Câu hỏi:
Chúng tôi là một Công ty có 100% vốn nước ngoài, hiện chúng tôi đang sở hữu một nền tảng Thương mại điện tử bán hàng gồm 01 Website và 01 ứng dụng với mục đích để khách hàng có thể đặt hàng và thanh toán các mặt hàng máy lạnh mà chúng tôi phân phối. Chúng tôi muốn biết liệu các website và ứng dụng này đã được phép đi vào hoạt động tại Việt Nam hay chưa, có cần xin phép gì hay không?
Trả lời:
Theo quy định pháp luật Việt Nam, các website và ứng dụng thương mại điện tử được phép hoạt động hợp pháp nếu đáp ứng đầy đủ các điều kiện và thực hiện đúng các thủ tục theo quy định hiện hành. Dựa trên thông tin bạn cung cấp, chúng tôi đưa ra phân tích như sau:
- Thiết lập website thương mại điện tử bán hàng
Điều kiện thiết lập
Để chủ sở hữu thiết lập một website thương mại điện tử bán hàng phải đáp ứng 02 điều kiện như sau:
- Một là thương nhân, tổ chức hoặc cá nhân đã được cấp mã số thuế cá nhân.
- Hai là đã thông báo với Bộ Công Thương về việc thiết lập website thương mại điện tử bán hàng.
Theo thông tin bạn cung cấp đối với trường hợp cụ thể của bạn thì:
- Công ty của bạn là doanh nghiệp có 100% vốn nước ngoài, được thành lập hợp pháp tại Việt Nam và đã được cấp mã số thuế, do đó đáp ứng điều kiện thứ nhất.
- Tuy nhiên, để hoàn thiện, công ty cần thực hiện thủ tục thông báo với Bộ Công Thương để đáp ứng điều kiện thứ hai.
Cơ sở pháp lý: Điều 52 Nghị định 52/2013/NĐ-CP, được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 08/2018/NĐ-CP.
Quy trình thông báo
Quy trình các bước thực hiện việc thông báo như sau:
Bước 1: Đăng ký tài khoản trên Cổng thông tin Quản lý hoạt động thương mại điện tử. (Nếu đã có tài khoản, bỏ qua bước này).
Bước 2: Trong thời hạn 03 ngày làm việc, nhận kết quả từ Bộ Công thương như sau:
- Nếu thông tin được chấp nhận, tiếp tục đăng nhập tài khoản và thực hiện bước 3.
- Nếu bị chối hoặc yêu cầu bổ sung thì phải tiến hành đăng ký lại và bổ sung theo yêu cầu.
Bước 3: Đăng nhập tài khoản, chọn chức năng “Thông báo” và tiến hành khai báo thông tin theo mẫu, bao gồm:
- Tên miền của website;
- Loại hàng hóa, dịch vụ giới thiệu trên website;
- Tên đăng ký của công ty;
- Địa chỉ trụ sở của công ty;
- Số, ngày cấp và nơi cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của công ty;
- Tên, chức danh, Căn cước công dân, số điện thoại và địa chỉ thư điện tử của người đại diện của công ty;
- Các thông tin khác theo quy định của Bộ Công Thương.
Bước 4: Trong thời hạn 03 ngày làm việc, nhận kết quả từ Bộ Công thương như sau:
- Nếu thông tin hợp lệ, hồ sơ được xác nhận.
- Nếu không hợp lệ, cần chỉnh sửa và nộp lại từ bước 3.
Lưu ý:
- Theo dõi tình trạng hồ sơ qua email hoặc tài khoản hệ thống.
- Nếu không phản hồi yêu cầu bổ sung trong 10 ngày làm việc, hồ sơ sẽ bị chấm dứt và cần thực hiện lại từ bước 3.
Cơ sở pháp lý: Khoản 2 Điều 9, Điều 10 Thông tư 47/2014/TT-BCT, Khoản 2 Điều 53 Nghị định 52/2013/NĐ-CP.
- Hoạt động thương mại điện tử qua ứng dụng bán hàng
- Điều kiện
Để hoạt động thương mại điện tử qua ứng dụng bán hàng phải đáp ứng điều kiện sau:
- Thứ nhất, thông báo với Bộ Công Thương.
- Thứ hai, chủ sở hữu ứng dụng phải là thương nhân, tổ chức hoặc cá nhân đã có mã số thuế..
- Thứ ba, cung cấp đầy đủ thông tin trên ứng dụng bao gồm:
- Tên và địa chỉ của chủ sở hữu;
- Số điện thoại, email hoặc phương thức liên hệ trực tuyến khác.
- Thứ tư, tuân thủ quy định về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
- Thứ năm, nếu ứng dụng có chức năng đặt hàng trực tuyến, phải đảm bảo thực giao kết hợp đồng sử dụng chức năng đặt hàng trực tuyến và thanh toán trực tuyến qua ứng dụng di động.
- Thứ sáu, nếu kinh doanh hàng hóa, dịch vụ có điều kiện, cần công khai các giấy tờ chứng minh đủ điều kiện kinh doanh.
Cơ sở pháp lý: Điều 5, Điều 10, Khoản 2 Điều 11 Thông tư 59/2015/TT-BCT.
- Quy trình thông báo ứng dụng bán hàng
Quy trình thông báo ứng dụng bán hàng thực hiện tương tự như quy trình thông báo website thương mại điện tử tại mục 1.2 ở trên, với các thông tin cần cung cấp bao gồm:
- Tên ứng dụng;
- Địa chỉ lưu trữ hoặc địa chỉ tải ứng dụng bán hàng;
- Loại hàng hóa, dịch vụ giới thiệu trên ứng dụng bán hàng;
- Tên đăng ký của công ty;
- Địa chỉ trụ sở của công ty;
- Số, ngày cấp và nơi cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của công ty;
- Tên, chức danh, Căn cước công dân, số điện thoại và địa chỉ thư điện tử của người đại diện của công ty;
Cơ sở pháp lý: Khoản 2 Điều 9, Điều 10 Thông tư 47/2014/TT-BCT, Điều 11 Thông tư 59/2015/TT-BCT.
- Kết luận
Công ty bạn cần chuẩn bị đầy đủ hồ sơ và thực hiện đúng quy trình nêu trên để đảm bảo tuân thủ các quy định pháp luật khi vận hành website và ứng dụng thương mại điện tử tại Việt Nam.
|