Trong bối cảnh nền kinh tế thị trường, các nước luôn mong muốn có thể bảo vệ ngành sản xuất trong nước trước sức ép cạnh tranh đó, một trong những biện pháp thường được sử dụng đó là sử dụng biện pháp kiện bán phá giá và sau đó áp dụng các biện pháp chống bán phá giá đối với mặt hàng nhập khẩu khi mà những mặt hàng này tương tự sản phẩm trong nước chất lượng có thể tốt hơn và giá có thể rẻ hơn.
Điều VI Hiệp định chung về thuế quan và thương mại (GATT) không giải thích rõ về khái niệm bán phá giá nhưng thông qua quy định tại Hiệp định giải thích Điều VI GATT thì một sản phẩm sẽ bị coi là bán phá giá nếu như giá xuất khẩu của sản phẩm được xuất khẩu từ một nước này sang một nước khác thấp hơn mức giá có thể so sánh được của sản phẩm tương tự được tiêu dùng tại nước xuất khẩu theo các điều kiện thương mại thông thường.
Khi có căn cứ cho rằng một sản phẩm hàng hóa đang bị bán phá giá và có nguy cơ đe dọa gây thiệt hại hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng tới ngành sản xuất trong nước thì chính ngành sản xuất sản phẩm tương tự của nước nhập khẩu hay cơ quan có thẩm quyền của nước nhập khẩu sẽ có quyền gửi đơn khởi kiện.
Một vụ kiện bán phá giá sẽ được thực hiện theo quy trình cụ thể như sau: Khởi kiện, điều tra, kết luận, áp dụng biện pháp chống bán phá giá. Để đơn yêu cầu được chấp thuận thì ngành sản xuất trong nước phải đáp ứng những điều kiện sau:
Thứ nhất, cơ quan có thẩm quyền dựa trên cơ sở đánh giá mức độ ủng hộ hoặc phản đối với đơn yêu cầu của các nhà sản xuất sản phẩm tương tự trong nước, đã quyết định được rằng đơn đúng là được ngành sản xuất trong nước yêu cầu hoặc được yêu cầu thay mặt cho ngành sản xuất trong nước.
Thứ hai, đơn yêu cầu sẽ được coi là được yêu cầu bởi ngành sản xuất trong nước nếu như đơn này được ủng hộ bởi các nhà sản xuất chiếm tối thiểu 50% tổng sản lượng của sản phẩm tương tự được làm bởi các nhà sản xuất đã bày tỏ ý kiến tán thành đơn yêu cầu đó.
Việc điều tra sẽ không được bắt đầu nếu như các nhà sản xuất bày tỏ ý tán thành điều tra chiếm ít hơn 25% tổng sản lượng của sản phẩm tương tự được ngành sản xuất trong nước làm ra.
Dựa theo pháp lệnh chống bán phá giá hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam, thì cơ quan có thẩm quyền thụ lý đơn và điều tra bán phá giá chính là Bộ Công thương.