Liên quan đến loạt bài: "Vạch trần "thế giới ngầm" game NFT", phóng viên Báo Lao Động đã trao đổi với ông Ngô Minh Hiếu (Hiếu PC) và các luật sư dưới quan điểm của pháp luật. Bài viết dưới đây có trích dẫn ý kiến của Luật sư Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch công ty SBLAW. Mời quý khách cùng theo dõi.
Dòng thuế nghìn tỉ "chảy" ra nước ngoài
Ông Ngô Minh Hiếu cho biết, từ năm 2022 đến nay, thị trường Việt Nam xuất hiện nhiều loại game NFT và các tựa game phát triển trên nền tảng blockchain. Những nhà phát hành xây dựng và phát triển dự án game NFT, sau đó ra token và thuê KOLs để chạy marketing quảng bá cho các tựa game này.
Ông Hiếu cho biết, hiện nay có một số game có dấu hiệu lừa người chơi, "lùa gà" như game Elemon. Bản thân ông cũng đã nhận được nhiều hồ sơ liên quan đến tựa game này - khi các nhà đầu tư phản ánh, cũng như gửi hồ sơ rất chi tiết về hành vi có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản của đơn vị phát hành. Đội ngũ phát hành game NFT Elemon đã xây dựng cộng đồng người chơi rất mạnh, đặc biệt là trên mạng xã hội Telegram.
"Trong hội nhóm Telegram, có rất nhiều tài khoản clone (tài khoản ảo) để đánh lừa nhà đầu tư, cũng như nâng giá token; sau đó sử dụng chiêu trò để "xả" hàng loạt token. Những nhà phát hành game dùng cả đội ngũ KOLs để quảng cáo.
Đồng thời, trên các hội nhóm về game, khi thấy những bài đăng nào bất lợi, ảnh hưởng đến nhà phát hành, ngay lập tức sẽ bị ngăn chặn bằng hình thức xoá bài, xoá tài khoản”, ông Hiếu nói. Ông Ngô Minh Hiếu cùng đội ngũ luật sư làm hồ sơ để đưa một số tựa game NFT có dấu hiệu lừa đảo ra ánh sáng, nhưng ông cho rằng, có một vấn đề khá nan giải liên quan hành lang pháp lý về blockchain và đặc biệt là tiền ảo.
"Game NFT vẫn đang ở giữa ranh giới trắng - đen, chưa rõ ràng. Đến thời điểm hiện tại, hồ sơ đã được gửi đến các cơ quan chức năng, nhưng vấn đề xử lý rất khó khăn, nhà đầu tư vẫn chưa thể lấy lại được tiền", ông Hiếu nói.
Ông Hiếu thông tin, một trong những chiêu trò của nhà phát hành game NFT sử dụng là sẽ không dừng hoạt động của game, song cũng không phát triển, không ra bất cứ vật phẩm mới nào, mà "thả nổi" game. Điều này khiến nhà đầu tư mệt mỏi, chán nản và tự rời đi. Chính điều này khiến cơ quan chức năng gặp khó khăn trong vấn đề xử lý những nhà phát hành game có dấu hiệu lừa đảo.
Khi được hỏi về việc lý do nào khiến hàng nghìn người chơi sẵn sàng đầu tư đến mấy chục nghìn USD, hơn trăm nghìn USD và thậm chí có người đầu tư cả triệu USD vào game NFT, ông Hiếu cho biết, thứ nhất, có những nhà đầu tư đã thắng ở một số nền tảng game khác rồi, họ đã kiếm được một một khoản tiền nào đó; sau đó họ dùng khoản tiền đó để đầu tư tiếp.
Thứ hai, trên mạng xã hội thường có những group, cộng đồng chơi game NFT. Mỗi khi có game mới ra, họ kháo nhau, chia sẻ cho nhau để cùng nhau tham gia, cùng nhau "đổ tiền" đầu tư. Chính vì lẽ đó mới tạo ra hội chứng FOMO (hội chứng sợ bỏ lỡ cơ hội) nên rất nhiều người không ngần ngại xuống tiền.
"Ở Việt Nam hiện nay giao dịch tiền ảo cũng rất lớn, nằm trong top 10 thế giới. Do vậy, việc giao dịch vài trăm nghìn USD, thậm chí cả triệu USD không còn là điều hiếm gặp.
Với những tựa game NFT như Elemon, thật sự vật phẩm trong game NFT rất xấu, nhưng giá trị của một vật phẩm trong game NFT, điển hình như game Elemon có thể bị thổi lên tới 70.000 USD - 80.000 USD. Đây là những con số khiến ai cũng giật mình, quá kinh khủng. Điều này đã mang lại những thương vụ "siêu lợi nhuận" cho nhà phát hành game.
Có những dự án game NFT đều có đội ngũ đứng đầu (còn gọi là DEV) để thao túng, nắm quyền kiểm soát. Họ kiểm soát, thao túng giá, đẩy giá token trong game lên cao rồi lại đẩy giá xuống thấp. Việc kiếm tiền một cách phi pháp như vậy rất đáng báo động, trong khi nhà nước thất thu hàng nghìn tỉ đồng tiền thuế", ông Hiếu cho hay.
Khi được hỏi, người chơi sẽ gặp rủi ro gì về vấn đề bảo mật khi tham gia game NFT, ông Hiếu cho rằng, thứ nhất, người đầu tư game NFT không được bảo hộ về mặt pháp lý. Bởi game NFT, tiền mã hoá hiện nay chưa được công nhận tại Việt Nam.
Thứ hai, cộng đồng chơi game NFT thường được lập trên các hội nhóm Telegram. Tại đây, theo như thông tin thu thập, những hội nhóm này sẽ có những đối tượng lừa đảo nằm vùng. Những đối tượng này có thể sử dụng chiêu đánh đòn tâm lý và dẫn dụ nhà đầu tư sang những trang khác không an toàn về bảo mật thông tin.
Bên cạnh đó, những người chơi game NFT khi bị thua lỗ quá nhiều sẽ mất niềm tin vào blockchain trong khi blockchain không có lỗi gì hết.
“Tôi biết, có nhiều người họ đổ lỗi cho blockchain, thấy bài đăng nào liên quan vấn đề này đều cho rằng lừa đảo, nhưng phải hiểu bản chất là blockchain chỉ là công nghệ. Do vậy, rất tệ khi những người chơi mất niềm tin vào blockchain, để rồi dẫn đến việc phát triển kinh tế hoặc phát triển những sản phẩm sau này liên quan đến blockchain rất nhạy cảm", ông Hiếu nói.
Theo ông Hiếu, hiện tại, trong lĩnh vực tiền ảo, tiền mã hóa, không nhà phát hành nào phải đóng thuế tại Việt Nam, bởi, hiện nay, Nhà nước không công nhận đó là tài sản, sản phẩm, chưa có hành lang pháp lý rõ ràng.
Cũng trao đổi về vấn đề này, Luật sư Trần Viết Hà (Đoàn Luật sư TPHCM) cho hay, nguyên nhân khiến đa phần người chơi game NFT thua lỗ là vì thị trường crypto còn khá mới mẻ tại Việt Nam, khi tham gia cần phải có kiến thức, phải tìm hiểu về thị trường, tuyệt đối tránh chạy theo xu hướng đám đông.
Tuy nhiên, đại bộ phận người chơi game NFT đều không có kiến thức cơ bản về thị trường này. Thấy những quảng cáo “mật ngọt” từ các KOLs, họ không ngần ngại “xuống tiền”. Do vậy, đây là một phần dẫn đến sự thua lỗ của nhiều người chơi game NFT.
Nguyên nhân thứ 2 được luật sư Hà chỉ rõ đó là, những dự án game NFT ở Việt Nam đa phần là “dự án tồi”. Bởi một số nhà phát hành khi phát triển game NFT có mục đích “lùa gà”, đã dẫn dụ nhiều người chơi tham gia vào, khi có lợi ích thì họ "thả nổi" tựa game khiến người chơi chán nản và tự bỏ cuộc.
Ông Hà cho biết, khi tham gia mua bán những tài sản số liên quan đến crypto, chúng ta mua bằng các đồng tiền quy đổi. Hiện nay, Việt Nam không cấm tiền mã hoá, tuy nhiên, không bảo hộ. Do vậy khi xảy ra những tranh chấp, người chơi, nhà đầu tư không được bảo vệ.
Mặc dù không cấm những giao dịch bằng crypto, tuy nhiên, nước ta lại cấm việc sử dụng crypto như một phương tiện thanh toán. Do vậy, căn cứ theo văn bản số 5747/NHNN-PC năm 2017 của Ngân hàng Nhà nước, các đồng tiền như bitcoin, crypto coin… sẽ không được công nhận là phương thức thanh toán tại Việt Nam.
Do vậy nếu sử dụng đồng tiền này như một phương thức thanh toán, nhẹ sẽ bị xử phạt hành chính, còn nghiêm trọng hơn thì xử lý hình sự theo Điều 206 Bộ luật hình sự.
"Cá nhân tôi cho rằng, trong tương lai, khi hành lang pháp lý đã đủ, Nhà nước quản lý tốt có thể công nhận đây là một loại tài sản. Song hiện nay về các hành lang pháp lý chưa đủ, cộng với việc thị trường này đang bị chi phối, thao túng quá nhiều bởi nhà phát hành game NFT. Do vậy, hiện nay những người chơi game NFT sử dụng đồng coin trong game như một phương thức thanh toán, sẽ gặp rủi ro rất lớn”, ông Trần Viết Hà nói.
Theo Luật sư Trần Viết Hà, hiện nay, pháp luật mới chỉ xử lý được đối với những dự án game NFT "cẩu thả", mục đích chiếm đoạt tiền của người chơi, nhà phát hành rút tiền ồ ạt.
"Đây là dạng lừa đảo công khai, nghĩa là sau khi nhà phát hành tạo ra dự án game NFT sẽ huy động người chơi “đổ” tiền vào dự án. Thời gian đầu, đường giá của những game NFT này đi rất đều, tăng giá.
Song, đến thời điểm chín muồi, nhà phát hành lại rút hết lượng tiền của nhà đầu tư khiến đường giá sập, chiếm đoạt tiền của người chơi. Nếu tìm ra đội ngũ đó sẽ truy cứu được trách nhiệm hình sự với tội danh Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Còn dự án game NFT khó xử lý đó là nhà phát hành âm thầm xả token, làm đường giá từ từ đi xuống, "đánh lận con đen". Khi giá trị đồng token trong game xuống thấp thì lý giải đó là yếu tố thị trường, dẫn đến câu chuyện mất tiền theo thị trường, không phải lừa đảo. Những hành vi này xử lý rất khó, bởi ở thị trường crypto, mọi thứ đều ẩn danh", Luật sư Trần Viết Hà cho hay.
Trao đổi vấn đề này với luật sư Nguyễn Thanh Hà
Trao đổi với Lao Động, Luật sư Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch công ty luật SB Law (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội) cho biết, hiện nay, ngoài các kênh đầu tư truyền thống như vàng, USD, ngoại tệ, bất động sản thì kênh đầu tư qua nền tảng blockchain, game NFT được quảng cáo là kênh đầu tư hiện đại, lợi nhuận cao, thanh khoản tốt. Từ đó, nhiều nhà đầu tư chưa tìm hiểu kĩ đã "đổ" tiền vào đầu tư.
Luật sư Nguyễn Thanh Hà cho rằng, những tài khoản điện tử, tài khoản số hiện phát triển song song cùng với mạng internet. Vì vậy, việc sớm ban hành hành lang pháp lý để quản lý hoạt động này sẽ giúp bảo vệ quyền lợi chính đáng, hợp pháp cho nhà đầu tư khi tham gia giao dịch trên nền tảng tài sản số.
Bởi hiện nay, theo quy định của Bộ luật Dân sự, tài sản số không được coi là tài sản theo quy định của pháp luật Việt Nam. Tuy nhiên, thực tế, những giao dịch này vẫn hàng ngày, hàng giờ diễn ra và cơ quan Nhà nước chưa thể quản lý được.
“Hiện nay, Chính phủ cũng đã có những lộ trình xây dựng các hành lang pháp lý để quản lý những tài sản điện tử, tài sản số này. Bên cạnh đó, việc sớm ban hành các quy định pháp luật là vô cùng cần thiết.
Trong khi luật, nghị định chưa được ban hành, chúng ta nên có cơ chế thử nghiệm và chỉ định một số doanh nghiệp tham gia vào việc xây dựng, vận hành các sàn giao dịch cũng như những tài sản số. Đồng thời, học hỏi kinh nghiệm của một số các quốc gia đã có kinh nghiệm trong lĩnh vực này”, luật sư Nguyễn Thanh Hà cho hay.
Cũng vì chưa có tính pháp lý, nên Luật sư Nguyễn Thanh Hà cho rằng, các nhà đầu tư không nên tham gia đầu tư vào thị trường này. "Hiện nay, chúng ta có rất nhiều kênh đầu tư được nhà nước bảo hộ như chứng khoán, bất động sản... Thay vì phải chịu nhiều rủi ro về mặt pháp lý, nên tìm kiếm những kênh đầu tư an toàn, có tính pháp lý đầy đủ", ông nói.
Đồng quan điểm, ông Ngô Minh Hiếu cho rằng, đối với thị trường game NFT cần phải có một hành lang pháp lý rõ ràng. Theo đó, những đơn vị phát hành game NFT buộc phải đăng ký kinh doanh ở Việt Nam.
Đồng thời khi giao dịch game NFT, nhà phát hành phải công khai, minh bạch về mặt thanh khoản; phải rõ ràng về quy trình trong việc cam kết phát triển tựa game của mình trong thời gian bao lâu. Nếu không làm được những điều này, nhà phát hành sẽ bị chế tài xử lý như phạt hành chính, thậm chí xử lý về mặt hình sự.
Nguồn: https://laodong.vn/hypertext/vach-tran-the-gioi-ngam-game-nft-dong-thue-nghin-ti-chay-ra-nuoc-ngoai-1230036.ldo?gidzl=NLfl6eWMatzNHMuLY06NU5zFOnUN2fTx41LY5iHTp7WR564McL2SB4WUPqYRMibr7XKn6Z3cVSnSYXUIS0