ANTD.VN - Liên quan đến việc sửa đổi Bộ luật Hình sự 2015, về quy định trẻ từ 14 đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự thêm 3 tội: Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác; tội hiếp dâm và tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản, hiện có nhiều ý kiến trái chiều. Về vấn đề này, bài viết dưới đây có trích dẫn ý kiến của luật sư Phạm Duy Khương - Công ty Luật SBLAW.
Có thể gây “bùng nổ” tội phạm?
Nhóm quan điểm thứ nhất cho rằng, người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng mà không phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm ít nghiêm trọng và tội phạm nghiêm trọng đối với 3 tội danh trên.
Đồng tình với quan điểm này, luật sư Phạm Duy Khương - Giám đốc Công ty Luật SBLAW phân tích, việc tăng nặng hình phạt không đồng nghĩa với việc tội phạm sẽ giảm. Bởi trên thực tế, với các tội danh về ma túy hay giết người, dù án phạt đã ở mức cao nhất nhưng tội phạm ở các tội danh này vẫn tăng. Bên cạnh đó, trẻ em dưới 16 tuổi còn chưa hoàn thiện về nhận thức và thể chất.
Trẻ em phạm tội có rất nhiều nguyên nhân, trong đó có một phần không nhỏ thuộc về gia đình, nhà trường và cả xã hội. Việc mở rộng xử lý hình sự những đối tượng này có thể gây ra tình trạng “bùng nổ” tội phạm, đặc biệt là với tội cố ý gây thương tích. “Các tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe cho người khác nhưng ít nghiêm trọng đang diễn ra ở nhiều nơi, trong đó có tình trạng bạo lực học đường.
Lý do chính xuất phát từ công tác giáo dục, việc quản lý mạng internet… còn nhiều hạn chế. Hay với tội hiếp dâm nhưng ít nghiêm trọng là do một số em chưa nhận thức đầy đủ về hành vi này, đặc biệt là ở những khu vực mà nạn tảo hôn vẫn diễn ra khá phổ biến. Do vậy, nếu hình sự hóa hết các hành vi này là chưa hợp lý”, luật sư Phạm Duy Khương phân tích.
Còn dưới góc độ tâm lý, Tiến sỹ tâm lý Hoàng Cẩm Tú cho rằng, đặc điểm tâm sinh lý lứa tuổi người chưa thành niên là đang trong quá trình phát triển, hoàn thiện về thể chất và tinh thần nên phần lớn họ chưa tự làm chủ được bản thân, dễ bị lôi kéo, kích động tham gia vào những việc làm sai trái, vi phạm pháp luật.
Khi đó, nếu không có định hướng, uốn nắn kịp thời từ gia đình và nhà trường thì nguy cơ phạm tội là khá cao. Ngoài ra, một số trẻ phạm tội sinh ra và lớn lên trong gia đình có hoàn cảnh éo le, bố mẹ buông lỏng quản lý nên các em quen với lối sống tự do, buông thả, dễ đi vào con đường phạm tội… Vì vậy, việc mở rộng xử lý hình sự đối với nhóm đối tượng này là chưa thỏa tháng.
Xử lý nghiêm là cần thiết
Trái ngược với quan điểm trên, một số người cho rằng cần giữ nguyên quy định của BLHS năm 2015: Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi ngoài việc phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng thì còn phải chịu trách nhiệm hình sự về cả tội phạm ít nghiêm trọng và tội phạm nghiêm trọng đối với 3 tội: Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác; tội hiếp dâm và tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản. Bởi thời gian gần đây, tội phạm đang trẻ hóa với tính chất và mức độ ngày càng nghiêm trọng nên phải nghiêm trị để răn đe.
Về quan điểm này, luật sư Hoàng Huy Được - Phó chủ nhiệm Đoàn Luật sư Hà Nội cho biết, các đối tượng phạm tội có độ tuổi từ 14 đến dưới 16 tuổi ngày càng tăng, phần lớn phạm vào các tội có sử dụng vũ lực, xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe và tài sản của người khác. Đây là những đối tượng đang trong giai đoạn phát triển, dễ manh động, song hiểu biết về pháp luật chưa đầy đủ. Nếu không có biện pháp mạnh về mặt pháp luật thì nhóm đối tượng này có thể gây ra những hậu quả vô cùng nặng nề.
Còn với tội hiếp dâm, do đây là hành vi đồi bại, để lại hậu quả lâu dài đối với nạn nhân nên người phạm tội cần bị xử lý nghiêm. Tuy vậy, trong quá trình xử lý cần xem xét hoàn cảnh, nhân thân người phạm tội để áp dụng mức hình phạt tương xứng, phù hợp đảm bảo “đúng người, đúng tội”.
Nguồn: http://m.anninhthudo.vn/doi-song/co-nen-phat-nang-tre-vi-thanh-nien-pham-toi-nghiem-trong/723878.antd