Trên báo An Ninh Thủ Đô có bài viết "Du học sinh - "mồi ngon" của những kẻ lừa đảo" Luật sư Nguyễn Thị Thu giám đốc công ty luật SBLAW có nêu ý kiến về vấn đề này
Mời quý vị đón đọc:
ANTĐ - Những ngày qua, dư luận xôn xao trước thông tin hàng trăm du học sinh Việt Nam tại Úc bị lừa khi mua vé máy bay từ một tài khoản trên mạng xã hội. Đáng buồn, đây không phải là vụ việc hi hữu…
Du học vừa là cơ hội, vừa là thách thức đối với mỗi học sinh Việt Nam
Tại Melbourne (Úc), hàng chục nạn nhân của đối tượng lừa đảo có tài khoản facebook tên Vi Tran đã đến đồn cảnh sát tố giác sự việc. Theo các du học sinh, tài khoản trên đã tồn tại khá lâu trên mạng xã hội với nhiều giao dịch mua bán vé máy bay giá rẻ thành công nên đã chiếm được lòng tin của du học sinh Việt Nam ở 2 thành phố Sydney, Melbourne. Tuy vậy, những ngày qua, sau khi chuyển tiền mua vé, một số người mua dù có nhận được vé và mã xác nhận song khi kiểm tra lại thì phát hiện là mã vé giả, liên lạc với bên bán thì không nhận được hồi âm. Không chỉ bị mất hàng chục triệu đồng, kế hoạch về Việt Nam vui Tết với gia đình của những du học sinh này cũng khó có thể thực hiện được.
Ngoài dạng lừa đảo trên, du học sinh Việt Nam ở nước ngoài còn phải đối mặt với nạn lừa đảo khi đi thuê nhà. Anh Nguyễn Quang Tùng - một cựu du học sinh tại Anh chia sẻ, khi sang Anh được vài tuần, anh Tùng tìm hiểu thông tin trên mạng thì thấy một mẩu quảng cáo có nhà cho du học sinh thuê, vị trí gần trường, tiện đi lại, giá rẻ, không ở cùng với chủ nhà. Liên lạc với chủ nhà qua số điện thoại được đăng trên mạng, anh Tùng được hồi âm nếu không đặt cọc trước sẽ cho người khác thuê. Do vậy, nam sinh viên đã đồng ý đóng tiền cọc. Tuy nhiên, lúc chuyển đồ đến, anh Tùng mới ngã ngửa khi thấy trong căn hộ trên đã có người ở. Lúc này, anh Tùng mới biết những thông tin đăng trên mẩu quảng cáo và giấy tờ tùy thân của người đứng tên cho thuê ngôi nhà là giả mạo. Kết quả, số tiền đặt cọc của anh Tùng đã một đi không trở lại.
Bên cạnh đó, nhiều du học sinh còn bị lừa khi được mời chào mua máy điện thoại với giá rất rẻ. Thực tế, người mua chỉ sử dụng được một thời gian ngắn là bị khóa máy và cuối cùng bị cảnh sát triệu tập do sử dụng, mua bán hàng trộm cắp. Ngoài ra, một số du học sinh còn bị lừa khi tìm việc làm và các dịch vụ khác. Bạn Ngô Thu Hà - một du học sinh tại Mỹ chia sẻ, khi đọc một tin tuyển người giúp việc nhà, Hà đã đăng ký và nhận được email thông báo trúng tuyển với mức lương khá cao. Trước khi đi làm, Hà phải thanh toán một khoản tiền gọi là phí môi giới. Sau 2 tuần làm việc, Hà đành ngậm ngùi bỏ việc dù chưa nhận được tiền công do khối lượng công việc lớn, phải di chuyển nhiều và chủ nhà liên tục gây sức ép.
Phải tìm hiểu kỹ thông tin
Nhằm tạo lòng tin đối với các du học sinh, các đối tượng thường sử dụng mác “dân bản địa”, đưa ra các lời mời chào, mức lương, giá cả hấp dẫn hoặc sử dụng giấy tờ, hóa đơn giả để thực hiện hành vi lừa đảo. Hầu hết các du học sinh lần đầu ra nước ngoài, chưa nắm được phong tục, tập quán và các quy định của nước sở tại nên rất dễ mắc bẫy.
Về tình trạng trên, Luật sư Nguyễn Thị Thu - Đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng, hình thức lừa đảo bán vé máy bay giá rẻ trên mạng không phải là mới, song do tâm lý cả tin, ham rẻ nên nhiều du học sinh vẫn dễ dàng sập bẫy. Do vậy, khi đặt mua vé tại các đại lý, sau khi mua, hành khách nên kiểm tra lại tại mục “Thông tin chuyến bay” trên website của hãng. Tại đó, có code vé, thông tin đầy đủ về hình thức thanh toán, chặng bay, giờ bay. Hành khách cũng cần cung cấp đầy đủ và chính xác (email, số điện thoại di động…) để được cập nhật thông tin về chuyến bay.
Để tránh bị lừa khi đi thuê nhà ở nước ngoài, mỗi cá nhân cần đọc kỹ hợp đồng trước khi đặt bút ký, nhất là các điều khoản về quyền và nghĩa vụ của hai bên. Không nên đặt cọc ngay số tiền lớn khi chủ nhà hối thúc mà phải xác minh thông tin bằng cách yêu cầu xem các giấy tờ liên quan. Để có căn cứ giải quyết những tranh chấp phát sinh (nếu có) sau này, bên thuê cần kiểm tra kỹ đồ đạc trong nhà, những hư hỏng xuất hiện trước khi chuyển đến và yêu cầu ghi rõ vào biên bản, lưu lại bản sao biên lai thanh toán phí thuê nhà hàng tháng.
“Các du học sinh cần lưu ý không để lộ thông tin cá nhân, đưa thẻ sinh viên, hộ chiếu, thẻ tín dụng… cho người lạ. Mỗi cá nhân cần cảnh giác trước những lời mời chào hấp dẫn về dịch vụ miễn phí, những việc làm đơn giản nhưng mức lương cao. Khi phát hiện hành vi lừa đảo, cần nhanh chóng liên hệ với Đại sứ quán Việt Nam tại nước sở tại hoặc cơ quan chức năng của nước đó để được giúp đỡ” - luật sư Nguyễn Thị Thu khuyến cáo.