Doanh nghiệp không chịu trả lương trong khi thử việc, phải làm sao?

Nội dung bài viết

Câu hỏi: Cách đây 6 tháng, mình có đồng ý làm việc cho một công ty với vị trí kế toán, nhưng sau khi vào làm thì công ty chuyển cho mình qua vị trí nhân viên kinh doanh. Lúc đó, bộ phận nhân sự có báo sẽ thử việc 2 tháng rồi ký hợp đồng lao động, nhưng mình làm hơn 2 tháng mà công ty không có bất kỳ hợp đồng thử việc nào hay hợp đồng chính thức nào đối với mình.
Sau đó, mình có việc xin nghỉ 1 tuần không lương, quản lý đồng ý, nhưng vì mình không sắp xếp được công việc dưới quê nên mình nghỉ tới 2 tuần mà quên báo cho công ty, Sau khi nghỉ 2 tuần mình có gọi điện lại cho quản lý xin phép thôi việc vì phải ở nhà lo chuyện gia đình. Đồng thời hôm đó, công ty cũng thông báo cho mình là mình nghỉ ngang, không xin phép nên sẽ không trả lương cho mình. Vậy nhờ quý công ty tư vấn giúp mình: Công ty mình làm vậy có đúng không? và làm thế nào để đòi lại quyền lợi cũng như lương của mình?

Luật sư tư vấn:

Công ty Luật TNHH SB LAW cảm ơn bạn đã quan tâm đến dịch vụ tư vấn pháp luật của chúng tôi. Liên quan đến thắc mắc của bạn, chúng tôi xin tư vấn như sau:

Đối với hành vi của doanh nghiệp không chịu trả lương cho bạn trong thời gian bạn thử việc, Bộ luật lao động năm 2012 có quy định như sau:

"Điều 26. Thử việc

1. Người sử dụng lao động và người lao động có thể thoả thuận về việc làm thử, quyền, nghĩa vụ của hai bên trong thời gian thử việc. Nếu có thoả thuận về việc làm thử thì các bên có thể giao kết hợp đồng thử việc.

Nội dung của hợp đồng thử việc gồm các nội dung quy định tại các điểm a, b, c, d, đ, g và h khoản 1 Điều 23 của Bộ luật này.

2. Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động mùa vụ thì không phải thử việc.

Điều 27. Thời gian thử việc

Thời gian thử việc căn cứ vào tính chất và mức độ phức tạp của công việc nhưng chỉ được thử việc 01 lần đối với một công việc và bảo đảm các điều kiện sau đây:

1. Không quá 60 ngày đối với công việc có chức danh nghề cần trình độ chuyên môn, kỹ thuật từ cao đẳng trở lên;

2. Không quá 30 ngày đối với công việc có chức danh nghề cần trình độ chuyên môn kỹ thuật trung cấp nghề, trung cấp chuyên nghiệp, công nhân kỹ thuật, nhân viên nghiệp vụ.

3. Không quá 6 ngày làm việc đối với công việc khác.

Điều 28. Tiền lương trong thời gian thử việc

Tiền lương của người lao động trong thời gian thử việc do hai bên thoả thuận nhưng ít nhất phải bằng 85% mức lương của công việc đó.

Điều 29. Kết thúc thời gian thử việc

1. Khi việc làm thử đạt yêu cầu thì người sử dụng lao động phải giao kết hợp đồng lao động với người lao động.

2. Trong thời gian thử việc, mỗi bên có quyền huỷ bỏ thoả thuận thử việc mà không cần báo trước và không phải bồi thường nếu việc làm thử không đạt yêu cầu mà hai bên đã thoả thuận”.

Như vậy, đối với công việc của bạn, bạn đã thử việc trong thời gian hơn 2 tháng là quá thời hạn thử việc đối với công việc có chức danh nghề cần trình độ chuyên môn, kỹ thuật từ cao đẳng trở lên, cũng là thời gian thử việc tối đa được quy định trong bộ luật lao động năm 2012. Do đó, khi hết thời gian thử việc mà bạn vẫn làm việc tại doanh nghiệp thì bạn sẽ làm việc với tư cách một nhân viên chính thức. Đồng thời các chế độ đãi ngộ, tiền lương, bảo hiểm và các chế độ kỷ luật đối với một người lao động của doanh nghiệp.

Trường hợp của bạn, bạn đã xin phép nghỉ 1 tuần và sau đó tự ý nghỉ thêm 1 tuần nữa mà không báo trước cho quản lý hoặc người sử dụng lao động, do đó, nếu như công ty muốn áp dụng hình thức xử lý kỷ luật sa thải thì căn cứ theo Điều 126, Bộ luật lao động năm 2012 quy định như sau:

"Hình thức xử lý kỷ luật sa thải được người sử dụng lao động áp dụng trong những trường hợp sau đây:

1. Người lao động có hành vi trộm cắp, tham ô, đánh bạc, cố ý gây thương tích, sử dụng ma tuý trong phạm vi nơi làm việc, tiết lộ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của người sử dụng lao động, có hành vi gây thiệt hại nghiêm trọng hoặc đe doạ gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng về tài sản, lợi ích của người sử dụng lao động;

2. Người lao động bị xử lý kỷ luật kéo dài thời hạn nâng lương mà tái phạm trong thời gian chưa xoá kỷ luật hoặc bị xử lý kỷ luật cách chức mà tái phạm.

Tái phạm là trường hợp người lao động lặp lại hành vi vi phạm đã bị xử lý kỷ luật mà chưa được xóa kỷ luật theo quy định tại Điều 127 của Bộ luật này;

3. Người lao động tự ý bỏ việc 05 ngày cộng dồn trong 01 tháng hoặc 20 ngày cộng dồn trong 01 năm mà không có lý do chính đáng.

Các trường hợp được coi là có lý do chính đáng bao gồm: thiên tai, hoả hoạn, bản thân, thân nhân bị ốm có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền và các trường hợp khác được quy định trong nội quy lao động”.

Về trình tự, thủ tục xử lý kỷ luật lao động, căn cứ theo Điều 123 của bộ luật lao động năm 2012 quy định về Nguyên tắc, trình tự xử lý kỷ luật lao động như sau:

“1. Việc xử lý kỷ luật lao động được quy định như sau:

a) Người sử dụng lao động phải chứng minh được lỗi của người lao động;

b) Phải có sự tham gia của tổ chức đại diện tập thể lao động tại cơ sở;

c) Người lao động phải có mặt và có quyền tự bào chữa, nhờ luật sư hoặc người khác bào chữa; trường hợp là người dưới 18 tuổi thì phải có sự tham gia của cha, mẹ hoặc người đại diện theo pháp luật;

d) Việc xử lý kỷ luật lao động phải được lập thành biên bản.

2. Không được áp dụng nhiều hình thức xử lý kỷ luật lao động đối với một hành vi vi phạm kỷ luật lao động.

3. Khi một người lao động đồng thời có nhiều hành vi vi phạm kỷ luật lao động thì chỉ áp dụng hình thức kỷ luật cao nhất tương ứng với hành vi vi phạm nặng nhất.

4. Không được xử lý kỷ luật lao động đối với người lao động đang trong thời gian sau đây:

a) Nghỉ ốm đau, điều dưỡng; nghỉ việc được sự đồng ý của người sử dụng lao động;

b) Đang bị tạm giữ, tạm giam;

c) Đang chờ kết quả của cơ quan có thẩm quyền điều tra xác minh và kết luận đối với hành vi vi phạm được quy định tại khoản 1 Điều 126 của Bộ luật này;

d) Lao động nữ có thai, nghỉ thai sản; người lao động nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi.

4. Không xử lý kỷ luật lao động đối với người lao động vi phạm kỷ luật lao động trong khi mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình”.

Ngoài ra, Điều 128 của bộ luật lao động cũng quy định về Những quy định cấm khi xử lý kỷ luật lao động như sau:

"1. Xâm phạm thân thể, nhân phẩm của người lao động.

2. Dùng hình thức phạt tiền, cắt lương thay việc xử lý kỷ luật lao động.

3. Xử lý kỷ luật lao động đối với người lao động có hành vi vi phạm không được quy định trong nội quy lao động”.

Do đó, hành vi của doanh nghiệp không trả lương cho bạn trong thời gian thử việc, cũng như việc vi phạm trình tự, thủ tục xử lý kỷ luật lao động và đặc biệt là vi phạm những quy định cấm khi xử lý kỷ luật lao động. Bạn hoàn toàn có quyền gửi đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp lao động đến Hòa giải viên Lao động hoặc Tòa án để giải quyết, bạn lưu ý: đối với việc tranh chấp về xử lý kỉ luật sa thải, bạn không cần phải thực hiện theo trình tự tại Hòa giải viên cấp huyện mà có thể gửi đơn thẳng đến Tòa án Nhân dân cấp huyện nơi doanh nghiệp có trụ sở để giải quyết.

0/5 (0 Reviews)

Bài viết liên quan