, lương tối thiểu hiện nay chưa phản ánh đầy đủ các yếu tố thị trường lao động.
Theo SGGP