Công khai điểm thi trên mạng: Có xâm phạm quyền riêng tư?

Nội dung bài viết

Công khai điểm thi trên mạng: Có xâm phạm quyền riêng tư? Luật sư Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch Công ty Luật TNHH SB LAW đã trả lời về vấn đề này.

Câu hỏi:

Bắt đầu từ hôm nay, 6/7, điểm thi của hàng triệu thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp phổ thông trung học được Bộ Giáo dục và Đào tạo công khai trên mạng.

Biết điểm thi, kẻ cười người khóc. Cười thì không nói rồi, còn đối với những bạn điểm không được cao thì sao? Phải sống trong sự ê chề, sự dèm pha của xã hội, bạn bè, người thân…

Cho e hỏi chút về việc công khai điểm thi của tất cả các thí sinh trên toàn quốc. Có phải sự xâm phạm quyền riêng tư của công dân ở đây? Theo anh có nên công bố công khai điểm thi THPT trên mạng? để đảm bảo tính công khai minh bạch?

Luật sư trả lời:

Bắt đầu từ ngày 06/7, điểm thi của hàng triệu thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp phổ thông trung học được Bộ Giáo dục và Đào tạo công khai trên mạng, chỉ cần vào một số trang web, gõ họ tên đầy đủ hoặc nhập số báo danh của thí sinh là sẽ biết kết quả ngay lập tức. Cách làm này dù giúp minh bạch trong thi cử nhưng mặt khác lại xâm phạm quyền riêng tư, ảnh hưởng xấu đến tâm lý học sinh.

Những học sinh đã trên 16 tuổi, dù không còn là trẻ em nữa, những thông tin về điểm thi, kết quả học tập cũng cần được xem là bí mật đời tư, bí mật cá nhân, được tôn trọng và bảo vệ. Việc công bố công khai kết quả trên Internet và các phương tiện thông tin đại chúng không phù hợp.

Cụ thể, Điều 21 Hiến pháp năm 2013 quy định: “Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình; có quyền bảo vệ danh dự, uy tín của mình. Thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình được pháp luật bảo đảm an toàn”.

Theo đó, Điều 38 Bộ Luật Dân sự năm 2015 cũng quy định về Quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình. Khoản 11 Điều 6 Luật Trẻ em năm 2016 (học sinh dưới 16 tuổi vẫn tính là trẻ em) thì cụ thể hơn một chút, theo đó cấm “công bố, tiết lộ thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em mà không được sự đồng ý của trẻ em từ đủ 07 tuổi trở lên và của cha, mẹ, người giám hộ của trẻ em”.

Điều 33 Nghị định số 56/2017/NĐ-CP về hướng dẫn Luật Trẻ em thì quy định rất rõ:

Thông tin bí mật đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em là các thông tin về: tên, tuổi; đặc điểm nhận dạng cá nhân; thông tin về tình trạng sức khỏe và đời tư được ghi trong bệnh án; hình ảnh cá nhân; thông tin về các thành viên trong gia đình, người chăm sóc trẻ em; tài sản cá nhân; số điện thoại; địa chỉ thư tín cá nhân; địa chỉ, thông tin về nơi ở, quê quán; địa chỉ, thông tin về trường, lớp, kết quả học tập và các mối quan hệ bạn bè của trẻ em; thông tin về dịch vụ cung cấp cho cá nhân trẻ em.”

Tuy thí sinh kỳ thi THPT vừa qua không còn là trẻ em nữa nên không thuộc diện được Luật Trẻ em bảo vệ. Nhưng, nếu đã coi những thông tin trên thuộc về đời sống riêng tư của trẻ em thì không có lý do gì khi những đứa trẻ đó lớn lên nó không còn là riêng tư nữa.

Mặt khác, vi phạm quyền riêng tư hay không là vấn đề mang tính quy định của pháp luật. Nhưng về mặt tâm lý, con người, đặc biệt những thí sinh mới 18 tuổi, dễ tổn thương nếu đạt điểm thấp. Nhiều trường hợp học sinh bỏ nhà ra đi hoặc tệ hơn là tự tử, do bị tổn thương về tâm lý, vì xấu hổ với bạn bè, thầy cô, hàng xóm vì điểm thi thấp.

Theo tôi, có nhiều cách để tra cứu, không nhất thiết phải công khai. Cụ thể, mỗi thí sinh có mã số riêng, các em dùng mã đó để đăng nhập trang tra cứu của sở, bộ để kiểm tra kết quả.

 

0/5 (0 Reviews)

Tư vấn pháp lý

Liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ tư vấn 24/7

    Bài viết liên quan