Tác giả Huệ Linh - Ngọc Bảo trong bài viết “ Chịu thiệt vì... không mua bảo hiểm ”, được đăng trên An ninh thủ đô ngày 9/3/2012 có ý kiến đóng góp của Thạc sỹ, luật sư Nguyễn Thanh Hà, chủ tịch, luật sư điều hành Công ty luật S&B (S&B Law).
(ANTĐ) - Thời gian qua, mặc dù những thiệt hại về người và tài sản do thiên tai, mưa bão gây ra là khá lớn song đối tượng bị thiệt hại lại phải mất khá nhiều công sức và thời gian cho việc đòi bồi thường.
Khó xác định nguyên nhân
Theo các công ty bảo hiểm, để khắc phục hư hỏng của xe cơ giới bị ngập nước, mỗi xe ít nhất phải mất 5 triệu đồng, có xe lên đến hàng trăm triệu đồng. Nếu các xe chỉ mua bảo hiểm vật chất xe thông thường, hỏng do ngập nước đơn thuần thì hãng chỉ trả toàn bộ chi phí thuê cứu hộ, vệ sinh, dọn dẹp nội thất xe, thay thế lọc dầu, lọc gió, dầu mỡ hoặc thay thế các bộ phận bị hư hỏng.
Nhiều chủ xe mua bảo hiểm vật chất xe cơ giới đã yêu cầu được các công ty bảo hiểm giải quyết quyền lợi, song vấn đề này lại vướng mắc ở nguyên nhân gây hư hỏng. Hiện tại, sản phẩm bảo hiểm vật chất xe cơ giới chỉ đền bù trong trường hợp xe bị thiệt hại do nguyên nhân khách quan nên đã nảy sinh những bất đồng giữa người mua bảo hiểm và công ty bảo hiểm.
Nhiều xe ô tô bị hư hỏng nặng do cây đổ vào
Ngoài ra, không ít chủ xe gắn máy đã mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự đối với chủ xe gắn máy do không hiểu cặn kẽ về hợp đồng bảo hiểm đã khăng khăng yêu cầu đơn vị bảo hiểm đền bù thiệt hại khi xe của họ bị hư hỏng do ngập nước hay cây đổ vào. Trong khi đó, sản phẩm bảo hiểm này không đền bù cho những thiệt hại về vật chất xe. Hiện trên thị trường bảo hiểm cũng có sản phẩm bảo hiểm vật chất xe gắn máy, và khi mua sản phẩm này, người mua sẽ được doanh nghiệp bảo hiểm đền bù khi xe gắn máy của bị hư hỏng do thiên tai, mưa lũ. Song hầu hết người dân đều không quan tâm đến loại loại bảo hiểm này.
Theo Luật sư Nguyễn Thanh Hà - Giám đốc Công ty TNHH Luật S&B, khi khách hàng đòi bồi thường, các hãng bảo hiểm cần phân tích rõ thế nào là lỗi cố tình hay vô ý. Tuy vậy, việc bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng trong những trường hợp như thế này còn rất mập mờ. Ngay cả khái niệm thế nào là có thể kiểm soát và không thể kiểm soát cũng cần được làm rõ. Tùy từng trường hợp, cũng cần phải xét đâu là nguyên nhân chủ quan, đâu là nguyên nhân khách quan. Với loại hợp đồng bảo hiểm xe cơ giới đã ký kết, công ty bảo hiểm sẽ bồi thường cho những trường hợp xảy ra sự cố bất ngờ không thể lường trước được như đâm va, lật đổ, hỏa hoạn, những tai họa bất khả kháng do thiên nhiên như bão, lũ lụt, động đất, mưa đá… mất xe và một số rủi ro bất ngờ khác.
Nỗi khổ do… cây đổ
Với những trường hợp bị thiệt hại về người và tài sản do bị cây xanh đổ vào, theo quy định tại Điều 626 Bộ luật Dân sự năm 2005, chủ sở hữu phải bồi thường thiệt hại do cây cối đổ, gãy gây ra, trừ trường hợp thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi của người bị thiệt hại hoặc do trường hợp bất khả kháng. Tuy vậy việc xác định chủ sở hữu đối với cây xanh đường phố là rất phức tạp. Thời gian qua, hầu hết các trường hợp người tham gia giao thông bị cây xanh đường phố gãy đổ đè vào gây thiệt hại đến tài sản đều do các Công ty bảo hiểm đền bù do chủ các phương tiện này đã mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự, bảo hiểm thân vỏ xe.
Còn trường hợp không mua bảo hiểm thì chủ phương tiện phải tự gánh chịu thiệt hại. Anh Nguyễn Xuân Hùng ở thị trấn Cầu Diễn, Từ Liêm, Hà Nội than thở: “Tuần trước, khi tôi đang điều khiển xe máy trên đường thì trời nổi cơn giông kèm theo mưa rất to. Tôi chưa kịp dừng lại thì bị một cành cây khô ven đường rơi vào người. Tỉnh lại tôi thấy tay mình bị gãy, khắp người sây sát, xe máy thì hư hỏng nặng. Tôi làm đơn gửi công ty bảo hiểm nơi tôi mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự thì được trả lời là xe của tôi không thuộc diện được bồi thường. Còn thương tích trên người tôi cũng chẳng biết bắt đền ai vì đó là… cây công cộng”…
Ông Nguyễn Xuân Hưng - Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH Nhà nước một thành viên công viên cây xanh Hà Nội cho biết, hiện Công ty được thành phố giao nhiệm vụ quản lý duy trì hàng chục nghìn cây bóng mát các loại, được trồng trên các tuyến phố, công viên. Để hạn chế thấp nhất những trường hợp thiệt hại do cây xanh gãy, đổ gây ra, năm nào, công ty cũng cắt sửa tán, tỉa cành trước mùa mưa bão. Nhưng do mưa xuống, đất quanh gốc cây nhão, cộng với cây nặng tán và khi làm mới, tu sửa đường, mở rộng vỉa hè… lực lượng thi công đã cắt xén bớt rễ cây, nên khi có mưa là cây bị bật gốc, gãy đổ. Chỉ riêng tính mấy cơn mưa đầu mùa trong cuối tháng 5 đầu tháng 6 vừa qua đã khiến hàng chục cây bị đổ, gẫy và nhiều trường hợp gây thiệt hại đến tài sản của người dân. Mặc dù theo quy định của Bộ Luật dân sự, chủ sở hữu cây xanh phải bồi thường song chủ thể cây xanh đường phố là nhà nước.
Công ty chỉ là đơn vị được thành phố giao duy trì, quản lý cắt tỉa, sửa cây xanh. Đến thời điểm hiện tại, chưa có văn bản nào quy định Công ty phải bồi thường và Công ty cũng chưa bồi thường cho trường hợp nào bị thiệt hại do cây đổ gãy gây ra. Mặc dù vậy, Công ty đã có dự tính mua bảo hiểm tai nạn do cây xanh đường phố nhưng hiện đề nghị này chưa được chấp thuận.
Trong khi chờ Nhà nước có các quy định cụ thể thì trước tình trạng thiên tai bão lũ ngày càng gia tăng và có diễn biến phức tạp, mỗi người dân hãy chủ động bảo vệ tài sản và tính mạng của mình bằng cách lựa chọn những loại hình bảo hiểm phù hợp, hạn chế tình trạng bị thiệt hại bởi những tai nạn “từ trên trời rơi xuống”…
Lưu ý khi đi đường trời mưa
Đối với ô tô: Nên giữ bình tĩnh, đừng đạp phanh gấp hay tăng ga mạnh, cẩn trọng từng bước hướng bánh lái theo chiều muốn đi. Đi xe trong trời mưa nên giảm tốc độ vì đường ướt, độ ma sát lốp kém hơn, đồng thời nếu chạy với tốc độ vừa phải bạn sẽ dễ dàng phát hiện và tránh vật cản kịp thời và nên tránh xa các vũng nước sâu hoặc vũng bùn, đặc biệt là khi bạn không biết độ sâu bao nhiêu.
Đối với xe máy: Để tránh tai nạn đáng tiếc, lái xe cần cho xe chạy chậm, quan sát kỹ trước khi chuyển hướng, cả qua gương chiếu hậu và trực tiếp quan sát trước sau. Đặc biệt, cả lái xe ô tô và xe máy cần lưu ý khi trời mưa, khoảng cách từ điểm phanh đến khi xe dừng lại hẳn có thể tăng gấp đôi so với bình thường nên lái xe cần phanh sớm hơn bình thường, nhưng tránh phanh gấp. Một trong những nguyên nhân gây cản trở tầm nhìn và gây tai nạn là chiếc áo mưa. Do vậy, người lái xe máy nên mặc áo mưa rời, để dễ điều khiển xe, mở rộng tầm quan sát.
Đối với người đi bộ: Tránh trú mưa dưới gốc cây và đi vào khu vực có công trình đang thi công hoặc nơi có những vật treo trên cao… Đặc biệt, các hộ gia đình ở tầng cao cần tránh để chậu cảnh, vật nặng… ở lan can mà không chằng buộc kỹ, đề phòng trường hợp khi có gió, mưa to những vật này sẽ rơi xuống người đi đường, gây tai nạn.
Ông Dương Đình Thắng
(Nguyên kỹ sư Vụ An toàn giao thông - Bộ GTVT)
(sblaw.vn theo anninhthudo)