ANTD.VN - Vừa qua, Ủy ban ATGT quốc gia đã đề nghị tỉnh Sơn La xác minh thông tin trên QL37 qua địa bàn tỉnh có tình trạng rải xốp gắn đinh trên đường do “đinh tặc” gây ra khiến nhiều phương tiện qua đây bị thủng lốp. Về chế tài xử lý đối với hành vi này, bài viết dưới đây có trích dẫn ý kiến của luật sư Nguyễn Tiến Hòa - Công ty Luật SBLAW.
Việc rải xốp gắn đinh diễn ra rất tinh vi. Các đối tượng đã gắn đinh vào nhiều mảnh xốp nhỏ rải trên mặt đường. Trên mỗi tấm xốp được gắn từ vài đến hàng chục chiếc đinh vít nên nếu xe cán phải, khả năng thủng lốp, mất lái, xảy tai nạn là rất cao. Đáng buồn đây chỉ một trong hàng loạt các vụ rải đinh “bẫy” phương tiện trong thời gian qua, gây bức xúc trong dư luận.
Vi phạm nhiều xử lý ít
Vào tháng 3-2016, một chiếc xe tải chở đầy hàng đông lạnh khi đang chạy với tốc độ khá cao từ TP.Hồ Chí Minh đi Bình Phước bất ngờ bị nổ lốp trước đâm vào chiếc xe nằm bên lề đường khiến 3 người trong cabin chết tại chỗ. Nguyên nhân dẫn đến tai nạn được xác định là do xe cán phải đinh trên đường.
Liên quan đến nạn “đinh tặc”, thời gian qua, một số đối tượng đã bị phạt tù do thực hiện hành vi này. Cách đây không lâu, TAND huyện Bến Cát (Bình Dương) đã mở phiên tòa lưu động xét xử vụ án “cố ý làm hư hỏng tài sản” đối với vợ chồng “đinh tặc” Phạm Văn Cảnh (32 tuổi) và Bùi Thị Nga (29 tuổi ở Nga Sơn, Thanh Hoá). Hành vi của các đối tượng này là mua dây đai thép rồi dùng kéo cắt thành hình mảnh thép hình thoi, sau đó rải các mảnh thép nhọn trên đường dẫn đến của hàng sửa xe của mình. Đến khi bị bắt, vợ chồng Cảnh đã thay 630 săm xe cho khách, 130 lốp xe và 30 cục IC, thu lợi bất chính 12 triệu đồng. HĐXX đã tuyên phạt Cảnh 22 tháng tù giam, Nga 12 tháng tù, đồng thời cấm các bị cáo hành nghề sửa trong 3 năm sau khi chấp hành hình phạt tù.
Trước đó, TAND thị xã Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương cũng đã xét xử nhóm “đinh tặc” rải đinh trên đại lộ Bình Dương gồm Lê Văn Khôi (sinh năm 1992), Phạm Tuấn Anh (sinh năm 1991) và Lê Xuân Chín (sinh năm 1986, cùng quê Hà Nam) với tội cố ý làm hư hỏng tài sản. Trung bình mỗi ngày, các đối tượng này đã rải từ 200 - 300 miếng thép hình tam giác xuống đoạn đường dài khoảng 1 km gần một cửa hàng sửa xe máy.
Có thể nói, việc cán phải đinh do các đối tượng rải trên đường thực sự là nỗi kinh hoàng với tất cả các chỉ phương tiện trong đó có lái xe ô tô, đặc biệt là khi xe đang lưu thông với tốc độ cao nhất là ở vị trí bánh trước. Tình trạng này diễn ra khá phổ biến ở mọi tỉnh thành, song số lượng “đinh tặc” bị xử phạt tù mới chỉ đếm trên đầu ngón tay nên không đủ sức răn đe.
“Đinh tặc” có thể phải ngồi tù tới 10 năm
Về chế tài xử lý “đinh tặc”, theo Luật sư Nguyễn Tiến Hòa – Công ty Luật SBLAW, điều 14, Nghị định 146/2007/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ quy định: Phạt tiền từ 2-3 triệu đồng đối với một trong các hành vi ném đinh, rải đinh hoặc vật sắc nhọn khác, đổ dầu nhờn hoặc các chất gây trơn khác trên đường bộ, chăng dây hoặc các vật cản khác qua đường gây ảnh hưởng trực tiếp đến người và phương tiện tham gia giao thông. Ngoài ra, người có hành vi vi phạm phải có các biện pháp khắc phục hậu quả như thu dọn đinh, vật sắc nhọn, tháo dỡ các vật cản và làm sạch mặt đường giao thông do vi phạm hành chính gây ra.
Điều 11 Nghị định 171/2013/NĐ-CP cũng quy định, phạt tiền từ 5-7 triệu đồng đối với cá nhân ném đinh, rải đinh hoặc vật sắc nhọn khác, đổ dầu nhờn hoặc các chất gây trơn khác trên đường bộ…gây nguy hiểm đến người và phương tiện tham gia giao thông.
Do hậu quả từ việc rải đinh trên đường là vô cùng nghiêm trọng nên BLHS 2015 đã có quy định về vấn đề này. Theo đó, người nào đào, khoan, xẻ, san lấp trái phép các công trình giao thông đường bộ; đặt, để trái phép vật sắc nhọn hoặc các chướng ngại vật khác gây cản trở giao thông đường bộ…thuộc một trong các trường hợp: Làm chết 1 người hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 1 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên; Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 2 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31-60%; Gây thiệt hại về tài sản từ 100-dưới 500 triệu đồng, thì bị phạt tiền từ 30-100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng-3 năm… Phạm tội làm chết 3 người trở lên, gây thiệt hại về tài sản 1,5 tỷ đồng trở lên thì bị phạt tù từ 5-10 năm. Phạm tội trong trường hợp có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả gây thiệt hại cho tính mạng, sức khỏe hoặc tài sản của người khác nếu không được ngăn chặn kịp thời thì bị phạt tiền từ 5-20 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 1 năm.
Như vậy, theo quy định trên, lực lượng chức năng chỉ cần bắt quả tang đối tượng rải đinh là có thể xử lý hình sự mà không cần phải chứng minh hậu quả gây ra. Mặc dù quy định trên hiện chưa có hiệu lực thi hành song điều này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan liên quan xử lý nghiêm “đinh tặc” trong thời gian tới, đảm bảo an toàn giao thông trên các tuyến đường.
Nguồn: http://m.anninhthudo.vn/chinh-tri-xa-hoi/can-xu-ly-hinh-su-doi-voi-dinh-tac/722003.antd