Luật sư NGUYỄN THANH HÀ – Chủ tịch Công ty Luật TNHH SB Law đã trả lời phỏng vấn về vấn đề quyền lợi các nhà đầu tư sẽ được đảm bảo như thế nào khi công ty chứng khoán bị ngắt giao dịch? trên Tạp chí kinh tế. Dưới đây là nội dung chi tiết:
Câu hỏi 1: Thưa luật sư, pháp luật Việt Nam có quy định cụ thể hướng dẫn những vụ việc tương tự trường hợp VNDirect bị hacker tấn công dẫn tới sự cố gián đoạn giao dịch của nhà đầu tư hay không ạ?
Trả lời:
Hiện nay, pháp luật Việt Nam chưa quy định cũng như hướng dẫn một cách cụ thể, rõ ràng về hướng giải quyết, thủ tục giải quyết, trách nhiệm của các bên trong những trường hợp tương tự. Song, khoản 5 Điều 302 Nghị định 155/2020/NĐ-CP quy định “Công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán có trách nhiệm thực hiện hoạt động ứng phó, khắc phục sự cố, sự kiện, biến động ảnh hưởng đến an toàn, ổn định và tính toàn vẹn của thị trường chứng khoán trong phạm vi liên quan đến hoạt động của đơn vị mình”; hay tại Khoản 4 Điều 11 của Thông tư 121/2020/TT-BTC quy định: “Công ty chứng khoán phải xây dựng kế hoạch dự phòng cho các tình huống khẩn cấp xảy ra nhằm đảm bảo tính liên tục trong hoạt động kinh doanh của công ty”.
Như vậy, có thể thấy rằng, việc bảo đảm tính liên tục cho hoạt động giao dịch chứng khoán cũng như xây dựng những kế hoạch dự phòng phục vụ cho những tình huống khẩn cấp nằm trên đôi vai của các công ty chứng khoán. Tuy nhiên, xác định trách nhiệm đến đâu và bồi thường như thế nào thì cần phải có một cuộc điều tra kỹ lưỡng về nguyên nhân xảy ra sự cố. Nếu sự cố này xảy ra do sự kiện bất khả kháng (theo quy định tại Điều 156 BLDS 2015) mà VNDirect không thể lường trước được và không thể khắc phục được thì việc bồi thường thiệt hại cần sự thương thảo thiện chí đến từ phía công ty và nhà đầu tư. Ngược lại, nếu nguyên nhân của sự cố là do phát sinh lỗi, thiếu trách nhiệm từ phía VNDirect, các nhà đầu tư hoàn toàn có thể đòi công ty bồi thường thiệt hại theo quy định pháp luật.
Câu hỏi 2: Tuy nhiên nhiều người lo lắng cho rằng rất khó để xác định trách nhiệm, bồi thường bao nhiêu, chứng minh thiệt hại như thế nào trong vụ việc của VNDirect. Những thiệt hại theo dạng “định mua” hoặc “định bán” không dễ để xác định giá trị thực tế?
Trả lời:
Việc xác định trách nhiệm bồi thường dựa trên những thiệt hại theo dạng “định mua” hoặc “định bán” là rất khó. Bởi lẽ, khi yêu cầu bồi thường, nhà đầu tư cần chứng minh và cung cấp bằng chứng rõ ràng về những thiệt hại mà họ phải chịu. Việc cung cấp hồ sơ giao dịch, báo cáo tài chính, chứng từ hay bất cứ thông tin nào khác liên quan đến thiệt hại gây ra bởi sự cố bảo mật hoặc không thể truy cập vào tài khoản là điều bắt buộc. Do đó, nếu khách hàng không có đủ khả năng cung cấp những bằng chứng, giấy tờ chứng minh cần thiết thì việc xác định trách nhiệm bồi thường thuộc về các công ty chứng khoán là rất khó khăn và thiếu cơ sở. Đây cũng có thể xem như là một bài học kinh nghiệm cho không chỉ các công ty chứng khoán, mà còn cho nhà đầu tư về khía cạnh tâm lý. Bởi lẽ, những trường hợp như vậy xảy ra nếu không phải do lỗi từ phía công ty chứng khoán, thì việc yêu cầu bồi thường thiệt hại gần như là không khả thi.
Chính vì thế, các nhà đầu tư nên giữ cho mình cái đầu lạnh trong mọi tình huống để tránh có những nhận định sai lầm, cũng như tâm lý đổ lỗi và những hành động, phát ngôn tiêu cực trên các phương tiện thông tin đại chúng, từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai các biện pháp khắc phục hậu quả từ phía công ty chứng khoán và các cơ quan liên quan, đồng thời không gây ảnh hưởng xấu cho thị trường.
Câu hỏi 3: Việc đảm bảo giao dịch thông suốt an toàn cho nhà đầu tư là trách nhiệm của các công ty tài chính, nên những sự cố bị ngắt kết nối như thế này vẫn phải có trách nhiệm của các đơn vị này?
Trả lời:
Luật chứng khoán 2019 đã có quy định về giải quyết tranh chấp và trách nhiệm bồi thường thiệt hại, cụ thể tại Điều 133: “1. Trường hợp quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân trong hoạt động về chứng khoán và thị trường chứng khoán bị xâm phạm hoặc có tranh chấp phát sinh trong hoạt động chứng khoán và thị trường chứng khoán tại Việt Nam thì việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp hoặc giải quyết tranh chấp được thực hiện thông qua thương lượng, hòa giải hoặc yêu cầu Trọng tài hoặc Tòa án Việt Nam giải quyết theo quy định của pháp luật; 2. Chủ thể xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân trong hoạt động về chứng khoán và thị trường chứng khoán mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, thực hiện các trách nhiệm dân sự khác theo thỏa thuận, theo quy định của Bộ luật Dân sự và quy định khác của pháp luật có liên quan; Thẩm quyền, thủ tục để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân hoặc giải quyết tranh chấp phát sinh trong hoạt động chứng khoán và thị trường chứng khoán được thực hiện theo quy định của pháp luật.”
Ngoài ra, các công ty chứng khoán thường cũng chủ động trong việc đưa ra những quy định về những trường hợp không chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại, ví dụ có thể kể đến như chính VNDirect. Theo điểm d, khoản 14, Điều 9 Các điều khoản và điều kiện giao dịch chứng khoán của VNDirect: “VNDIRECT không có trách nhiệm đối với [...] d. Bất kỳ khiếu nại, yêu cầu bồi thường nào của Khách hàng về thiệt hại gây ra bởi bất kỳ nguyên nhân nào ngoài tầm kiểm soát của VNDIRECT, bao gồm nhưng không giới hạn ở hỏa hoạn, thiên tai, trục trặc của các thiết bị cơ khí hoặc điện tử hoặc hệ thống hạ tầng công cộng, do lỗi của các bên cung cấp dịch vụ viễn thông/dịch vụ lưu trữ dữ liệu, chiến tranh, sự thay đổi về pháp luật, quy định hoặc yêu cầu của Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền/Cơ quan quản lý về chứng khoán.”
Có thể nhận thấy. trừ các trường hợp bất khả kháng như thiên tai, hỏa hoạn, chiến tranh, … thì các đơn vị kinh doanh chứng khoán sẽ phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho khách hàng. Do đó, để xác định xem đối với những trường hợp tương tự, trách nhiệm bồi thường thiệt hại có thuộc về các công ty chứng khoán hay không thì cần phải điều tra, xem xét kỹ lưỡng, từ đó đưa ra kết luận về việc sự cố xảy ra thuộc vào trường hợp bất khả kháng hay do lỗi chủ quan từ phía công ty chứng khoán đó.
Câu hỏi 4: Vụ hacker tấn công vào hệ thống giao dịch của VNDirect là sự cố ảnh hưởng rất lớn đến nhà đầu tư, khiến nhà đầu tư đánh mất cơ hội kiếm lời hay quản trị rủi ro trong trường hợp cổ phiếu giảm giá nên cũng có nhiều ý kiến cho rằng Cần xây dựng khung pháp lý bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư chứng khoán?
Trả lời:
Hiện nay, hành lang pháp lý liên quan đến việc bảo vệ nhà đầu tư là khá hoàn thiện, tuy nhiên, các quy định lại nằm rải rác trong nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác nhau và vẫn còn hiện tượng chồng chéo, thiếu sự thống nhất, đồng bộ. Đặc biệt là vẫn tồn tại một số vướng mắc giữa Luật Chứng khoán và các văn bản luật trong lĩnh vực kinh doanh, thương mại khác như Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật xử lý vi phạm hành chính… Hiện tại, ở Việt Nam, việc bảo vệ nhà đầu tư chủ yếu được thực hiện gián tiếp thông qua các quy định pháp luật về duy trì, đảm bảo trật tự của thị trường, chúng ta vẫn chưa có văn bản pháp luật riêng quy định về vấn đề bảo vệ nhà đầu tư. Ngoài ra, các quy định về xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực chứng khoán hiện nay khá nhẹ, tính răn đe không cao, không tương thích với những hậu quả mà hành vi vi phạm gây ra cho xã hội mà đặc biệt là cho các nhà đầu tư.
Trong thời gian tới, để có thể bảo vệ tốt hơn nữa quyền lợi của các nhà đầu tư nói riêng và đảm bảo hoạt động của thị trường chứng khoán diễn ra ổn định nói chung, nhà làm luật cần chú trọng hoàn thiện các quy định về quyền tiếp cận thông tin minh bạch và chính đáng của các nhà đầu tư; siết chặt các quy định về hoạt động của công ty chứng khoán; tăng cường công tác thanh tra và xử phạt vi phạm hành chính trong giao dịch chứng khoán với chế tài cao hơn; đồng thời bổ sung, cụ thể hóa các quy định pháp luật trong việc giải quyết tranh chấp trên thị trường chứng khoán.
Câu hỏi 5: Có kiến nghị cho rằng, cần thành lập 1 công ty để quản lý quỹ đền bù cho nhà đầu tư liên quan đến những rủi ro khách quan gây ra, chẳng hạn như trong quá trình giao dịch bị mất tiền hoặc gặp lỗi do hacker thì công ty sẽ đứng ra đền bù. Cũng giống như trong lĩnh vực ngân hàng có định chế là bảo hiểm tiền gửi thì trong chứng khoán cũng có một định chế như thế. Quan điểm của ông như thế nào về kiến nghị này?
Trả lời:
Trên thực tế, Hiệp hội các Nhà Đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) và các chuyên gia chứng khoán đã nhiều lần kiến nghị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho phép thành lập 1 công ty để quản lý quỹ đền bù cho nhà đầu tư. Tất nhiên, nhà đầu tư chứng khoán kinh doanh thua lỗ thì phải tự chịu trách nhiệm, nhưng có những rủi ro khách quan, chẳng hạn như trong quá trình giao dịch bị mất tiền hoặc gặp lỗi do hacker thì công ty quản lý quỹ sẽ đứng ra đền bù. Việc thành lập quỹ đền bù rủi ro này có thể được thực hiện bằng cách trích phí môi giới, cũng là tiền từ nhà đầu tư và do Ủy ban Chứng khoán Nhà nước quản lý.
Nhiều quốc gia trên thế giới đã thành lập các quỹ bảo vệ nhà đầu tư như Mỹ (thành lập công ty bảo vệ nhà đầu tư Chứng khoán - Securities Investor Protection Corporation - SIPC), Canada (Quỹ bảo vệ NĐT tại Canada – CIPF - Canadian Investor Protection Fund)… do đó có thể coi đây là một thông lệ phổ biến trên thế giới, Việt Nam cần tiếp thu, học hỏi kinh nghiệm hình thành và phát triển quỹ đền bù cho nhà đầu tư từ các nước khác để có thể xây dựng một tổ chức quản lý quỹ đền bù hỗ trợ cho các nhà đầu tư tại Việt Nam cho phù hợp.
Câu hỏi 6: Qua nghiên cứu của ông, trên thế giới họ giải quyết những vụ việc như chúng ta vừa đối mặt như thế nào?
Trả lời:
Các quốc gia phát triển đều có các cơ chế bảo vệ trực tiếp quyền lợi của nhà đầu tư chứng khoán như thiết lập quỹ bảo vệ nhà đầu tư, thành lập tổ chức bảo vệ nhà đầu tư để hạn chế những rủi ro không mong muốn trong nhiều trường hợp, không chỉ riêng trường hợp công ty chứng khoán bị hacker tấn công như đối với VNDirect.
Tại Mỹ - quốc gia có thị trường chứng khoán đặc biệt phát triển, đã có Công ty Bảo vệ Nhà đầu tư Chứng khoán (Securities Investor Protection Corporation - SIPC) là một tổ chức phi lợi nhuận, được thành lập theo Luật Bảo vệ nhà đầu tư năm 1970 của Mỹ. Theo đó, SIPC có trách nhiệm hoàn trả chứng khoán hoặc tiền cho nhà đầu tư trong trường hợp công ty môi giới và kinh doanh chứng khoán bị phá sản hoặc gặp khó khăn về tài chính và tài sản của nhà đầu tư bị mất. Nếu tiền trong tài khoản của khách hàng tại công ty không đủ để đáp ứng yêu cầu bồi thường theo những hạn mức nhất định, SIPC sẽ được dùng để bồi thường.
Thái Lan có thành lập Quỹ Bảo vệ Nhà đầu tư Chứng khoán Thái Lan (Securities Investor Protection Fund - SIPF) do Sở Giao dịch Chứng khoán Thái Lan (SET) thành lập với sự tham gia tự nguyện của các Công ty chứng khoán thành viên. SIPF thực hiện biện pháp bảo vệ nhà đầu tư khi nhà đầu tư không được nhận lại tài sản hay khoản bồi thường theo giá trị tài sản từ Công ty chứng khoán.
Hay như tại Trung Quốc, Quỹ Bảo vệ Nhà đầu tư Chứng khoán Trung Quốc (SIPF) được thành lập theo quy định tại văn bản “Các Biện pháp Quản lý Quỹ bảo vệ Nhà đầu tư Chứng khoán” do Quốc vụ viện Trung Quốc thông qua. Công ty Quản lý Quỹ Bảo vệ Nhà đầu tư có trách nhiệm giám sát rủi ro của công ty chứng khoán và tham gia vào việc giải quyết rủi ro của các công ty này; bồi thường cho nhà đầu tư theo quy định, trong trường hợp công ty chứng khoán phải tuân thủ các biện pháp cưỡng chế bắt buộc như giải thể, đóng cửa, phá sản…
Đa số các quốc gia đều đã từng gặp sự cố như chúng ta vừa đối mặt, hầu hết họ đều sử dụng các nguồn quỹ sẵn có để tiến hành đền bù, hỗ trợ các nhà đầu tư khi các công ty chứng khoán không thể chi trả đủ. Do vậy, Việt Nam cần nhanh chóng xây dựng một quỹ đền bù cho các nhà đầu tư để hạn chế thiệt hại trong trường hợp những sự cố như vừa rồi lại xảy ra.
Tham khảo >> Tư vấn tài chính ngân hàng