CÂU CHUYỆN HUỶ NIÊM YẾT DOANH NGHIỆP

Nội dung bài viết

Thưa quý vị và các bạn trước câu chuyện có nên hủy niêm yết đối với cổ phiếu của CTCP HAGL, đang có nhiều ý kiến trái chiều đặc biệt là quan điểm liên quan đến lỗ hổng pháp lý hiện nay đang tạo cơ hội cho các doanh nghiệp như trường hợp HAGL không phải hủy niêm yết.

Vậy câu chuyện này nên hiểu ra sao và liệu án hủy niêm yết có thích hợp cho HAGL?

Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai - VPF

Câu 1: Trong những trường hợp nào doanh nghiệp sẽ bị hủy niêm yết trên sàn chứng khoán?

LS Nguyễn Thanh Hà:

Việc chấp nhận giấy đăng ký niêm yết cổ phiếu mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp cũng như nhà đầu tư. Tuy nhiên, vì nhiều lý do khác nhau mà các Công ty được niêm yết trên sàn chứng khoán không còn đáp ứng đủ các điều kiện niêm yết như ban đầu, do đó, để bảo vệ quyền lợi cho các nhà đầu tư, đảm bảo tính ổn định cho thị trường chứng khoán, Chính phủ đã quy định về việc hủy bỏ niêm yết bắt buộc.

Cụ thể, theo quy định tại Khoản 1 Điều 120 Nghị định 155/2020/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật chứng khoán, cổ phiếu của công ty đại chúng bị hủy bỏ niêm yết khi xảy ra một trong các trường hợp sau đây:

- Tổ chức niêm yết hủy tư cách công ty đại chúng theo thông báo của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước;

- Tổ chức niêm yết ngừng hoặc bị ngừng các hoạt động sản xuất, kinh doanh chính từ 01 năm trở lên;

- Tổ chức niêm yết bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Giấy phép hoạt động trong lĩnh vực chuyên ngành;

- Cổ phiếu không có giao dịch tại Sở giao dịch chứng khoán trong thời hạn 12 tháng;

- Cổ phiếu không đưa vào giao dịch trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày Sở giao dịch chứng khoán chấp thuận đăng ký niêm yết;

- Kết quả sản xuất, kinh doanh bị thua lỗ trong 03 năm liên tục hoặc tổng số lỗ luỹ kế vượt quá số vốn điều lệ thực góp hoặc vốn chủ sở hữu âm trong báo cáo tài chính kiểm toán năm gần nhất trước thời điểm xem xét;

- Tổ chức niêm yết chấm dứt sự tồn tại do tổ chức lại, giải thể hoặc phá sản;

- Tổ chức kiểm toán không chấp nhận thực hiện kiểm toán hoặc có ý kiến kiểm toán trái ngược hoặc từ chối cho ý kiến đối với báo cáo tài chính năm gần nhất của tổ chức niêm yết hoặc có ý kiến kiểm toán ngoại trừ đối với báo cáo tài chính năm trong 03 năm liên tiếp;

- Tổ chức niêm yết vi phạm chậm nộp báo cáo tài chính năm trong 3 năm liên tiếp;

- Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Sở giao dịch chứng khoán phát hiện tổ chức niêm yết giả mạo hồ sơ niêm yết;

- Tổ chức niêm yết bị xử lý vi phạm về các hành vi bị nghiêm cấm quy định tại các khoản 1, 2, 3, 7 Điều 12 Luật Chứng khoán;

- Tổ chức niêm yết bị đình chỉ hoạt động hoặc cấm hoạt động đối với ngành nghề hoặc hoạt động kinh doanh chính;

- Không đáp ứng điều kiện niêm yết do sáp nhập, tách doanh nghiệp và các trường hợp cơ cấu lại doanh nghiệp; hoặc sau khi hoàn thành các hoạt động sáp nhập, tách doanh nghiệp và các trường hợp cơ cấu lại doanh nghiệp nhưng không thực hiện thủ tục đăng ký niêm yết, đề nghị xem xét lại điều kiện niêm yết hoặc thay đổi đăng ký niêm yết trong thời hạn quy định;

- Tổ chức niêm yết vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ công bố thông tin, không hoàn thành nghĩa vụ tài chính với Sở giao dịch chứng khoán và các trường hợp khác mà Sở giao dịch chứng khoán hoặc Ủy ban Chứng khoán Nhà nước xét thấy cần thiết phải hủy niêm yết nhằm bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư.

Câu 2: Vừa qua, nổi cộm lên câu chuyện nên hay không hủy niêm yết với cổ phiếu HAG của CTCP HAGL, theo ông, có nên tạo tiền lệ cho doanh nghiệp được thử thách hay không? Việc cho phép doanh nghiệp thử thách liệu có tạo tiền lệ xấu? Bởi khi bị hủy niêm yết HAG vẫn có thể giao dịch trên UPCoM.

LS Nguyễn Thanh Hà:

Trong thời gian qua, nổi cộm lên vấn đề HAGL có thể bị hủy niêm yết trên sàn chứng khoán do thua lỗ trong 03 năm liên tiếp. Tuy nhiên, sau khi bị hủy niêm yết, HAGL vẫn có thể tiến hành giao dịch trên sàn UPCoM. Đứng trước nguy cơ bị hủy niêm yết, HAGL kiến nghị ủy Ban chứng khoán Nhà nước, Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam và Sở Giao dịch Chứng khoán Tp.Hồ Chí Minh cho phép HAGL áp dụng điều kiện thử thách là nếu kết quả kinh doanh bán niên và cả năm 2022 không có lãi thì hãy xem xét huỷ niêm yết.

Việc HAGL đứng trước nguy cơ bị hủy niêm yết dẫn đến đến tình trạng sẽ có rất nhiều nhà đầu tư bán cổ phiếu HAG trước khi mã này chính thức bị hủy niêm yết. Điều này sẽ tạo ra một đợt giảm giá rất mạnh của cổ phiếu HAG trên thị trường chứng khoán. Việc giảm giá này dẫn đến việc thua lỗ của nhà đầu tư đang nắm giữ, từ đó ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả đầu tư của các cổ đông.

Theo quy định của pháp luật, HAGL sẽ bị huỷ niêm yết bắt buộc cho kết quả kinh doanh giai đoạn 2017-2019. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại đã là năm 2022, nếu quy định không nêu rõ về trường hợp hồi tố huỷ niêm yết kết quả kinh doanh thì không nên huỷ niêm yết cổ phiếu của HAGL ở thời điểm hiện tại. Cùng với đó, doanh nghiệp đang phát triển tốt lên, kinh doanh có lãi, một vài tháng tới hay năm tới doanh nghiệp lại đủ điều kiện niêm yết, buộc phải niêm yết lại sẽ dẫn tới sự rắc rối không cần thiết, ảnh hưởng tới tâm lý đầu tư. Quy định huỷ niêm yết có mục tiêu là không để "con sâu làm rầu nồi canh", ảnh hưởng xấu tới thị trường; huỷ để các mã cổ phiếu xấu, không đủ điều kiện vẫn huy động được vốn, ảnh hưởng tới quyền lợi của cổ đông, nhà đầu tư. Hiện nay, tình hình kinh doanh của HAGL đang dần phục hồi, do đó, việc hủy niêm yết cần được cân nhắc kỹ.

Bên cạnh đó, theo quy định hiện hành, sau khi hủy niêm yết, các doanh nghiệp sẽ tự động được đăng ký giao dịch trên sàn UPCoM để duy trì thanh khoản cổ phiếu. Thế nhưng cổ phiếu có thanh khoản hay không hoàn toàn phụ thuộc vào khả năng hồi phục của doanh nghiệp. Một khi doanh nghiệp đã cạn về tài chính, khả năng hoạt động không hiệu quả thì đưa lên sàn UPCoM chẳng khác gì thêm “rác” vào sàn này.

Nguyễn Thanh Hà - Công ty luật SB Law - Luật sư, Tư vấn luật, Văn phòng  luật Hà Nội

Luật sư Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch công ty luật SBLaw

Câu 3: Việc huỷ niêm yết cổ phiếu một doanh nghiệp sẽ ảnh hưởng ra sao tới cổ đông và doanh nghiệp thưa ông?

LS Nguyễn Thanh Hà:

Việc huỷ niêm yết này sẽ làm giảm về mức độ uy tín của doanh nghiệp trên thị trường, đồng thời khiến doanh nghiệp mất đi một lượng nhà đầu tư sẵn sàng đầu tư vào công ty trong một khoảng thời gian.

Đặc biệt, bị ảnh hưởng nhiều nhất là các cổ đông khi đã đặt kỳ vọng vào kết quả kinh doanh của doanh nghiệp để “xuống tiền’ đầu tư. Trước thông tin bị huỷ niêm yết, giá cổ phiếu của doanh nghiệp sẽ có dấu hiệu sụt giảm, khiến đang có lãi trở thành lỗ. Trong trường hợp của HAGL, nếu bị huỷ niêm yết tại HOSE thì cổ phiếu HAG của HAGL vẫn còn lựa chọn giao dịch trên UPCoM, về lý thuyết thì các nhà đầu tư không mất đi quyền lợi gì vì vẫn có thể tiếp tục giao dịch mã cổ phiếu này. Tuy nhiên, vì sự uy tín của HAGL sẽ giảm sau sự việc này, tính thanh khoản của cổ phiếu cũng sẽ bị hạn chế ít nhiều khiến các nhà đầu tư khó bán ra với giá mong muốn. Các nhà đầu tư có thể phải chịu lỗ để thu hồi vốn đầu tư hoặc phải đợi rất lâu để cổ phiếu có lãi trở lại.

Câu 4: Theo ông, hiện các quy định pháp lý đã đủ chặt chẽ để bảo vệ quyền lợi cổ đông cũng như các nhà đầu tư tương lai chưa, thưa ông?

LS Nguyễn Thanh Hà:

Hiện nay các quy định pháp luật tương đối rõ ràng tuy nhiên thiếu sự chặt chẽ. Qua các sự việc xảy ra đối với thị trường chứng khoán trong thời gian vừa rồi đã cho thấy, quyền lợi của các cổ đông cũng như các nhà đầu tư tương lai chưa thực sự được bảo đảm.

Các doanh nghiệp sẵn sàng gây ra sai phạm, cố tình vi phạm các quy định về chứng khoán để trục lợi vì tính toán được án phạt sẽ chỉ là con số nhỏ so với lợi ích mình đạt được. Bên cạnh đó, việc công bố thông tin của các doanh nghiệp niêm yết cũng chưa thực sự minh bạch. Các cơ quan quản lý chưa thực sự giám sát chặt chẽ tình hình để kịp thời đưa ra các văn bản cảnh báo khiến các nhà đầu tư không nắm được thông tin chính xác trước khi mua hay bán cổ phiếu.

Bản chất của đầu tư chứng khoán đã tiềm ẩn nhiều rủi ro hơn so với việc gửi tiết kiệm ngân hàng, do đó cần có quy định nghiêm minh cùng với các đơn vị giám sát, thực hiện quy định đó chặt chẽ, chính xác hơn, không chỉ đảm bảo sự “trong sạch” của thị trường mà còn để bảo vệ quyền lợi của người tham gia.

Câu 5: Ông có đề xuất hay khuyến nghị như thế nào để giải quyết các trường hợp như HAG và để tránh các trường hợp tương tự xảy ra trong tương lai thưa ông?

LS Nguyễn Thanh Hà:

Việc các doanh nghiệp tính toán, xem xét và thay đổi Báo cáo tài chính trong các năm cũ không phải điều gì xa lạ. Tuy nhiên với trường hợp của HAGL do khi thay đổi đã dẫn tới BCTC trong 3 năm liên tiếp từ 2017-2019 đều thể hiện việc thua lỗ nên mọi người lo sợ cổ phiếu HAG sẽ bị huỷ niêm yết theo quy định tại điểm e Khoản 1 Điều 120 Nghị định 155/NĐ-CP ngày 31/12/2020. Theo tôi điều khoản này không thể áp dụng được trong trường hợp của HAGL vì theo quy định tại khoản 12 Điều 310 của Nghị định này thì việc xử lý huỷ niêm yết phải được áp dụng từ ngày 01/01/2022. Tuy nhiên câu trả lời cuối cùng đều phải đến từ các cơ quan có thẩm quyền.

Theo thông tin từ báo chí thì thông tin HAGL thua lỗ 3 năm liên tiếp đã được công bố từ tháng 3/2021, như vậy mặc dù đã hơn 10 tháng nhưng các cơ quan chức năng không có động thái cảnh báo nhà đầu tư việc có huỷ niêm yết cổ phiếu này hay không cũng là vấn đề cần lưu tâm. Như đã bày tỏ ý kiến ở trên thì các cơ quan có thẩm quyền cần phải thúc đẩy việc giám sát một cách toàn diện, chặt chẽ hơn nhằm thông báo đến các nhà đầu tư về những thông tin ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán thay vì xử lý chậm chạp khiến nhiễu loạn thông tin như hiện nay.

Ngoài ra, như đã nói ở trên, thị trường chứng khoán là một kênh đầu tư rất “khốc liệt” và không thể đảm bảo 100% lãi như việc gửi tiết kiệm ngân hàng, do đó nhà đầu tư cần phải trang bị kiến thức cũng như kỹ năng khi tham gia, đồng thời giữ vững sự tỉnh táo trước những thông tin mập mờ, chưa được kiểm chứng.

0/5 (0 Reviews)

Bài viết liên quan