CƠ CHẾ TỰ CHỨNG NHẬN XUẤT XỨ HÀNG HÓA VÀ HỆ LỤY

Nội dung bài viết

Luật sư Nguyễn Thanh Hà – Chủ tịch công ty luật SB Law đã có phần trả lời trên chương trình Kinh doanh và Pháp luật VTV2 về vấn đề tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa. Nội dung cụ thể như sau:

1. Thưa Luật sư, tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa là cơ chế mang lại nhiều thuận lợi cho DN, tuy nhiên, thực tế cho thấy, DN chưa thực sự mặn mà với cơ chế này. Theo Ông, vì sao?

Trả lời:

Tự chứng nhận xuất xứ được hiểu đơn giản là cơ chế cho phép nhà xuất khẩu được tự chứng nhận xuất xứ cho sản phẩm của mình mà không phải đi xin chứng nhận xuất xứ từ một cơ quan có thẩm quyền cấp chứng nhận xuất xứ.

Tại Việt Nam, đây là cơ chế chứng nhận xuất xứ mới bởi trước đây doanh nghiệp đều phải xin chứng nhận xuất xứ tại một cơ quan có thẩm quyền do Nhà nước chỉ định.

Từ 05/10/2015, danh nghiệp có thể tự chứng nhận xuất xứ hàng hoá (C/O) mẫu D khi xuất khẩu sang Lào, Philippines, Indonesia và Thái Lan, thay vì phải đi xin cấp C/O như hiện nay.

Bộ Công Thương vừa ban hành Thông tư số 28/2015/TT-BCT quy định việc thực hiện thí điểm tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa theo Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN.

Điều 25 Nghị định số 31/2018/NĐ-CP quy định chi tiết luật quản lý ngoại thương về xuất xứ hàng hóa có quy định về tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa như sau:

Thực hiện Điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc gia nhập, căn cứ quy định của nước nhập khẩu về tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa, Bộ Công Thương quy định tiêu chí lựa chọn thương nhân; quy trình, thủ tục tự chứng nhận xuất xứ; nghĩa vụ và trách nhiệm của thương nhân tự chứng nhận xuất xứ; cơ chế kiểm tra, xác minh việc tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa xuất khẩu của thương nhân và chế tài xử lý vi phạm.

Hiện Việt Nam đang tham gia rất nhiều các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) mà trong đó yêu cầu đầu tiên là áp dụng cơ chế tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa. Đáng chú ý là từ năm 2019, doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa sang EU phải tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa mới được hưởng chế độ ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP). Đây là yêu cầu bắt buộc của EU đối với một số nước, trong đó có Việt Nam.

Cơ chế tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa giúp các doanh nghiệp tiết kiệm thời gian, chi phí đi xin giấy chứng nhận xuất xứ ở cơ quan có thẩm quyền; chủ động trong chuẩn bị giấy tờ, thủ tục liên quan đến chứng nhận xuất xứ. Tuy nhiên, hiện nay nhiều doanh nghiệp chưa thực sự mặn mà với cơ chế này là bởi:

Thứ nhất, để được tự chứng nhận, doanh nghiệp phải đáp ứng một số tiêu chí, do các quy định đưa ra quá chặt do đó có những doanh nghiệp không đủ tiêu chuẩn để được tự chứng nhận xuất xứ. Ví dụ như: Theo quy định tại Điều 4 Thông tư số 28/2015/TT-BCT (được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư số 19/2020/TT-BCT) quy định Thương nhân đáp ứng các điều kiện sau đây có thể đề nghị được tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa:

  • Là nhà xuất khẩu đồng thời là nhà sản xuất;
  • Không vi phạm quy định về xuất xứ hàng hóa trong 02 năm gần nhất tính đến thời điểm nộp hồ sơ đăng ký tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa.
  • Có cán bộ được đào tạo về xuất xứ hàng hóa do đơn vị đào tạo đã được Bộ Công Thương hoặc được Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) chỉ định.

Thứ hai, khi áp dụng vào quy định của quy tắc xuất xứ thì có nhiều vấn đề rất phức tạp đòi hỏi doanh nghiệp hoặc người đứng ra tự chứng nhận xuất xứ phải có hiểu biết sâu rộng quy định về quy tắc xuất xứ mới có thể vận dụng được tất cả những quy tắc xuất xứ đó. Nhiều doanh nghiệp e ngại do ngại chứng từ (nếu không chuẩn) sẽ không được Hải quan các nước nhập khẩu chấp nhận và không được hưởng ưu đãi.

Thứ ba, các văn bản pháp lý liên quan đến tự chứng nhận xuất xứ hàng hoá và đặc biệt vấn đề doanh nghiệp đang rất quan tâm là điều kiện như thế nào thì doanh nghiệp đủ điều kiện để tự đứng ra chứng nhận xuất xứ hàng hoá còn hạn chế, chưa được tuyên truyền, phổ biến để các doanh nghiệp có nhận thức đầy đủ và sâu rộng hơn về quy tắc xuất xứ hàng hoá.

2. Phải chăng độ mở của cơ chế này khiến cho tình trạng gian lận xuất xứ ngày càng tăng như hiện nay, thưa Ông? Hệ lụy của việc gian lận xuất xứ là gì, theo Ông?

Trả lời:

Mặc dù cơ chế tự chứng nhận xuất xứ có nhiều ưu điểm hơn so với cơ chế xin cấp chứng nhận xuất xứ truyền thống. Tuy nhiên, khi áp dụng cơ chế này lại có thể khiến phát sinh rủi ro như khả năng gian lận thương mại về xuất xứ hàng hóa, chuyển tải bất hợp pháp qua Việt Nam, mượn xuất xứ Việt Nam để hưởng ưu đãi, cũng như gian lận thương mại hàng nhập khẩu từ các nước khác vào Việt Nam cũng có thể xảy ra. Khi đó trách nhiệm nặng nề thuộc về hải quan trong việc kiểm tra, kiểm soát các C/O được tự chứng nhận xuất xứ.

Việc gian lận xuất xứ hàng hóa sẽ vô tình làm các đối tác nghi ngờ và thực hiện các biện pháp phòng vệ đối với hàng nhập khẩu từ Việt Nam, từ đó ảnh hưởng tiêu cực tới hoạt động xuất khẩu của hàng hóa từ Việt Nam.

Theo đó, có thể dẫn đến nguy cơ hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam bị các nước điều tra, áp thuế chống bán phá giá, thuế tự vệ, thuế trợ cấp ở mức cao. Bên cạnh đó, hàng hóa của Việt Nam còn có nguy cơ mất uy tín trên thị trường quốc tế ảnh hưởng nghiêm trọng đến doanh nghiệp Việt trên trường quốc tế cũng như trong nước.

0/5 (0 Reviews)

Tư vấn pháp lý

Liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ tư vấn 24/7

    Bài viết liên quan