Đánh tráo khái niệm, dụ khách hàng "gửi tiền được ưu đãi gói chăm sóc sức khỏe"

Nội dung bài viết

Thời gian qua, xảy ra không ít vụ khách hàng tố ngân hàng nhập nhèm, đánh tráo khái niệm, dụ khách hàng "gửi tiền được ưu đãi gói chăm sóc sức khỏe" nhưng thực tế là mua bảo hiểm nhân thọ. Trong các trường hợp này, thường ngân hàng sẽ đưa ra chứng cứ rằng khách hàng có 21 ngày review hợp đồng nhưng không báo hủy và khách đã đọc hiểu toàn bộ nội dung trước khi ký, khiến khách hàng luôn bị đuối lý.

*Câu hỏi liên quan đến các vụ gửi tiền tiết kiệm "hóa" mua bảo hiểm:

1. Ở góc độ tư vấn pháp luật, ông có lời khuyên nào đối với khách hàng khi rơi vào hoàn cảnh trên?

Trả lời:

Theo Điều 35 Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 quy định về thời gian cân nhắc tham gia bảo hiểm như sau:

Đối với các hợp đồng bảo hiểm có thời hạn trên 01 năm, trong thời hạn 21 ngày kể từ ngày nhận được hợp đồng bảo hiểm, bên mua bảo hiểm có quyền từ chối tiếp tục tham gia bảo hiểm. Trường hợp bên mua bảo hiểm từ chối tiếp tục tham gia bảo hiểm thì hợp đồng bảo hiểm sẽ bị hủy bỏ, bên mua bảo hiểm được hoàn lại phí bảo hiểm đã đóng sau khi trừ đi chi phí hợp lý (nếu có) theo thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm; doanh nghiệp bảo hiểm không phải bồi thường, trả tiền bảo hiểm khi xảy ra sự kiện bảo hiểm.

Căn cứ theo quy định trên, bên mua bảo hiểm có thời hạn 21 ngày để đọc hợp đồng của mình. Do đó, bên mua nên cố gắng dành thời gian đọc kỹ hợp đồng. Trong 21 ngày này người mua có thể: thay đổi, bổ sung quyền lợi trong hợp đồng; tăng hoặc giảm mệnh giá hợp đồng bảo hiểm; chấm dứt hợp đồng.

Nếu bên mua bảo hiểm có chứng cứ chứng minh việc mình bị dẫn dụ, đánh tráo khái niệm và không biết mình mua bảo hiểm nhân thọ, bên mua có thể khởi kiện bên bán bảo hiểm ra tòa án nhân dân có thẩm quyền hoặc nếu có những bằng chứng chứng minh về hành vi lừa đảo, bên mua có thể tố cáo bên bán tới cơ quan công an để điều tra.

Tuy nhiên, để tránh gặp phải trường hợp nêu trên, người dân nên tìm hiểu về sản phẩm mà mình định mua. Xem xét cẩn thận các quy tắc và điều khoản của Hợp đồng trước khi ký bởi một hợp đồng có rất nhiều điều khoản, nếu người tham gia có thắc mắc hay không hiểu chỗ nào về điều khoản trong hợp đồng có thể hỏi chuyên viên tư vấn để làm rõ các vấn đề hơn. Bên cạnh đó, cần chú ý vào quyền lợi - nghĩa vụ của Bên mua và Bên bán như: bồi thường thiệt hại trong hợp đồng; nếu xảy ra tranh chấp thì công ty sẽ xử lý ra sao; người tham gia bảo hiểm sẽ được hưởng những quyền lợi như thế nào.

2. Vai trò của các cơ quan quản lý, cơ quan bảo vệ người tiêu dùng trong trường hợp này ra sao?

Trả lời:

Các chính sách quản lý nhà nước về kinh doanh bảo hiểm có vai trò quan trọng, đảm bảo cho quá trình hoạt động của doanh nghiệp đúng định hướng. Để bảo vệ quyền lợi người tham gia bảo hiểm, Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật Bảo vệ người tiêu dùng đã quy định cho doanh nghiệp bảo hiểm thực hiện như sau:

- Các quy tắc, điều khoản, biểu phí bảo hiểm do doanh nghiệp bảo hiểm xây dựng phải đảm bảo tuân thủ pháp luật, của Việt Nam; ngôn ngữ sử dụng trong quy tắc, điều khoản bảo hiểm phải chính xác, cách diễn đạt đơn giản, dễ hiểu, các thuật ngữ chuyên môn cần định nghĩa rõ trong quy tắc, điều khoản bảo hiểm; thể hiện rõ ràng, minh bạch quyền lợi có thể được bảo hiểm, đối tượng được bảo hiểm, phạm vi và các rủi ro được bảo hiểm, quyền lợi và nghĩa vụ của bên mua bảo hiểm, người được bảo hiểm, trách nhiệm của doanh nghiệp bảo hiểm.

- Hợp đồng bảo hiểm nhân thọ và các văn bản liên quan đính kèm hợp đồng bảo hiểm (sản phẩm bảo hiểm) được pháp luật quy định chặt chẽ về nội dung, hình thức, trình tự thủ tục và được Bộ Tài chính kiểm soát chặt chẽ để phê chuẩn trước khi thực hiện nhằm bảo vệ quyền lợi người tham gia bảo hiểm.

3. Trách nhiệm của ngân hàng và công ty bảo hiểm thế nào?

Trả lời:

Trách nhiệm của công ty bảo hiểm và ngân hàng trong việc thực hiện hợp đồng bảo hiểm:

- Giải thích cho bên mua bảo hiểm về các điều kiện, điều khoản bảo hiểm; quyền và nghĩa vụ của bên mua bảo hiểm, người được bảo hiểm và người hưởng thụ.

- Cấp cho bên mua bảo hiểm hợp đồng bảo hiểm và các giấy tờ liên quan sau khi ký kết hợp đồng bảo hiểm.

- Thực hiện quyền lợi cho bên mua bảo hiểm, người được bảo hiểm, người hưởng thụ trong khi xảy ra sự kiện bảo hiểm theo đúng quy định trong hợp đồng.

- Giải thích bằng văn bản pháp lý rõ ràng trong trường hợp từ chối chi trả bảo hiểm.

*Câu hỏi liên quan việc sang nhượng sổ tiết kiệm:

1. Gần đây, trên các mạng xã hội rộ lên việc sang nhượng các sổ tiết kiệm lãi suất cao. Hoạt động này có hợp pháp không thưa ông? Và cả người chuyển nhượng lẫn người nhận chuyển nhượng liệu sẽ phải đối mặt với những rủi ro nào?

Trả lời:

Theo Điều 14 Thông tư số 48/2018/TT-NHNN quy định về tiền gửi tiết kiệm có quy định về việc chuyển giao quyền sở hữu tiền gửi tiết kiệm như sau: Tổ chức tín dụng hướng dẫn người gửi tiền cách thực hiện chuyển giao quyền sở hữu tiền gửi tiết kiệm hợp pháp. Trường hợp sổ được chuyển nhượng theo thừa kế, đối tượng nhận sang tên cần đảm bảo là công dân Việt Nam (nếu là sổ gửi bằng đồng Việt Nam), hoặc công dân Việt Nam là người cư trú (nếu sổ gửi bằng ngoại tệ).

Trên các trang mạng xã hội, nhiều người đăng tin chuyển nhượng sổ tiết kiệm. Cả người chuyển nhượng lẫn người nhận chuyển nhượng có thể bị lừa đảo qua việc thực hiện chuyển nhượng ngoài ngân hàng thông qua các hình thức như: ký hợp đồng ủy quyền nhận tiền thay khi đến hạn vẫn tiềm ẩn rủi ro, vì bên ủy quyền có thể đơn phương chấm dứt hợp đồng ủy quyền hoặc bên bán sẽ yêu cầu chuyển khoản trước. Vì vậy cần lưu ý, chuyển nhượng sổ tiết kiệm phải được thực hiện tại chi nhánh/phòng giao dịch ngân hàng và phải đầy đủ các giấy tờ cần thiết của cả 3 bên: chủ cũ, chủ mới và ngân hàng chủ quản; và phải đọc kỹ quy định tại Thông tư 48/2018/TT-NHNN.

2. Việc mua bán lại sổ tiết kiệm như vậy sẽ ảnh hưởng ra sao đến hoạt động ngân hàng?

Trả lời:

Từ cuối quý IV/2022 và đầu quý I/2023, hệ thống ngân hàng xuất hiện cuộc đua lãi suất huy động, mức lãi suất 10-12%. Theo đó, rất nhiều người dân đi gửi tiết kiệm, thậm chí xuất hiện cả hiện tượng người tiêu dùng mặc cả lãi suất với ngân hàng. Việc dòng tiền tìm đến nơi có lãi suất cao khi gửi tiết kiệm hay đầu tư là điều rất bình thường. Tuy nhiên, vừa qua cơ quan quản lý đã có các động thái điều tiết việc huy động tiền gửi với lãi suất cao tại các ngân hàng. Mặt bằng lãi suất tiết kiệm theo đó cũng đã hạ nhiệt từ đó dẫn đến tình trạng nhiều người “rao bán” sổ tích kiệm trên các trang mạng xã hội. Nhưng vẫn rất nhiều người có nhu cầu mua lại các sổ tiết kiệm có lãi cao.

Có 2 hình thức các ngân hàng đang áp dụng, một là ủy quyền cho người khác nhận tiền khi đến hạn, hai là cho - tặng sổ tiết kiệm. Đối với hình thức ủy quyền, ông A có thể ủy quyền cho bà B rút tiền tại sổ tiết kiệm của mình (lãi suất giữ nguyên) nhưng bà B chỉ được sở hữu số tiền này khi đáo hạn sổ.

Trong khi đó, hình thức thứ 2, cho - tặng, quyền lợi của người nhận chuyển nhượng sẽ được đảm bảo và đầy đủ hơn.  Thực tế, thông tin thay thế chỉ là các thông tin cá nhân của chủ sở hữu, như vậy, chủ mới vẫn đạt được lợi ích về lãi suất mà thời hạn gửi thực tế cũng được rút ngắn.

Tuy nhiên, ngân hàng không quan tâm, xác minh thỏa thuận giữa hai bên là mua - bán mà chỉ thực hiện với hình thức cho - tặng, nhân viên giao dịch tại một ngân hàng cổ phần giải thích thêm. Như vậy, những tranh chấp về chuyện mua bán giữa chủ cũ và mới của sổ tiết kiệm, nếu có, sẽ không có sự xác nhận của ngân hàng.

Dù việc chuyển nhượng, mua bán có lợi cho cả 2 bên, người chuyển nhượng và nhận chuyển nhượng cần tuân thủ các quy định tại Thông tư 48/2018/TT-NHNN để tránh rủi ro.

Như đã phân tích ở trên, việc thực hiện ngoài ngân hàng thông qua các hình thức như ký hợp đồng ủy quyền nhận tiền thay khi đến hạn vẫn tiềm ẩn rủi ro vì bên ủy quyền có thể đơn phương chấm dứt hợp đồng ủy quyền. Lúc này, ngân hàng sẽ không có trách nhiệm giải quyết do việc chuyển nhượng không đúng quy định pháp luật.

Từ đó chúng ta thấy được việc mua bán lại sổ tiết kiệm như vậy sẽ không ảnh hưởng nhiều đến hoạt động ngân hàng bởi lẽ nó chỉ là giao dịch dân sự giữa chủ thể này với chủ thể khác, các quy định và quyền lợi của sổ tích kiệm tại ngân hàng vẫn được giữ nguyên. Điều quan trọng nhất chính là thỏa thuận giữa hai bên là mua – bán sổ tích kiệm sao cho đúng quy định của pháp luật.

3. Người dân cần lưu ý gì khi thực hiện sang nhượng sổ tiết kiệm?

Trả lời:

Một số lưu ý cho người dân khi thực hiện sang nhượng sổ tiết kiệm:

Thứ nhất, đảm bảo chủ sổ ký đúng chữ ký: Các bên liên quan cần ký đúng chữ ký để xác nhận quyền sở hữu. Đồng thời, với chủ mới, chữ ký này cần đúng với chữ ký ký khi đáo hạn.

Thứ hai, không giới hạn số lần chuyển nhượng: Hiện tại, NHNN chưa giới hạn số lần chuyển giao quyền sở hữu của thẻ tiết kiệm. Tuy nhiên, mỗi ngân hàng có thể có quy định khác nhau để đảm bảo an toàn tài khoản. Để xác định thông tin chính xác và an toàn, bạn hãy liên hệ với ngân hàng chủ quản qua các kênh chính thống: website, hotline, phòng giao dịch.

Thứ ba, lãi suất và thời gian đáo hạn không thay đổi so với sổ ghi nhận ban đầu: Một điểm đặc biệt của thủ tục này là giữ nguyên thời gian đáo hạn và lãi suất tiết kiệm huy động mà chủ sổ thỏa thuận với ngân hàng khi gửi tiền. Thực tế, thông tin thay thế chỉ là các thông tin cá nhân của chủ sở hữu. Như vậy, chủ mới vẫn đạt được lợi ích về lãi suất mà thời hạn gửi thực tế cũng được rút ngắn.

 

0/5 (0 Reviews)

Bài viết liên quan