Cảnh báo sớm xu hướng điều tra phòng vệ thương mại

Nội dung bài viết

Tính đến nay, đã có 271 vụ việc điều tra phòng vệ thương mại từ 25 thị trường và vùng lãnh thổ điều tra đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam. Trong đó, đứng đầu là các vụ điều tra chống bán phá giá (148 vụ việc), tiếp đó là các vụ việc tự vệ (54 vụ việc), chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại (39 vụ việc) và chống trợ cấp (30 vụ việc). Theo Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương), điều tra phòng vệ thương mại đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam tăng nhanh về số lượng vụ việc điều tra, đặc biệt là chống lẩn tránh.  Bên cạnh đó, thị trường điều tra ngày càng mở rộng. Hầu hết các thị trường xuất khẩu truyền thống lớn đều đã khởi xướng điều tra phòng vệ thương mại đối với Việt Nam. Ngoài ra số vụ việc do các nước ASEAN tiến hành cũng tăng nhanh, hay Mexico cũng bắt đầu điều tra do việc thực thi các FTA dẫn đến xuất khẩu của ta tăng mạnh, cạnh tranh với ngành sản xuất nội địa của nước nhập khẩu.

Luật sư Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch công ty luật SBLAW tham dự buổi toạ đàm "Cảnh báo sớm xu hướng điều tra phòng vệ thương mại" trên sóng truyền hình VTC để bàn luận về vấn đề trên.

MC: Xin hỏi đại diện chuyên gia pháp lý Nguyễn Thanh Hà, phòng vệ thương mại có 3 công cụ (chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ). Thì biện pháp nào chủ yếu các DN Việt Nam hay bị áp phải? Và đến nay, năng lực chống chịu của DN xuất khẩu Việt đang đến đâu theo nhìn nhận của ông?

Luật sư Nguyễn Thanh Hà:

Trong 3 công cụ (chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ) thì hiện nay Chống bán phá giá là biện pháp mà các doanh nghiệp Việt Nam thường xuyên phải đối mặt nhất. Điều này được thể hiện qua các số liệu thống kê của Liên đoàn thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI):

Tính đến hết tháng 10/2024, đã có 267 vụ việc điều tra phòng vệ thương mại từ 25 thị trường và vùng lãnh thổ điều tra đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam. Trong đó, đứng đầu là các vụ điều tra chống bán phá giá (146 vụ việc), tiếp đó là các vụ việc tự vệ (54 vụ việc), chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại (38 vụ việc) và chống trợ cấp (29 vụ việc).

Có thể thấy đây chính là thách thức lớn đối với các doanh nghiệp xuất khẩu hàng hoá của Việt Nam.

Hiện nay, năng lực chống chịu của các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam trước các biện pháp phòng vệ thương mại đang dần được nâng cao. Cụ thể, doanh nghiệp ngày càng nhận thức rõ hơn về tầm quan trọng của việc chủ động phòng tránh và ứng phó với các vụ kiện phòng vệ thương mại. Hơn thế nữa, Nhà nước và các tổ chức trực thuộc cũng có nhiều hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp, bao gồm cung cấp thông tin, tư vấn pháp lý và đào tạo về phòng vệ thương mại. Qua nhiều vụ việc. doanh nghiệp đã tích lũy được một số kinh nghiệm trong việc ứng phó với các vụ kiện, từ việc thu thập chứng cứ đến việc thuê luật sư chuyên nghiệp.

Tuy nhiên, bên cạnh những điểm tích cực, vẫn tồn tại nhiều thách thức dành cho các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam. Tới nay, nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa, vẫn còn thiếu thông tin và kiến thức chuyên sâu về pháp luật và quy định liên quan đến phòng vệ thương mại. Việc tham gia vào các vụ kiện phòng vệ thương mại đòi hỏi nguồn lực tài chính và nhân sự đáng kể, điều này gây khó khăn cho nhiều doanh nghiệp. Và sự phối hợp giữa các doanh nghiệp trong cùng ngành và với các cơ quan chức năng đôi khi còn chưa chặt chẽ, ảnh hưởng đến hiệu quả ứng phó.

Nhìn chung, năng lực chống chịu của doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam đang dần được cải thiện, nhưng vẫn cần tiếp tục được nâng cao. Việc chủ động phòng tránh, trang bị kiến thức và kỹ năng, cũng như tăng cường sự phối hợp là rất quan trọng để doanh nghiệp có thể ứng phó hiệu quả với các thách thức từ phòng vệ thương mại.

Cảnh báo sớm xu hướng điều tra phòng vệ thương mại - SBLAW
Cảnh báo sớm xu hướng điều tra phòng vệ thương mại - SBLAW

MC: Về việc các thị trường mới áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại, 2 khách mời có ý kiến gì?

Luật sư Nguyễn Thanh Hà:

Các thị trường mới áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại có thể là một thách thức đối với các DN xuất khẩu Việt Nam. Mặc dù các quốc gia này có thể chưa áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại mạnh mẽ như các thị trường lớn, nhưng việc họ bắt đầu áp dụng biện pháp này cho thấy sự tăng trưởng của nền kinh tế và năng lực bảo vệ sản xuất trong nước của họ.

Các quốc gia có thể sử dụng phòng vệ thương mại như một công cụ để bảo vệ sản xuất trong nước hoặc đối phó với các trường hợp cạnh tranh không lành mạnh.

Một số thị trường có thể áp dụng các biện pháp này với lý do bảo vệ ngành công nghiệp nội địa hoặc phòng chống gian lận thương mại.

Do đó, các DN xuất khẩu Việt Nam cần chú ý đến sự thay đổi trong chính sách phòng vệ thương mại ở các thị trường mới này. Điều này đòi hỏi DN phải nâng cao nhận thức và chuẩn bị chiến lược để đối phó, bao gồm việc xây dựng quan hệ thương mại bền vững và tìm hiểu kỹ về quy định của các quốc gia đối tác.

Các DN xuất khẩu Việt Nam cần chủ động tìm hiểu các biện pháp phòng vệ thương mại mà các thị trường mới áp dụng. Việc hiểu rõ các quy định và yêu cầu của những thị trường này sẽ giúp DN có sự chuẩn bị tốt hơn khi tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

DN cần tập trung vào việc nâng cao chất lượng sản phẩm, tính minh bạch trong quá trình sản xuất, và tìm kiếm các cơ hội thương mại bền vững thay vì chỉ dựa vào giá thành.

Luật sư Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch công ty luật SBLAW 32
Luật sư Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch công ty luật SBLAW

MC: Thưa Luật sư Hà, chúng tôi được biết, khi tư vấn cho khách hàng là doanh nghiệp đối mặt với các vụ kiện phòng vệ thương mại, điều đầu tiên mà ông hay tư vấn cho DN là những gì, thưa ông?

Trả lời:

Khi tư vấn cho doanh nghiệp đối mặt với các vụ kiện phòng vệ thương mại, điều đầu tiên cần làm là giúp họ hiểu rõ bối cảnh và tính chất của vụ kiện. Đây thường là thời điểm doanh nghiệp cảm thấy hoang mang, nên việc giải thích rõ ràng loại biện pháp phòng vệ mà họ đang đối mặt, như chống bán phá giá hay chống trợ cấp, cùng những tác động cụ thể lên hoạt động kinh doanh, là rất cần thiết. Qua đó, doanh nghiệp không chỉ hiểu vấn đề mà còn chuẩn bị tâm thế để xử lý các tình huống phát sinh.

Bước tiếp theo là hỗ trợ doanh nghiệp rà soát toàn bộ dữ liệu kinh doanh, từ chi phí sản xuất, giá bán, đến hợp đồng và báo cáo tài chính. Ở Việt Nam, việc quản lý và lưu trữ thông tin ở nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, còn nhiều hạn chế. Vì vậy, việc hướng dẫn cách thu thập và chuẩn bị tài liệu một cách nhất quán, đầy đủ luôn được chú trọng. Việc này không chỉ giúp trả lời các câu hỏi điều tra mà còn thể hiện tính minh bạch và sự chuyên nghiệp trước cơ quan điều tra.

Sau khi dữ liệu được chuẩn bị, cần phối hợp để xây dựng chiến lược ứng phó phù hợp. Ví dụ, với các vụ kiện chống bán phá giá, doanh nghiệp thường phải chứng minh giá thành sản phẩm của mình là hợp lý và không gây thiệt hại cho ngành sản xuất tại nước khởi kiện. Trong một số trường hợp, việc phối hợp với hiệp hội ngành nghề hoặc sự hỗ trợ từ Cục Phòng vệ Thương mại (Bộ Công Thương) cũng rất hữu ích, giúp doanh nghiệp định hướng tốt hơn và bảo vệ quyền lợi chung của ngành.

Đối với các vụ kiện diễn ra ở nước ngoài, việc phối hợp với luật sư quốc tế hoặc chuyên gia địa phương thường là lựa chọn cần thiết. Điều quan trọng là tham gia đầy đủ vào quá trình điều tra, vì bất kỳ sự thiếu sót nào trong việc cung cấp thông tin cũng có thể dẫn đến những quyết định bất lợi, như áp thuế cao hoặc hạn chế xuất khẩu.

Dù thách thức lớn, mỗi vụ kiện cũng là cơ hội để doanh nghiệp nhìn lại mình, cải thiện quy trình quản lý nội bộ, xây dựng chiến lược bền vững hơn và nâng cao năng lực cạnh tranh. Trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng, việc đối mặt và vượt qua các vụ kiện phòng vệ thương mại không chỉ bảo vệ lợi ích ngắn hạn mà còn tạo nền tảng cho sự phát triển lâu dài.

Luật sư Nguyễn Thanh Hà tại trường quay VTC - SBLAW
Luật sư Nguyễn Thanh Hà tại trường quay VTC

MC: Khi có một vụ việc xuất hiện, ta cần làm gì? Và cần kêu gọi ntn sự phối hợp của Bộ chuyên ngành như Bộ Công Thương?

Trả lời:

Khi xuất hiện một vụ việc liên quan đến phòng vệ thương mại, các doanh nghiệp cần tham vấn ý kiến từ các luật sư hoặc chuyên gia pháp lý có kiến thức chuyên sâu và kinh nghiệm để đảm bảo xử lý đúng quy định pháp luật và hoàn tất các thủ tục cần thiết. Đồng thời, doanh nghiệp cần chuẩn bị sẵn sàng các dữ liệu tài chính, sản xuất và bán hàng một cách chi tiết, minh bạch, nhằm cung cấp chứng cứ khách quan bảo vệ quyền lợi của mình. Bên cạnh đó, việc theo dõi sát sao các đề xuất đàm phán từ bên nguyên đơn và tích cực trao đổi với các bên liên quan là rất quan trọng để dự báo, quản lý rủi ro và đưa ra các quyết định linh hoạt, phù hợp với tình hình. Trong trường hợp có căn cứ cho rằng kết quả giải quyết tranh chấp không khách quan, doanh nghiệp cần thực hiện quyền khiếu nại theo quy định pháp luật.

Về vai trò của Bộ Công Thương, với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước về công nghiệp và thương mại cần phải nhanh chóng nắm bắt kịp thời các vụ kiện liên quan đến phòng vệ thương mại mà trong đó, doanh nghiệp Việt Nam là một trong những đương sự.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần phải có sự phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương trong việc bảo vệ tối đa quyền và lợi ích chính đáng của các doanh nghiệp Việt Nam trong các vụ kiện này. Đề xuất Bộ tham mưu cho các doanh nghiệp giải pháp đúng đắn, hữu hiệu sao cho vừa có thể giải quyết được tranh chấp liên quan đến phòng vệ thương mại, vừa giữ vững được đường lối quan hệ thương mại hòa bình, ổn định, hợp tác để cùng phát triển.

Ngoài ra, các DN cần thiết lập mạng lưới hỗ trợ và hợp tác với các đối tác quốc tế để giảm thiểu rủi ro khi bị áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại.

Tóm lại, việc các thị trường mới áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại sẽ yêu cầu các DN Việt Nam phải nâng cao khả năng thích ứng và phản ứng linh hoạt, đồng thời cải thiện năng lực cạnh tranh để bảo vệ và mở rộng thị trường xuất khẩu.

Tham khảo thêm >> Luật sư tư vấn về doanh nghiệp

0/5 (0 Reviews)

Tư vấn pháp lý

Liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ tư vấn 24/7

    Bài viết liên quan