Công ty mẹ giải thể thì công ty con có phải chịu trách nhiệm liên đới gì không?

Nội dung bài viết

Câu hỏi: Mình là Thắng, ở Hà Nội. Mình là giám đốc một công ty TNHH. Công ty mình là công ty con của công ty cổ phần X do công ty X sở hữu 51% vốn điều lệ hiện hành của công ty mình. Hiện nay công ty X do làm ăn thua lỗ dẫn đến tình trạng nợ nên có nguy cơ bị giải thể. Cho mình hỏi: Trong trường hợp công ty X giải thể thì công ty mình có phải chịu trách nhiệm liên đới gì không?

Luật sư tư vấn:

Công ty Luật TNHH SB LAW cảm ơn bạn đã quan tâm đến dịch vụ tư vấn pháp luật của chúng tôi. Liên quan đến thắc mắc của bạn, chúng tôi xin tư vấn như sau:

Khoản 1 Điều 189 Luật Doanh nghiệp 2014 quy định về công ty mẹ, công ty con như sau:

“1. Một công ty được coi là công ty mẹ của công ty khác nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Sở hữu trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần phổ thông của công ty đó;

b) Có quyền trực tiếp hoặc gián tiếp quyết định bổ nhiệm đa số hoặc tất cả thành viên Hội đồng quản trị, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc của công ty đó;

c) Có quyền quyết định việc sửa đổi, bổ sung Điều lệ của công ty đó."

Như vậy công ty sở hữu 51% vốn điều lệ của công ty bạn nên có thể hiểu công ty X là công ty mẹ. Mặc dù là công ty mẹ và công ty con nhưng về bản chất, công ty bạn và công ty X là hai thực thể pháp lý độc lập (đều có tư cách pháp nhân), có tài sản riêng, hạch toán tài chính riêng. Do đó trong trường hợp công ty X giải thể thì công ty bạn hoàn toàn không phải chịu bất kỳ trách nhiệm liên đới nào. Tuy nhiên việc công ty X giải thể sẽ ảnh hưởng đến tài sản công ty bạn, cụ thể là 51% vốn góp của công ty X vào công ty bạn. Lý do vì theo khoản 2 điều 201 Luật Doanh nghiệp 2014 thì:

"Doanh nghiệp chỉ được giải thể khi bảo đảm thanh toán hết các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác và doanh nghiệp không trong quá trình giải quyết tranh chấp tại Tòa án hoặc cơ quan trọng tài.”

Như vậy trong trường hợp công ty X giải thể thì có nghĩa vụ phải thanh toán các khoản nợ bằng tài sản của mình. Và 51% phần vốn góp của công ty X và công ty bạn cũng được coi là tài sản của công ty X để thanh toán các nghĩa vụ tài sản. Do công ty bạn là công ty TNHH nên việc xử lý phần vốn góp của công ty X căn cứ vào Khoản 3 Điều 54 Luật doanh nghiệp 2014:

“3. Phần vốn góp của thành viên được công ty mua lại hoặc chuyển nhượng theo quy định tại Điều 52 và Điều 53 của Luật này trong các trường hợp sau đây:

a) Người thừa kế không muốn trở thành thành viên;

b) Người được tặng cho theo quy định tại khoản 5 Điều này không được Hội đồng thành viên chấp thuận làm thành viên;

c) Thành viên là tổ chức đã giải thể hoặc phá sản”.

Như vậy công ty bạn có thể mua lại phần vốn góp của công ty X theo giá thỏa thuận giữa hai bên. Trong trường hợp không thỏa thuận được về giá thì có thể mua lại theo giá thị trường hoặc giá được định theo nguyên tắc quy định tại Điều lệ công ty. Công ty bạn sẽ được quyền ưu tiên mua lại phần vốn góp này của công ty X. Tuy nhiên trong trường hợp bạn không muốn mua lại phần vốn góp này thì công ty X có thể dùng phần vốn góp này để chuyển nhượng cho các chủ nợ nhằm thanh toán nghĩa vụ của mình.

0/5 (0 Reviews)

Bài viết liên quan