Câu hỏi: Tôi có ý định khởi nghiệp và tham khảo có biết đến mô hình doanh nghiệp xã hội. Xin hỏi doanh nghiệp xã hội là gì và đặc điểm khác với doanh nghiệp thông thường như thế nào?
Trả lời:
Công ty Luật TNHH SB LAW cảm ơn bạn đã quan tâm đến dịch vụ tư vấn pháp luật của chúng tôi. Liên quan đến thắc mắc của bạn, chúng tôi xin tư vấn như sau:
Luật Doanh nghiệp năm 2014 không đưa ra định nghĩa về doanh nghiệp xã hội nhưng có các tiêu chí để xác định doanh nghiệp xã hội tại Điều 10.
Điều 10 luật Doanh nghiệp 2014 quy định về quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp xã hội như sau:
“ Điều 10. Tiêu chí, quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp xã hội
1. Doanh nghiệp xã hội phải đáp ứng các tiêu chí sau đây:
a) Là doanh nghiệp được đăng ký thành lập theo quy định của Luật này;
b) Mục tiêu hoạt động nhằm giải quyết vấn đề xã hội, môi trường vì lợi ích cộng đồng;
c) Sử dụng ít nhất 51% tổng lợi nhuận hằng năm của doanh nghiệp để tái đầu tư nhằm thực hiện mục tiêu xã hội, môi trường như đã đăng ký…”.
Từ quy định này, chúng ta có thể hiểu, doanh nghiệp xã hội là doanh nghiệp được thành lập theo luật Doanh nghiệp, với mục đích hoạt động nhằm giải quyết vấn đề xã hội, môi trường vì lợi ích cộng đồng trong đó sử dụng ít nhất 51% tổng lợi nhuận hằng năm để tái đầu tư nhằm thực hiện mục tiêu xã hội, môi trường.
Điểm khác nhau nổi bật giữa doanh nghiệp thông thường và doanh nghiệp xã hội cụ thể, ở doanh nghiệp thông thường, mục đích cuối cùng các nhà đầu tư là lợi nhuận. Trong khi đó, đối với doanh nghiệp xã hội thì yếu tố “sinh lợi” không phải là yếu tố quyết định mà chính từ các vấn đề đang tồn tại trong xã hội trở thành động lực để doanh nhân xã hội tìm kiếm và quyết định mô hình kinh doanh phù hợp. Theo đó, Lợi nhuận mà doanh nghiệp có được từ hoạt động sản xuất, kinh doanh được dùng để tái đầu tư vào doanh nghiệp với mục tiêu giải quyết các vấn đề xã hội. Tiêu chí sử dụng lợi nhuận để tái đầu tư phục vụ các mục tiêu xã hội là điểm phân biệt doanh nghiệp xã hội với các doanh nghiệp thông thường.