Chỉ nên tạm hoãn xuất cảnh cá nhân nợ thuế từ 100 triệu đồng hay doanh nghiệp nợ hơn 1 tỷ đồng

Nội dung bài viết

Theo Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty luật SB Law, cơ quan thuế có thể áp dụng biện pháp như không cho xuất hóa đơn và phong tỏa tài khoản ngân hàng. Vì vậy, chỉ nên áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh các cá nhân nợ thuế lớn trên 100 triệu đồng hay doanh nghiệp nợ hơn 1 tỷ đồng.

Mới đây, Cục Thuế Thanh Hóa cũng đã có văn bản đề nghị hoãn xuất cảnh đối với hàng chục giám đốc, người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp vì nợ thuế kéo dài.

Tại TP HCM, trong vòng một tháng qua, các chi cục hải quan thuộc cũng đã ra quyết định liên quan đến việc tạm hoãn xuất cảnh đối 12 cá nhân là đại diện pháp luật của doanh nghiệp do nợ thuế.

Báo cáo thường kỳ tháng 5 của Bộ Tài chính phát đi ngày 1/6 cho biết những trường hợp này không phải cá biệt. Theo đó, tạm hoãn xuất cảnh là "một biện pháp cứng rắn" nhằm cảnh báo, nâng tính tuân thủ pháp luật của người dân, đảm bảo hoàn thành nghĩa vụ với ngân sách nhà nước .

Bàng hoàng khi bị tạm xuất cảnh

Cuối tháng 5 vừa qua, Cục Thuế tỉnh Thanh Hóa đã có văn gửi Cục Quản lý xuất nhập cảnh, Bộ Công an về việc ông Tào Quốc Tuấn (sinh năm 1958), nơi cư trú hiện nay phường 2, TP Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu bị tạm hoãn xuất cảnh từ ngày 27/5.

Nguyên nhân do Chi Nhánh Công ty TNHH Xây dựng và sản xuất vật liệu xây dựng Bình Minh tại Thanh Hoá do ông Tuấn là người đại diện pháp luật thuộc trường hợp đang bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế.

Tuy vậy, khi trao đổi với chúng tôi, ông Tuấn rất "bàng hoàng" do không hề nhận được thông tin tạm hoãn xuất cảnh từ các cơ quan chức năng, mà đọc được từ các trang báo điện tử.

“Tôi chưa nhận được thông báo chính thức từ các cơ quan chức năng, nhưng tôi đã ngồi làm việc với Cục thuế tỉnh Thanh Hóa. Họ đã xác nhận đã đăng tin đó trên trang của đơn vị và báo chí lấy thông tin từ đó ra”, ông Tuấn chia sẻ.

Về nguyên nhân nợ thuế, ông Tuấn cho biết, tình hình kinh doanh gặp nhiều khó khăn dẫn đến thua lỗ, trong khi liên tục phải trả lãi vốn vay ngân hàng khiến doanh nghiệp không có nguồn tiền để thanh toán thuế kịp thời.

Ông cho rằng, trong khi chủ trương của Đảng và Chính phủ là đồng hành và hỗ trợ doanh nghiệp, thì khi doanh doanh nghiệp gặp khó khăn chậm nộp thuế nên có giải pháp hài hòa để hỗ trợ. Cụ thể, cơ quan chức năng có thể đưa ra một khoảng thời gian để doanh nghiệp khắc phục hoặc quy định tiền phạt nộp chậm thay vì thông báo tạm xuất cảnh rộng rãi thì để ảnh hưởng đến uy tín của doanh nghiệp.

“Cục thuế Thanh Hóa thông báo như vậy làm ảnh hưởng vô cùng lớn đến chúng tôi. Không những ảnh hưởng đến uy tín của người đứng đầu doanh nghiệp mà còn gây thiệt hại vô cùng lớn đến hình ảnh và thương hiệu doanh nghiệp. Có những hợp đồng, dự án đang thực hiện, đối tác đọc được thông tin thì đã quyết định chấm dứt hợp đồng”, ông Tuấn lo lắng.

Nhìn nhận vấn đề này, TS. Nguyễn Minh Thảo, Trưởng Ban nghiên cứu Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cho biết, trong quy định của Luật thuế, nếu người nộp thuế còn nợ thuế thì có thể áp dụng một trong các biện pháp tạm hoãn xuất cảnh.

Tuy nhiên, thời gian gần, biện pháp này đã và đang được áp dụng quá tràn lan và có thể tùy hứng đưa ra quy định này và gây ra hệ lụy lớn.

Cụ thể, theo bà Thảo, đối với những khoản nợ thuế lớn, sau nhiều lần thông báo mà người nộp thuế không thực thực hiện thì mới áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh. Song trên thực tế, có tình trạng doanh nghiệp có nợ thuế, thậm chí với số tiền rất nhỏ, các cơ quan thuế đã đưa ra áp dụng lệnh hoãn xuất cảnh đối với đại diện doanh nghiệp có nợ thuế.

Điều này “vô hình chung” đã nhìn nhận doanh nghiệp thực thi không đúng pháp luật, gây ảnh hưởng rất lớn đến uy tín, thương hiệu cũng như là hợp đồng quan hệ đối tác của doanh nghiệp.

“Việc hình sự hóa quan hệ kinh tế chỉ từ hoạt động nộp thuế mà không có tiêu chí rõ ràng về mức nợ thuế vô hình chung đã làm ảnh hưởng đến cơ hội đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp”, bà Thảo nhìn nhận.

Chỉ nên tạm hoãn xuất cảnh cá nhân nợ thuế từ 100 triệu đồng hay doanh nghiệp nợ hơn 1 tỷ đồng
Chỉ nên tạm hoãn xuất cảnh cá nhân nợ thuế từ 100 triệu đồng hay doanh nghiệp nợ hơn 1 tỷ đồng

Cần phải có phân loại tiêu chí

Theo bà Thảo, sau những năm COVID-19 và những biến động thị trường, việc doanh nghiệp tồn tại đến nay là một nỗ lực vượt khó. Do đó, việc đưa ra các biện pháp với tạm hoãn xuất cảnh đối với các chủ doanh nghiệp còn nợ thuế đã và đang làm trầm trọng hóa và nặng nề hơn tâm lý và động lực kinh doanh của doanh nghiệp.

Vì vậy, thời gian tới, ngành thuế cần thận trọng hơn khi áp dụng biện pháp này và cần phải có phân loại tiêu chí đối với người nộp thuế là bao nhiêu tiền và trong bao nhiều lần thông báo nộp thuế thì mới áp dụng biện pháp này.

“Trong nhiều trường hợp doanh nghiệp vô tình không nắm được thông tin như vậy và cơ quan thuế có thể giúp cho doanh nghiệp tuân thủ tốt hơn nếu như áp dụng các biện pháp khác như thông báo, nhắc nhở hoặc các biện pháp khác mang tính nội bộ để doanh nghiệp tuân thủ tốt hơn”, bà Thảo nhấn mạnh.

Đồng tình với quan điểm này, Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty luật SB Law cho rằng, trước mắt cơ quan thuế nên đề xuất mức nợ thuế khi áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh như một cá nhân nợ thuế trên 100 triệu đồng hay doanh nghiệp nợ hơn 1 tỷ đồng.

Luật sư Nguyễn Thanh Hà - Tạm hoãn xuất cảnh cá nhân nợ thuế
Luật sư Nguyễn Thanh Hà - Tạm hoãn xuất cảnh cá nhân nợ thuế

Về lâu dài, cơ quan thuế có thể xem xét và đánh giá tác động của biện pháp này đến cộng đồng doanh nhân - doanh nghiệp, xem có ảnh hưởng gì đến người đại diện pháp luật, có trái gì với các tinh thần Nghị quyết của Chính phủ về việc khuyến khích, động viên cộng đồng doanh nghiệp phát triển hay không?

“Trong bối cảnh tình hình kinh tế tương đối khó khăn, nhiều doanh nghiệp không muốn chây ì nộp thuế mà do điều kiện khó khăn không có khoản chỉ đối với việc nộp thuế thì chúng ta cần xem xét lại có nên đưa biện pháp này vào trong luật quản lý thuế hay không. Nếu mà áp dụng như hiện nay thì coi như tước quyền tự do đi lại của cá nhân, và ảnh hưởng đến hình ảnh của doanh nghiệp”, ông Hà quan ngại.

Ông Hà cũng cho rằng, trên thực tế, cơ quan thuế luôn cũng theo sát doanh nghiệp, những doanh nghiệp nào trong diện nợ thuế thì cán bộ thuế luôn quyết liệt nhắc nhở và có nhiều thông báo.

Sau đó, nếu doanh nghiệp không thực hiện, cơ quan thuế có thể áp dụng biện pháp khác như không cho xuất hóa đơn và phong tỏa tài khoản ngân hàng, nếu mà tiền về ngân hàng có thể cưỡng chế thuế. Thậm chí, phạt hành chính với việc chậm nộp thuế thì rất là cao.

"Đây là những biện pháp đủ để yêu cầu doanh nghiệp tuân thủ quy định pháp luật chứ không nên áp dụng các biện pháp tạm hoãn xuất cảnh như gần đây", ông Hà nêu quan điểm.

Nguồn: https://vietnambiz.vn/chi-nen-tam-hoan-xuat-canh-ca-nhan-no-thue-tu-100-trieu-dong-hay-doanh-nghiep-no-hon-1-ty-dong-20246813470232.htm

Tham khảo thêm >> Dịch vụ tư vấn thuế

0/5 (0 Reviews)

Bài viết liên quan