ĐỊNH GIÁ THƯƠNG HIỆU: VẪN CÒN KHOẢNG TRỐNG

Nội dung bài viết

Sáng 04/7, tại Hà Nội đã diễn ra hội thảo “Xây dựng, phát triển và định giá thương hiệu doanh nghiệp Việt Nam” do Tạp chí Tài chính Doanh nghiệp – Cục Tài Chính Doanh Nghiệp – Bộ Tài chính phối hợp với Công ty Truyền thông Senmedia. Nhiều ý kiến cho rằng, việc xác định giá trị, nhượng quyền sử dụng thương hiệu, góp vốn liên doanh, liên kết, ... bằng giá trị thương hiệu ở nước ta hiện vẫn bị bỏ ngỏ.

Nhà nước và doanh nghiệp đều thiệt

Theo Phó Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) Đặng Quyết Tiến, Việt Nam chưa có sự thống nhất về phương pháp đánh giá thương hiệu. Trên thế giới, thương hiệu được coi là giá trị cốt lõi của doanh nghiệp, có thương hiệu trị giá tới 70% tổng giá trị tài sản doanh nghiệp. Tuy nhiên ở nước ta, việc xây dựng, phát triển và định giá thương hiệu vẫn còn bỏ ngỏ. Nhiều doanh nghiệp Việt đã sản xuất được những sản phẩm có chất lượng cao, song khi xuất khẩu vẫn phải “núp” dưới tên của các thương hiệu có giá trị trên thế giới mới vào được thị trường quốc tế. Và đương nhiên, các doanh nghiệp phải mượn danh để xuất ngoại sẽ thiệt thòi đủ đường.

Một số doanh nghiệp đầu tư bài bản cho xây dựng thương hiệu và đạt được nhiều hiệu quả tích cực. Theo bảng xếp hạng của Công ty tư vấn chiến lược và đánh giá thương hiệu Brand Finance (tháng 3.2017), giá trị thương hiệu của Viettel đạt 2,686 tỷ USD; Vinaphone đạt 1,04 tỷ USD; Mobiphone đạt 391 triệu USD; Vietinbank đạt 249 triệu USD… Nhưng giá trị các thương hiệu này lại chưa được xác định như giá trị tài sản doanh nghiệp tại Việt Nam. Các đơn vị tư vấn xác định giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa, thẩm định giá vẫn còn lúng túng trong việc xác định giá trị thương hiệu. Theo Phó cục trưởng Đặng Quyết Tiến, nhiều doanh nghiệp vẫn chưa xác định được giá trị thương hiệu, hoặc xác định chưa đầy đủ, từ đó gây những trở ngại không đáng có trong quá trình phát triển. Hệ quả là, Nhà nước có thể thất thoát lớn trong quá trình cổ phần hóa, nhất là giai đoạn tới sẽ cổ phần hóa nhiều tập đoàn, tổng công ty quy mô lớn, còn doanh nghiệp sẽ thiệt thòi trong cạnh tranh, nhượng quyền thương mại, mua bán sáp nhập, …

Tại hội thảo, nhiều ý kiến cho rằng, nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là do những quy định liên quan tới giá trị thương hiệu của nước ta chưa đầy đủ theo thông lệ quốc tế, mặc dù tài sản vô hình nói chung hay thương hiệu nói riêng đã được ghi nhận trong các báo cáo tài chính.

Còn tồn tại nhiều thách thức

Phó Cục trưởng Cục Sở hữu Trí tuệ Bộ Khoa học và Công nghệ Lê Ngọc Lâm cho biết, thương hiệu của các DN Việt Nam đang gặp phải rất nhiều thách thức. Điển hình là việc bị xâm phạm quyền sở hữu mà đôi khi DN quyết định mở rộng thị trường mới phát hiện ra. Một số các DN trong nước khi bước chân vào sân chơi quốc tế mới ngỡ ngàng khi thương hiệu của mình đã bị kẻ khác đăng ký sở hữu tự khi nào.

Vinataba – một DN sản xuất thuốc lá rất thành công trong thị trường Việt Nam là một ví dụ. Nhãn hiệu thuốc lá Vinataba của Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam được sử dụng từ năm 1985, đăng ký bảo hộ theo Giấy chứng nhận số 1481 ngày 24/02/1990 tại Cục Sở hữu trí tuệ. Nhưng khi Tổng Công ty dự định mở rộng thị trường ra nước ngoài thì mới phát hiện ra, “mọi con đường đều bị chặn” do một công ty có tên Putra Salbat Industry đã đăng ký sở hữu thương hiệu này tại tất cả các nước trong khu vực Đông Nam Á. Thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột, cà phê Trung Nguyên, nước mắm Phú Quốc, … cũng đều trở thành nạn nhân, bị xâm phạm thương hiệu do chưa đăng ký sở hữu, từ đó bị “cướp” mất thương hiệu ở một số địa bàn.

Gần đây, các cơ quan chức năng đã có một số định hướng, bổ sung các quy định pháp lý, đặc biệt là tiến hành sửa đổi Nghị định 59/2011/NĐ-CP, trong đó chú trọng hơn đến việc xác định giá trị doanh nghiệp, giá trị lợi thế kinh doanh

Để giải quyết vấn đề này, ngoài việc DN tự giác chủ động thì các cơ quan chức năng cũng cần phải thống nhất về phương pháp đánh giá. Tránh tình trạng việc định giá, nhượng quyền sử dụng thương hiệu, góp vốn liên doanh, liên kết bằng giá trị thương hiệu đối với các DN tư nhân thuộc mọi thành phần kinh tế ở nước ta hiện nay vẫn còn là một khoảng trống.

0/5 (0 Reviews)

Bài viết liên quan