Đề xuất Tăng mức thuế tuyệt đối đối với túi nilon?

Nội dung bài viết

Để ngăn chặn hiện tượng "ô nhiễm trắng" đang gây ra tác động tiêu cực đến con người, cần áp đặt mức thuế cao hơn đối với túi nylon đối với doanh nghiệp và người dân. Điều này sẽ thúc đẩy họ cân nhắc và hạn chế việc sử dụng túi nylon, một biện pháp cần thiết để giữ gìn môi trường và sức khỏe của chúng ta. Dưới đây là bài phỏng vấn của Luật sư Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch công ty luật SBLAW về vấn đề: Đề xuất Tăng mức thuế tuyệt đối đối với túi nilon?

Luật sư Nguyễn Thanh Hà - Tăng mức thuế tuyệt đối đối với túi nilon
Luật sư Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch công ty luật SBLAW

Câu 1:  Việt Nam, một thành viên có trách nhiệm của Liên hợp quốc, đã cam kết hành động mạnh mẽ thực hiện giảm thiểu chất thải nhựa để bảo vệ môi trường. Và trong Luật cũng đã quy định túi nilon là mặt hàng chịu thuế bảo vệ môi trường với mức đánh thuế là 50.000/1 kg. Việc đánh thuế với mức như hiện nay theo ông đã có tác động giảm thiểu việc sản xuất và sử dụng túi nilon hay chưa?

Trả lời:

Luật Thuế bảo vệ môi trường năm 2010 quy định mức thuế bảo vệ môi trường đối với túi nilon từ 30.000 đến 50.000 đồng/kg. Theo Nghị quyết của UBTVQH, từ năm 2019, thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng túi nilon là 50.000 đồng/kg.Việc đánh thuế túi nilon để bảo vệ môi trường là hết sức cần thiết, tuy nhiên, mức thuế như trên là chưa đủ.

Đối với các cơ sở sản xuất thì mức thuế trên không tác động giảm thiểu đáng kể đến hoạt động sản xuất túi nilon. Vì có tới 70% cơ sở sản xuất túi nilon là các hộ nhỏ lẻ. Họ đóng thuế khoán, không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ chế độ kế toán, hóa đơn, chứng từ… Nếu không cải thiện khả năng thu thuế bảo vệ môi trường đối với túi nilon, thì dù có tăng thuế bao nhiêu chăng nữa giá thành túi nilon sản xuất ra vẫn sẽ rất thấp và cả nhà bán lẻ lẫn người tiêu dùng đều không có nhiều áp lực tiết giảm cung cấp, sử dụng túi nilon.

Đối với hoạt động tiêu thụ túi nilon của người tiêu dùng, mức thuế này chỉ có tác động trong một giai đoạn nhất định. Thuế đối với túi nilon tuy có tăng nhưng chưa đạt được hiệu quả, chưa đạt được mục tiêu thay đổi thói quen người tiêu dùng. Sự tiện lợi của túi nilon đã ăn vào nếp sống của con người và trở nên không thể thiếu trong đời sống mỗi người dân. Việc tăng giá túi nilon cũng chỉ làm giảm bớt sự tiêu thụ và thải túi nilon ra môi trường bên ngoài trong một giai đoạn nhất định. Do vậy, với giá thành túi nilon hiện tại như trên thị trường cùng với sự tiện lợi của nó thì túi nilon vẫn được sử dụng rộng rãi.

Luật sư Nguyễn Thanh Hà - Tăng mức thuế tuyệt đối đối với túi nilon 1
Luật sư Nguyễn Thanh Hà trả lời phóng viên

Câu 2:   Để hạn chế túi nilon và nhựa 1 lần thì hiện nay đang có nhiều ý kiến đề xuất Tăng mức thuế tuyệt đối đối với túi nilon buộc doanh nghiệp, người dân cân nhắc khi sử dụng. Ý kiến của ông như thế nào về đề xuất này?

Trả lời :

Để hạn chế túi nilon, một giải pháp được các đại biểu Quốc hội nhắc đến nhiều nhất là phải áp thuế thật cao, để các doanh nghiệp tính toán, hạn chế nhập, sản xuất các loại nilon độc hại và người dân cũng hạn chế dùng, khi giá nylon đã tăng lên. Đối với các doanh nghiệp sản xuất, sử dụng nhiều sản phẩm nhựa, nên đánh thuế đầu ra thông qua các sản phẩm cụ thể để lấy kinh phí khắc phục những vấn nạn môi trường. Các nhà làm chính sách nên xem xét đánh thuế theo số lượng túi, hộp nhựa xốp thay vì trên khối lượng như hiện nay. Điều này giúp tránh được tình trạng sản xuất nhiều hơn các loại túi nilon mỏng vốn gây tác hại lớn hơn đến môi trường. Riêng với các doanh nghiệp không có hoạt động thu hồi, tái chế sản phẩm nhựa thì nên đánh thuế cao hơn nữa.

Tuy nhiên, tăng thuế (chính sách thuế) chỉ hiệu quả trong thời gian "trước mắt", ngắn hạn, không đảm bảo tính lâu dài và bền vững. Cần đẩy mạnh hơn và tuyên truyền đồng bộ các giải pháp khác như không sử dụng túi nilon, phân loại túi thải ngay tại nguồn, có các biện pháp xử lý rác thải phù hợp,… để trở thành ý thức, thói quen của Người dân. Đối với doanh nghiệp, cần phải quản lý siết chặt từ khâu nhập khẩu hạt nhựa; khuyến khích thu gom, mua lại túi, vỏ chai , hộp từ chính người tiêu dùng.

Đề xuất Tăng mức thuế tuyệt đối đối với túi nilon
Đề xuất Tăng mức thuế tuyệt đối đối với túi nilon

Câu 3:  Qua khảo sát của chúng tôi giá thành để mua 1 kg túi nilon ngoài thị trường lại thấp hơn chính mức thuế đánh vào nó (chỉ khoảng 40.000/1kg). Vậy rõ ràng đã có tình trạng thất thu thuế. Vậy theo ông, cùng với việc tăng thuế chúng ta cần phải có chế tài như thế nào để thực thi có hiệu quả?

Trả lời:

Giá thành để mua 1 kg túi nilon ngoài thị trường thấp hơn chính mức thuế bảo vệ môi trường đánh vào nó. Điều đó thể hiện có tình trạng trốn thuế bảo vệ môi trường đối với túi nilon. Do đó chúng ta cần phải có những chế tài để thực thi hiệu quả hơn. Theo đó, trước hết tăng cường các hoạt động giám sát và kiểm tra để đảm bảo rằng các doanh nghiệp và cá nhân đang tuân thủ các quy định về thuế bảo vệ môi trường đối với túi nilon. Điều này có thể bao gồm việc tổ chức các cuộc kiểm tra đột xuất tại các cơ sở sản xuất và các cửa hàng bán lẻ.

Bên cạnh đó cần xác định và áp dụng các hình phạt nghiêm ngặt đối với các cá nhân và doanh nghiệp vi phạm quy định về thuế bảo vệ môi trường. Các chế tài này có thể bao gồm việc áp dụng các hình phạt chính là phạt tiền với mức phạt hợp lý mang tính răn đe cũng như buộc truy thu các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm phải nộp đủ mức thuế đã trốn đóng. Các hình phạt bổ sung có thể áp dụng như cấm hoạt động kinh doanh, thu hồi giấy phép kinh doanh, buộc thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả.

Tham khảo thêm >> Dịch vụ tư vấn thuế

0/5 (0 Reviews)

Bài viết liên quan