Đối với hoạt động của ngành Tòa án, dù trong lĩnh vực tố tụng dân sự hay tố tụng hình sự thì chứng cứ chứng minh trong bất kể vụ án, vụ việc nào thì cũng đóng vai trò quan trọng trong việc giúp cho Thẩm phán, Hội đồng xét xử đưa ra được phán quyết công bằng và khách quan.
Chính vì vậy, nội dung liên quan đến các vấn đề về chứng cứ chứng minh vẫn được quan tâm trong Luật số 34/2024/QH15 tổ chức tòa án nhân dân được Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XV, kỳ họp thứ 7 thông qua ngày 24 tháng 6 năm 2024, có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2025.
Khoản 4, Điều 15, Luật Tổ chức Tòa án Nhân dân năm 2024 quy định Tòa án chỉ hỗ trợ các bên thu thập tài liệu, chứng cứ trong trong trường hợp các bên đã áp dụng các biện pháp cần thiết nhưng không thu thập được tài liệu, chứng cứ và đề nghị Tòa án hỗ trợ.
So với Luật tổ chức tòa án nhân dân năm 2014, Luật tổ chức tòa án nhân dân hiện hành đã bổ sung thêm nội dung “[...] trong trường hợp các bên đã thực hiện các biện pháp cần thiết nhưng không thu thập được tài liệu, chứng cứ và đề nghị Tòa án hỗ trợ.” Sự bổ sung này nhằm khắc phục tình trạng các đương sự lạm dụng, viện dẫn lý do không thể thu thập được tài liệu, chứng cứ để chuyển trách nhiệm này sang cho Tòa án, ảnh hưởng đến tính khách quan, vô tư, đồng thời làm gia tăng khối lượng công việc cho cơ quan này.
Tuy nhiên, sự sửa đổi bổ sung này lại dẫn đến những bất cập khác, mà điển hình là mâu thuẫn với chính những quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa án trong Luật tổ chức tòa án nhân dân cũng như các quy định hiện hành của pháp luật tố tụng dân sự
Một trong những chức năng của Tòa án được ghi nhận trong Luật tổ chức tòa án nhân dân, đó là bảo vệ công lý. Mặc dù, nội hàm của cụm từ “bảo vệ công lý” chưa được chính thức giải thích nhưng hoạt động làm rõ sự thực khách quan của vụ án được thừa nhận trở thành tiên đề. Để làm rõ sự thực khách quan thì chứng cứ đóng vai trò quan trọng, nên Tòa án không thể nào tách rời khỏi hoạt động này.
Mặt khác, Điều 6 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015 quy định: “Tòa án có trách nhiệm hỗ trợ đương sự trong việc thu thập chứng cứ [...]” Mặc dù ngay trong điều khoản này, ngoại lệ của nó cũng được đề cập, tuy nhiên, lại chỉ giới hạn trong giới hạn quy định của Bộ luật Tố dụng dân sự hiện hành mà không đề cập đến quy định pháp luật khác có liên quan. Điều này dẫn đến sự chồng chéo, gây khó khăn trong việc áp dụng khi giải quyết vụ việc dân sự của Tòa án.
Theo quan điểm của LS. Nguyễn Thanh Hà thì hoạt động hỗ trợ các đương sự thu thập chứng cứ của Tòa án vẫn cần phải được đảm bảo, xuất phát từ yêu cầu, đòi hỏi của thực tiễn. Chứng cứ cung cấp cho Tòa án chỉ được coi là chứng cứ khi được Tòa án xem xét, kiểm tra, đánh giá, xác định dựa trên các tiêu chí của pháp luật. Để thực hiện được các yêu cầu đòi hỏi của pháp luật, thì các đương sự cần phải có kỹ năng, công cụ, biện pháp thu thập, cung cấp chứng cứ. Tuy nhiên, trên thực tế, không phải đương sự nào cũng có đầy đủ kỹ năng, công cụ, biện pháp cần thiết để đáp ứng trọn vẹn các yêu cầu, đòi hỏi về các thuộc tính của chứng cứ. Chình vì vậy, các đương sự này cần đến sự hỗ trợ của Tòa án. Với tư cách cơ quan nhà nước có thẩm quyền tiến hành tố tụng, nhân danh quyền lực nhà nước, hoạt động thu thập chứng cứ của đương sự sẽ được hỗ trợ tốt hơn, đồng thời quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự sẽ được thực hiện hiệu quả hơn.
Để đảm bảo sự tương thích giữa luật tổ chức tòa án nhân dân và Bộ luật tố tụng dân sự, các nhà lập quy trong tương lai nếu có sự sửa đổi, bổ sung những luật này thì cần quy định cụ thể thêm các trường hợp cụ thể nào được coi là “đã áp dụng các biện pháp cần thiết nhưng vẫn không thu thập được” Bên cạnh việc giải thích rõ ràng nội dung này, các hình thức chế tài cũng cần phải đặt ra đối với trường hợp cơ quan, tổ chức, cá nhân đang quản lý, lưu giữ tài liệu, chứng cứ cố tình không cung cấp, gây cản trở, gây khó khăn cho hoạt động thu thập chứng cứ của đương sự.
Trên đây là những phân tích cũng như những ý kiến, đóng góp về điểm mới của Luật Tổ chức tòa án nhân dân năm 2024 về họat động thu thập chứng cứ của đương sự. Điểm mới này vừa hạn chế phần nào sự tham gia của Tòa án vào hoạt động thu thập chứng cứ của đương sự trong quá trình giải quyết tranh chấp, tuy nhiên, điểm mới này cũng cần phải có sự sửa đổi, bổ sung trong tương lai nhằm tạo hành lang pháp lý thông thoáng hơn trong việc áp dụng.