SBLAW trân trọng gửi tới quý độc giả bài trả lời phỏng vấn của luật sư Nguyễn Thanh Hà, chủ tịch SBLAW trên Báo Tài chính đầu tư về vấn đề điều chỉnh thuế với hoạt động kinh doanh bất động sản.
1. Đánh giá chung về đề xuất
Thưa Luật sư, Bộ Tài chính đang đề xuất hai phương án tính thuế TNCN mới đối với chuyển nhượng bất động sản, bao gồm tính theo thu nhập thực tế (20%) và tính theo giá bán với thuế suất lũy tiến theo thời gian nắm giữ. Xin ông đánh giá chung về tính cần thiết và ý nghĩa của việc điều chỉnh chính sách thuế trong bối cảnh thị trường bất động sản hiện nay?
Trả lời: Trong bối cảnh thị trường bất động sản Việt Nam đang có những tín hiệu tích cực và dần phục hồi, Bộ Tài chính đã đề xuất áp dụng phương pháp tính thuế TNCN mới đối với hoạt động chuyển nhượng bất động sản.
Đây là một bước đi quan trọng nhằm khắc phục những hạn chế cố hữu của phương pháp tính thuế cũ, vốn áp dụng mức thuế cố định 2% trên giá trị mỗi giao dịch bất động sản.
Phương pháp mới không chỉ góp phần nâng cao tính minh bạch cho toàn bộ thị trường bất động sản mà còn có tác dụng hạn chế tình trạng đầu cơ đất đai - một trong những nguyên nhân gây mất ổn định thị trường trong thời gian qua.
Hơn thế nữa, cách tính thuế được đề xuất này phản ánh chính xác bản chất thực sự của thuế TNCN, đồng thời đảm bảo vai trò điều tiết thị trường của nhà nước và góp phần thực hiện công bằng xã hội, phù hợp với bối cảnh kinh tế - xã hội hiện tại.
2. Phân tích tác động tích cực
Một trong những mục tiêu của đề xuất là khuyến khích việc nắm giữ bất động sản lâu dài và hạn chế đầu cơ. Theo Luật sư, quy định về mức thuế suất giảm dần theo thời gian nắm giữ bất động sản (từ 10% xuống 2%) sẽ tác động như thế nào đến tâm lý và hành vi của nhà đầu tư, qua đó giúp thị trường bất động sản phát triển ổn định hơn?
Trả lời:
Chính sách thuế TNCN mới được đề xuất của Nhà nước được thiết kế để khi thời gian nắm giữ bất động sản của nhà đầu tư càng dài thì mức thuế suất đối với việc chuyển nhượng bất động sản càng thấp, nhằm khuyến khích đầu tư bất động sản dài hạn và hạn chế tình trạng đầu cơ ngắn hạn.
Những nhà đầu tư thực hiện giao dịch đối với bất động sản nắm giữ dưới 2 năm sẽ phải chịu mức thuế cao 10%, khiến việc "lướt sóng" bất động sản trở nên kém hấp dẫn về mặt lợi nhuận. Điều này có nghĩa là những nhà đầu tư có ý định kiếm lời nhanh từ việc mua vào rồi bán ra trong thời gian ngắn sẽ phải đối mặt với chi phí thuế đáng kể, làm giảm tỷ suất lợi nhuận và buộc họ phải xem xét lại chiến lược đầu tư.
Cơ chế này buộc các nhà đầu tư phải cân nhắc kỹ lưỡng giữa chi phí thuế và lợi nhuận kỳ vọng, từ đó có xu hướng giữ bất động sản lâu hơn và lập kế hoạch mua bán chiến lược hơn để tối ưu hóa chi phí.
Thay vì tập trung vào các giao dịch nhanh với mong muốn kiếm lời tức thời, các nhà đầu tư sẽ phải nghiên cứu kỹ càng hơn về tiềm năng phát triển dài hạn của khu vực, xu hướng thị trường trong tương lai, và các yếu tố gia tăng giá trị bền vững của bất động sản. Điều này cũng khuyến khích họ đầu tư vào việc cải thiện, nâng cấp bất động sản để tăng giá trị thay vì chỉ dựa vào biến động giá ngắn hạn.
Nhờ sự thay đổi trong tâm lý và hành vi đầu tư này, thị trường bất động sản Việt Nam dự kiến sẽ ổn định hơn do giảm thiểu được những cú sốc giá do đầu cơ ngắn hạn gây ra.
Khi lượng giao dịch mua bán nhanh giảm xuống, thị trường sẽ ít bị tác động bởi những biến động đột ngột và không lành mạnh, tạo ra một môi trường giao dịch minh bạch, dễ theo dõi và dự đoán được hơn.
Đồng thời, chính sách này thúc đẩy các nhà đầu tư tập trung vào những dự án có tiềm năng tăng trưởng bền vững, chẳng hạn như các khu đô thị mới có quy hoạch tốt, các dự án gần trung tâm thương mại hoặc khu công nghiệp, hay những khu vực có hạ tầng phát triển mạnh trong tương lai.
Việc chuyển hướng đầu tư này không chỉ nâng cao chất lượng sản phẩm bất động sản trên thị trường mà còn khuyến khích các chủ đầu tư phát triển những dự án có giá trị thực, đáp ứng nhu cầu ở thực của người dân thay vì chỉ tập trung vào lợi nhuận ngắn hạn.
Hơn nữa, khi bất động sản được nắm giữ ổn định trong thời gian dài, điều này tạo ra dòng vốn ổn định cho thị trường, giúp ngăn chặn hiệu quả việc hình thành các "bong bóng" bất động sản - hiện tượng giá cả tăng cao một cách bất thường do hoạt động đầu cơ mà không phản ánh đúng giá trị thực của tài sản. Đề xuất này góp phần không nhỏ trong việc tạo ra một thị trường bất động sản lành mạnh, minh bạch và phát triển bền vững, phục vụ tốt hơn cho nhu cầu của người dân.
Việc áp dụng mức thuế 20% trên thu nhập thực tế có thể tạo sự công bằng hơn, đánh thuế vào phần giá trị gia tăng thực sự. Ông có nhận định gì về tiềm năng của phương án này trong việc hạn chế các giao dịch "lướt sóng" và minh bạch hóa thị trường?
Trả lời: Việc áp dụng thuế suất 20% trên phần chênh lệch giá trị chuyển nhượng bất động sản là một chính sách thể hiện nguyên tắc công bằng trong điều tiết thu nhập, khi đánh thuế trực tiếp vào phần lợi nhuận thực tế mà người bán thu được từ hoạt động chuyển nhượng.
Khác với quy định cũ – đánh thuế theo tỷ lệ cố định 2% trên tổng giá trị chuyển nhượng mà không xét đến yếu tố lãi hay lỗ – phương pháp mới phản ánh đúng bản chất thu nhập phát sinh từ hoạt động chuyển nhượng.
Dù phương án thu thuế 2% có ưu điểm là đơn giản, dễ thu, song lại tạo ra kẽ hở lớn trong việc kê khai giá trị giao dịch và không khuyến khích người bán kê khai chi phí thực tế, dẫn đến thất thu ngân sách khiến cho nhiều người bán có cơ hội khai sai giá tiền để giảm thuế.
Thuế 20% trên lợi nhuận, đặc biệt với mức thuế cao hơn cho giao dịch dưới 2 năm, làm giảm lợi nhuận từ việc mua bán nhanh. Thuế giảm dần theo thời gian sở hữu khuyến khích nhà đầu tư giữ bất động sản lâu dài, tập trung vào các dự án tạo giá trị bền vững như cho thuê, cải tạo, hoặc phát triển bất động sản thương mại, nhà ở xã hội.
Khi đầu cơ ngắn hạn kém hấp dẫn, dòng vốn có thể chuyển sang các kênh đầu tư dài hạn khác như sản xuất, cơ sở hạ tầng, hoặc bất động sản giá trị gia tăng, giúp ổn định thị trường và giảm biến động giá.
Thực tiễn từ một số quốc gia như Singapore, Đài Loan và Hàn Quốc cho thấy, việc áp dụng mức thuế cao đối với các giao dịch bất động sản ngắn hạn đã giúp làm chậm dòng vốn đầu cơ, từ đó góp phần kiểm soát đà tăng giá, ổn định thị trường và tạo môi trường đầu tư lành mạnh.
Trong bối cảnh thị trường bất động sản tại Việt Nam thời gian qua liên tục ghi nhận tình trạng sốt giá cục bộ và giao dịch ảo gia tăng, chính sách thuế mới này được kỳ vọng sẽ trở thành công cụ hữu hiệu để điều tiết hành vi đầu tư theo hướng bền vững.
Việc tăng chi phí tài chính cho các giao dịch ngắn hạn sẽ làm giảm tính hấp dẫn của hoạt động “lướt sóng”, đồng thời thúc đẩy nhà đầu tư cân nhắc nhiều hơn đến yếu tố giá trị thực và tiềm năng dài hạn của tài sản.
Về lâu dài, chính sách này sẽ góp phần xây dựng một thị trường bất động sản minh bạch, ổn định và phát triển lành mạnh, hài hòa giữa lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp và người dân.
Theo ông, những thay đổi này có thể góp phần dịch chuyển dòng vốn đầu tư từ các kênh đầu cơ sang các kênh đầu tư dài hạn, tạo lập giá trị bền vững hơn cho thị trường bất động sản Việt Nam như thế nào?
Trả lời: Những thay đổi về chính sách thuế, có thể tạo ra tác động tái cấu trúc dòng vốn trên thị trường theo hướng tích cực và bền vững hơn. Khi các giao dịch ngắn hạn – vốn là hình thức đầu cơ phổ biến nhằm tìm kiếm lợi nhuận nhanh chóng từ chênh lệch giá – phải chịu mức thuế cao, tỷ suất sinh lời sau thuế của các hoạt động “lướt sóng” sẽ giảm đáng kể. Điều này khiến hình thức đầu cơ trở nên kém hấp dẫn, từ đó buộc nhà đầu tư phải cân nhắc kỹ lưỡng trước khi đưa ra quyết định.
Ngược lại, chính sách thuế có tính phân tầng theo thời gian nắm giữ sẽ tạo động lực khuyến khích dòng vốn chuyển dịch sang các kênh đầu tư dài hạn, trong đó nhà đầu tư có xu hướng gắn bó lâu dài với tài sản, khai thác giá trị bền vững thay vì chỉ nhắm đến lợi nhuận ngắn hạn.
Đây là tiền đề quan trọng để hình thành một thị trường bất động sản ổn định, giảm thiểu các cơn “sốt ảo” giá đất do đầu cơ, đồng thời góp phần phân bổ nguồn lực đầu tư hợp lý hơn vào các lĩnh vực sản xuất – kinh doanh có giá trị thực, thay vì chỉ tập trung vào “lướt sóng” tài sản.
Về lâu dài, sự dịch chuyển dòng vốn theo hướng này không chỉ giúp bình ổn thị trường bất động sản, mà còn tạo dựng môi trường đầu tư minh bạch, lành mạnh, hạn chế rủi ro bong bóng góp phần giúp cho nhà đầu tư có thể có những quyết định đầu tư theo hướng chuyên nghiệp và bền vững hơn.
3. Phân tích tác động tiêu cực/thách thức
Phương án tính thuế theo thu nhập thực tế yêu cầu người bán chứng minh giá mua và các chi phí hợp lý. Thực tế này có thể gây khó khăn gì cho người dân, đặc biệt là những trường hợp giao dịch đã lâu, không có đầy đủ hóa đơn chứng từ? Liệu có cần những hướng dẫn chi tiết hơn để đảm bảo tính khả thi của phương án này?
Trả lời: Mặc dù phương án tính thuế TNCN theo mức 20% trên thu nhập thực tế trên giao dịch bất động sản có nhiều ưu điểm, nhưng việc áp dụng trong thực tế sẽ đối mặt với những thách thức đáng kể, đặc biệt là khó khăn trong việc chứng minh giá mua và các chi phí hợp lý liên quan đến bất động sản.
Đầu tiên, người dân sẽ gặp phải tình huống khăn trong việc phải cung cấp đầy đủ hóa đơn, chứng từ cho những giao dịch bất động sản được thực hiện cách đây 10-20 năm, thời điểm mà việc lưu giữ hóa đơn chưa được quy định nghiêm ngặt như hiện tại, cộng thêm việc nhiều tài liệu có thể đã bị mất mát, hư hỏng do thiên tai, di chuyển nhà cửa hay đơn giản là do thời gian, đặc biệt đối với những giao dịch dân sự không chính thức được thực hiện mà thiếu các chứng từ, hợp đồng đầy đủ theo quy định.
Thứ hai, việc chứng minh các chi phí hợp lý cũng trở nên phức tạp khi nhiều công việc nhỏ lẻ không có hóa đơn và giá trị các cải tạo cũ khó xác định chính xác. Ngoài những chi phí dễ chứng minh như mua bán, xây dựng, làm thủ tục, còn có những khoản chi phí khó chứng minh như môi giới, lãi vay, bồi thường các bên liên quan, tạo ra khó khăn trong việc xác định chính xác lợi nhuận thực tế, đặc biệt khi có khả năng người nộp thuế cố tình khai báo sai lệch để giảm nghĩa vụ thuế.
Thứ ba, các giao dịch đặc biệt liên quan tới bất động sản thừa kế hay bất động sản được tặng cho làm gia tăng độ phức tạp trong việc xác định giá mua, từ đó gây khó khăn không nhỏ trong việc xác định tiền thuế TNCN phải nộp.
Trong bối cảnh thay đổi chính sách thuế, việc thiếu các hướng dẫn chi tiết và thống nhất khi đưa quy định vào thực tiễn có thể dẫn đến tình trạng các cơ quan thuế địa phương áp dụng không đồng bộ, thiếu công bằng cho người nộp thuế, từ đó làm phát sinh nhiều tranh chấp về phương pháp tính toán, đồng thời tạo ra tâm lý lo ngại khiến người dân e ngại thực hiện giao dịch vì sợ không chứng minh được chi phí và phải chịu mức thuế cao.
Do đó, để khắc phục những khó khăn này, cần thiết phải có các hướng dẫn cụ thể về chứng từ thay thế như cho phép sử dụng bảng giá đất của địa phương làm căn cứ khi thiếu hóa đơn, chứng từ để chứng minh giá mua; chấp nhận hợp đồng công chứng và sao kê ngân hàng; cùng với việc quy định rõ ràng các trường hợp được miễn giảm khi không thể chứng minh chi phí; đồng thời cần có hướng dẫn chi tiết về cách tính chi phí hợp lý với danh mục cụ thể các chi phí được trừ, mức định mức cho những chi phí khó chứng minh và phương pháp ước tính giá trị cải tạo theo thời gian; kèm theo cơ chế giải quyết tranh chấp minh bạch với sự tham gia của cơ quan thẩm định độc lập.
Cuối cùng, để đảm bảo chính sách có thể triển khai hiệu quả và khả thi, Bộ Tài chính cần ban hành văn bản hướng dẫn chi tiết với các ví dụ minh họa cụ thể cho từng tình huống thường gặp, đồng thời cần có khoảng thời gian chuyển tiếp hợp lý để người dân có đủ thời gian chuẩn bị và làm quen với những quy định mới này.
Mặc dù khuyến khích nắm giữ lâu dài, nhưng liệu việc áp dụng mức thuế suất cao hơn cho bất động sản nắm giữ ngắn hạn có thể tạo ra rào cản cho các giao dịch cần thiết, ví dụ như chuyển đổi mục đích sử dụng đất hoặc giao dịch của những người có nhu cầu tài chính cấp bách?
Trả lời: Việc áp dụng mức thuế suất thuế TNCN cao hơn đối với các giao dịch chuyển nhượng bất động sản có thời gian nắm giữ ngắn hạn, mặc dù nhằm mục đích hạn chế hoạt động đầu cơ và khuyến khích đầu tư dài hạn, song có thể tạo ra những rào cản không mong muốn đối với các giao dịch có tính chất cần thiết và chính đáng.
Cụ thể, đối với các trường hợp chuyển nhượng nhằm mục đích sử dụng đất phục vụ các dự án phát triển đô thị, hạ tầng kỹ thuật hoặc các dự án có ý nghĩa kinh tế - xã hội, việc áp dụng thuế suất TNCN 10% cho giao dịch dưới 2 năm có thể gây cản trở đáng kể đến quá trình phát triển đô thị, cơ sở hạ tầng trên phạm vi cả nước.
Bên cạnh đó, trong trường hợp những chủ sở hữu bất động sản có nhu cầu tài chính cấp bách do các tình huống bất khả kháng như bệnh tật, tai nạn, thất nghiệp hoặc các vấn đề pháp lý phát sinh (ly hôn, chia tài sản thừa kế) sẽ phải gánh chịu gánh nặng thuế cao không nằm trong dự tính khi buộc phải thực hiện giao dịch chuyển nhượng trong thời gian ngắn.
Việc thiết lập rào cản thuế suất cao có thể dẫn đến tình trạng giảm tính thanh khoản của thị trường bất động sản, tạo ra sự méo mó trong cơ chế cung - cầu và có nguy cơ hình thành các giao dịch "giả tạo" nhằm tránh nghĩa vụ thuế.
Để đảm bảo tính cân bằng và công bằng trong việc thực thi chính sách thuế, cần thiết phải xây dựng các điều khoản ngoại lệ và cơ chế miễn giảm phù hợp cho những trường hợp đặc biệt, như: các giao dịch phục vụ giải phóng mặt bằng cho các dự án công ích, các trường hợp chuyển nhượng do hoàn cảnh bất khả kháng được cơ quan có thẩm quyền xác nhận, và các giao dịch lần đầu của hộ gia đình có thu nhập thấp.
Đồng thời, cần xem xét việc phân loại và áp dụng thuế suất khác biệt theo từng loại đất và mục đích của việc chuyển nhượng (mục đích kinh tế hay mục đích khai thác sử dụng) nhằm đảm bảo chính sách thuế vừa đạt được mục tiêu điều tiết thị trường, vừa không gây cản trở đến các hoạt động kinh tế chính đáng và nhu cầu chính đáng của người dân.
Đối với bất động sản có nguồn gốc từ thừa kế, quy định mới vẫn áp dụng thuế suất 2% nhưng không miễn thuế cho lần chuyển nhượng đầu tiên như hiện hành (ngoại trừ người thừa kế được miễn thuế TNCN nếu là người đầu tiên chuyển nhượng tài sản sau khi nhận thừa kế). Theo ông, sự thay đổi này có thể ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân nhận thừa kế và có cần cân nhắc thêm để đảm bảo hài hòa lợi ích?
Trả lời: Sự thay đổi quy định thuế TNCN đối với hoạt động chuyển nhượng bất động sản có thể ảnh hưởng không nhỏ đến quyền lợi của những người thừa kế bất động sản. Theo quy định hiện hành, người dân khi bán bất động sản duy nhất sẽ không phải nộp thuế TNCN nếu đáp ứng một số điều kiện như: (i) chỉ có một bất động sản duy nhất và (ii) Có quyền sở hữu tính đến thời điểm chuyển nhượng tối thiểu là 183 ngày,…..
Tuy nhiên, đề xuất mới quy định rằng với bất động sản có nguồn gốc từ nhận thừa kế, thuế suất chuyển nhượng vẫn như hiện hành, ở mức 2%, mà không tính theo thời gian nắm giữ nhưng không còn áp dụng chế độ miễn thuế cho lần chuyển nhượng đầu tiên như trước đây.
Sự thay đổi này có thể tạo ra những tác động tiêu cực đến quyền lợi chính đáng của người thừa kế, đặc biệt là những người có thu nhập thấp hoặc có nhu cầu thanh lý tài sản thừa kế để giải quyết các vấn đề tài chính cấp bách.
Việc bãi bỏ chế độ miễn thuế cho lần chuyển nhượng đầu tiên có thể gây khó khăn cho những người thừa kế không có khả năng tài chính để duy trì và sử dụng bất động sản, buộc họ phải gánh chịu gánh nặng thuế khi thực hiện chuyển nhượng.
Điều này đặc biệt bất hợp lý đối với những trường hợp thừa kế bất động sản có giá trị cao nhưng người thừa kế lại có thu nhập thấp, không có khả năng chi trả các chi phí duy trì như nghĩa vụ tài chính với nhà nước, phí quản lý, hay chi phí bảo trì.
Để đảm bảo sự hài hòa lợi ích và tính công bằng xã hội, cần cân nhắc việc duy trì một số ưu đãi nhất định với đối tượng là người thừa kế, chẳng hạn như áp dụng khấu trừ hoặc giảm thuế, miễn thuế cho lần chuyển nhượng đầu tiên, đặc biệt đối với những hộ gia đình có thu nhập thấp được cơ quan có thẩm quyền xác nhận.
Đồng thời, cần xem xét việc phân biệt đối xử giữa những người thừa kế có nhu cầu sử dụng thực tế và những người coi bất động sản thừa kế như một khoản để sinh lời, nhằm đảm bảo chính sách thuế không tạo ra gánh nặng bất hợp lý cho những trường hợp chính đáng.
4. Kiến nghị và khuyến nghị
Để đề xuất này khi chính thức ban hành có thể phát huy tối đa hiệu quả và hạn chế các tác động tiêu cực, Luật sư có những kiến nghị hay khuyến nghị nào đối với cơ quan quản lý nhà nước trong việc hoàn thiện dự thảo luật cũng như công tác triển khai trong thực tế?
Trả lời: Để đề xuất này khi chính thức ban hành có thể phát huy tối đa hiệu quả và hạn chế các tác động tiêu cực, cơ quan quản lý nhà nước cần quan tâm đến một số khuyến nghị sau:
Trước hết, cần xây dựng và hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu đất đai và nhà ở một cách đầy đủ, minh bạch và thống nhất trên toàn quốc.
Cần xây dựng hệ thống dữ liệu định giá minh bạch, công khai, tránh hiện tượng kê khai giá ảo nhằm trốn thuế hoặc tạo chênh lệch giả tạo. Cùng với đó, cơ quan chức năng cần lựa chọn thời điểm ban hành phù hợp, có lộ trình áp dụng rõ ràng.
Có thể cân nhắc thí điểm ở các đô thị lớn hoặc với BĐS đầu cơ rõ nét. Lộ trình sẽ tăng dần theo thời gian, có đánh giá tác động định kỳ.
Việc thí điểm tại một số địa phương trước khi nhân rộng cũng là cách làm phù hợp để đánh giá hiệu quả và điều chỉnh chính sách kịp thời.
Đặc biệt, công tác truyền thông đóng vai trò then chốt nhằm tạo sự đồng thuận xã hội. Cần chủ động giải thích rõ mục tiêu, phạm vi và tác động tích cực của chính sách đến người dân và nhà đầu tư, qua đó tránh hiểu nhầm, giảm thiểu phản ứng tiêu cực, nhất là khi thị trường đang nhạy cảm với các tín hiệu điều tiết từ Nhà nước.
Khi được thiết kế bài bản, triển khai đúng thời điểm và truyền thông hiệu quả, chính sách thuế mới sẽ không chỉ tăng cường tính công bằng trong hệ thống thuế mà còn góp phần định hình một thị trường bất động sản phát triển ổn định, lành mạnh và bền vững
Theo Luật sư, cần có những giải pháp đồng bộ nào khác (ngoài chính sách thuế) để thực sự thúc đẩy một thị trường bất động sản phát triển bền vững, minh bạch và lành mạnh tại Việt Nam?
Trả lời: Bên cạnh chính sách thuế, việc phát triển một thị trường bất động sản minh bạch, ổn định và bền vững tại Việt Nam đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ của nhiều chính sách và giải pháp đồng bộ từ phía Nhà nước, doanh nghiệp và các bên liên quan. Cụ thể, cần tập trung vào các nhóm giải pháp sau:
Thứ nhất, cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính và khung khổ pháp lý liên quan đến đầu tư, xây dựng và chuyển nhượng bất động sản. Việc đơn giản hóa quy trình cấp phép đầu tư, phê duyệt dự án, giao đất, cho thuê đất và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sẽ giúp giảm thiểu chi phí không chính thức, rút ngắn thời gian thực hiện dự án và tạo ra môi trường đầu tư minh bạch, cạnh tranh và lành mạnh. Đồng thời, cần hoàn thiện hệ thống pháp luật để đảm bảo tính ổn định, nhất quán và dễ dự báo cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Thứ hai, phát triển thị trường tài chính phục vụ bất động sản theo hướng đa dạng, minh bạch và bền vững. Ngoài việc kiểm soát tín dụng bất động sản truyền thống qua hệ thống ngân hàng, cần thúc đẩy các kênh huy động vốn mới như quỹ tín thác đầu tư bất động sản, các công cụ phái sinh, mô hình tài chính xanh, cũng như thị trường trái phiếu doanh nghiệp được giám sát chặt chẽ. Những công cụ này sẽ góp phần giảm áp lực cho hệ thống ngân hàng, tăng khả năng tiếp cận vốn cho các doanh nghiệp bất động sản có năng lực và định hướng phát triển bền vững.
Thứ ba, đẩy mạnh công tác thanh tra, giám sát và xử lý nghiêm các hành vi tiêu cực trên thị trường bất động sản. Điều này bao gồm các hành vi như thao túng giá, đầu cơ, găm giữ đất đai, mua bán lòng vòng nhằm thổi giá hoặc làm méo mó thị trường. Đồng thời, cần tăng cường minh bạch hóa thông tin thông qua việc xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về thị trường bất động sản, trong đó công khai thông tin về quy hoạch, tiến độ thực hiện dự án, pháp lý dự án, tình trạng giao dịch và giá cả. Việc minh bạch thông tin sẽ giúp người dân, nhà đầu tư và cơ quan quản lý có căn cứ chính xác để đưa ra quyết định, đồng thời hạn chế được các rủi ro từ tin đồn và đầu cơ.
Thứ tư, khuyến khích phát triển nhà ở giá hợp lý, nhà ở xã hội và các dự án phục vụ nhu cầu ở thực của người dân. Đây là yếu tố then chốt để giảm lệch pha cung – cầu và điều tiết lại cơ cấu sản phẩm trên thị trường. Nhà nước cần ban hành cơ chế ưu đãi về thuế, đất đai, vốn vay và thủ tục đầu tư để thu hút doanh nghiệp tham gia vào các phân khúc này. Đồng thời, cần có chính sách ổn định quỹ đất dành riêng cho phát triển nhà ở xã hội và các khu đô thị dành cho người thu nhập thấp, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, giảm áp lực về nhà ở và thúc đẩy phát triển đô thị cân bằng, bền vững
Tham khảo thêm tại: Dịch vụ Luật Sư tư vấn bất động sản