Cổ phiếu hủy niêm yết: Trăn trở của các nhà đầu tư

Nội dung bài viết

Việc liên tục xuất hiện những mã cổ phiếu của doanh nghiệp lớn bị hủy niêm yết thời gian vừa qua khiến nhiều nhà đầu tư không tránh khỏi tâm lý hoang mang. Trong bài viết dưới đây, Công ty luật SBLAW có trích dẫn ý kiến của Luật sư Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch công ty luật SBLAW.

Loạt cổ phiếu bị hủy niêm yết

Chỉ trong tháng 11, hàng loạt mã cổ phiếu đã bị hủy niêm yết bắt buộc hoặc có nguy cơ bị hủy niêm yết trên sàn HoSE và HNX. Đáng chú ý nhất có lẽ là cổ phiếu IBC của Công ty CP Đầu tư Apax Holdings do ông Nguyễn Ngọc Thủy (Shark Thủy) làm chủ tịch đã bị Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE) thông báo hủy niêm yết bắt buộc vì vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ công bố thông tin.

Mới đây, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) cũng vừa có văn bản thông báo hủy giao dịch đối với cổ phiếu BLF của Cong ty CP Thủy sản Bạc Liêu. Theo HNX, trong 12 tháng qua, cổ phiếu BLF không phát sinh giao dịch, là trường hợp hủy bỏ niêm yết bắt buộc theo quy định tại điểm d khoản 1, Điều 120, Nghị định số 155/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 của Chính phủ.

Tương tự, HNX trước đó đã công bố quyết định hủy đăng ký giao dịch đối với 20 triệu cổ phiếu SGO của Công ty CP Dầu thực vật Sài Gòn kể từ ngày 10/11/2023 do công ty đã bị hủy tư cách công ty đại chúng kể từ ngày 2/10.

Bên cạnh những mã trên, không ít cổ phiếu khác đối mặt với nguy cơ bị huỷ niêm yết bắt buộc trong năm 2023 do ghi nhận kết quả kinh doanh thua lỗ 3 năm liên tiếp 2020, 2021, 2022 như SII của Công ty CP Hạ tầng nước Sài Gòn, HOT của Công ty CP Du lịch Dịch vụ Hội An, HVN của Vietnam Airlines, L35 của Công ty CP Cơ khí lắp máy Lilama…

Ngoài ra, còn nhiều trường hợp bị Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước thông báo huỷ tư cách công ty đại chúng như Công ty CP Đường sắt phía Nam (DPN), Công ty CP Thiết bị điện (THI), Công ty CP Cao su Đồng Phú – Đắk Nông (DPD) hay Công ty CP Sài Gòn Hỏa Xa (SHX)...

Thống kê từ đầu năm 2023 đến nay, có khoảng 23 doanh nghiệp bị hủy tư cách đại chúng vì nhiều lý do, chủ yếu là không đáp ứng được điều kiện của công ty đại chúng theo quy định, số khác là do bị thu hồi giấy đăng ký kinh doanh và sáp nhập doanh nghiệp.

Cổ phiếu hủy niêm yết - Trăn trở của các nhà đầu tư
Cổ phiếu hủy niêm yết - Trăn trở của các nhà đầu tư

Lời cảnh tỉnh cho các nhà đầu tư

Dù trường hợp cổ phiếu bị hủy niêm yết trên các sàn chứng khoán không còn là chuyện mới nhưng việc những mã chứng khoán của doanh nghiệp lớn bị hủy niêm yết đồng nghĩa với việc có nhiều nhà đầu tư lo lắng về số phận lượng cổ phiếu đang nắm giữ, như trường hợp cổ phiếu IBC.

Theo các chuyên gia, có 2 trường hợp xảy ra sau khi cổ phiếu bị hủy niêm yết. Với trường hợp cổ phiếu chuyển từ Sở giao dịch lớn (HoSE, HNX) xuống thị trường UPCoM thì cổ phiếu vẫn được đăng ký giao dịch để duy trì thanh khoản. Doanh nghiệp có cổ phiếu bị hủy niêm yết bắt buộc chỉ được đăng ký niêm yết trở lại sau khi giao dịch tối thiểu 2 năm trên UPCoM và thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của tổ chức niêm yết.

Với trường hợp cổ phiếu bị hủy niêm yết không chuyển sàn, nhà đầu tư rất khó để chuyển nhượng. Lúc này có 2 hình thức để bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư: công ty phát hành cổ phiếu phải bỏ tiền mua lại số cổ phiếu này; Ủy ban Chứng khoán Nhà nước sẽ yêu cầu chuyển cổ phiếu đó lên sàn giao dịch không chính thức hoặc thứ cấp để nhà đầu tư có thể tiếp tục bán cổ phiếu.

"Cổ phiếu bị hủy niêm yết không đồng nghĩa với việc không còn giá trị. Nhà đầu tư nên tìm hiểu hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp xem có khả năng phục hồi hay không", luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật SBLAW nhấn mạnh.

Cổ phiếu hủy niêm yết - Luat su Nguyen Thanh Ha
Luật sư Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch công ty luật SBLAW

Do đó, để hạn chế rủi ro khi tham gia thị trường, các chuyên gia khuyến nghị nhà đầu tư cá nhân nên trang thị thêm kiến thức, hiểu biết về thị trường và nền tảng doanh nghiệp. Theo đó, quyết định mua, bán cổ phiếu cần dựa trên 3 yếu tố: uy tín của lãnh đạo doanh nghiệp, triển vọng ngành nghề và cơ hội chung trên thị trường. Đây là cơ sở để nhà đầu tư cộng hoặc trừ phần trăm giá trị cổ phiếu theo mức độ quan tâm thị trường.

Cụ thể, nhà đầu tư cần cẩn trọng trong việc lựa chọn công ty, xem xét khả năng tuân thủ chặt chẽ các quy định của pháp luật nói chung, tuân thủ quy định về công bố thông tin nói riêng cũng như cần tìm hiểu thông tin ý thức tuân thủ pháp luật của những người điều hành công ty (chủ tịch, tổng giám đốc) nhằm đánh giá uy tín của công ty và quản trị rủi ro trong việc đầu tư.

"Sự công khai, minh bạch trong công bố thông tin và ý thức tuân thủ pháp luật nên là những tiêu chí quan trọng khi nhà đầu tư lựa chọn công ty để đầu tư bên cạnh các tiêu chí về kết quả kinh doanh, tiềm năng tăng trưởng", ông Nguyễn Kim Long, Giám đốc Luật và Kiểm soát Tuân thủ, Chứng khoán SSI lưu ý.

Theo quy định, cổ phiếu của một công ty đại chúng sẽ bị hủy niêm yết nếu kết quả sản xuất – kinh doanh bị thua lỗ trong 3 năm liên tục, hoặc tổng số lỗ luỹ kế vượt quá số vốn điều lệ thực góp, hoặc vốn chủ sở hữu âm trong báo cáo tài chính kiểm toán năm gần nhất trước thời điểm xem xét, theo quy định tại Điều 120 thuộc Nghị định 155/2020 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chứng khoán.

Cổ phiếu của một công ty cũng sẽ bị huỷ niêm yết nếu công ty phát sinh một trong các vi phạm: chậm nộp báo cáo tài chính 3 năm liên tiếp; công ty bị tổ chức kiểm toán từ chối hoạt động kiểm toán báo cáo tài chính năm gần nhất; công ty niêm yết vi phạm nghiêm trọng việc công bố thông tin quan trọng, chẳng hạn như thông tin liên quan đến hoạt động, kinh doanh, phát hành chứng khoán của đơn vị; công ty niêm yết làm hồ sơ giả, thông tin sai lệch nghiêm trọng.

0/5 (0 Reviews)

Tư vấn pháp lý

Liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ tư vấn 24/7

    Bài viết liên quan