Cẩn trọng khi mua hàng trực tuyến giá rẻ

Nội dung bài viết

Bị cuốn vào cơn sốt mua hàng giá rẻ trên một số sàn thương mại điện tử xuyên biên giới xuất hiện gần đây, nhiều người tiêu dùng mới vỡ lẽ “rẻ mà chưa hẳn đã rẻ”. Cơ quan chức năng và các chuyên gia khuyến cáo người tiêu dùng cần cẩn trọng khi mua hàng trên sàn thương mại điện tử. Bài viết trên báo Hà Nội Mới có trích dẫn ý kiến của Luật sư Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch công ty luật SBLAW về vấn đề trên.

Tưởng rẻ mà không rẻ

Nghe nói sàn thương mại điện tử giá rẻ Temu tối ưu hóa khâu vận chuyển để hàng hóa đi thẳng từ công xưởng đến người dùng, chị Kim Dung (ở phố Nguyễn Khoái, quận Hai Bà Trưng) nhấp chuột vào sàn tìm hiểu.

Trên sàn thương mại điện tử này, đủ loại hàng hóa, từ điện tử, gia dụng đến thời trang, da giầy… được giới thiệu với giá rẻ bất ngờ do được khuyến mại ở nhiều mức, lên đến 90%.

Mua thử một con chuột máy tính có giá chỉ 76.546 đồng, khi nhận hàng và so sánh với một sàn thương mại điện tử khác, chị Kim Dung thấy sản phẩm không rẻ hơn là bao, chất lượng thì cần kiểm chứng thêm.

Cũng mua hàng trên sàn thương mại điện tử này, chị Minh Anh (ở phường Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm) cho biết, sản phẩm có chất lượng kém so với giá tiền, không ưng ý mà không đổi được hàng.

Cẩn trọng khi mua hàng trực tuyến giá rẻ - SBLAW.jpg
Cẩn trọng khi mua hàng trực tuyến giá rẻ

Thời gian qua, sự xuất hiện của các sàn thương mại điện tử có hàng hoá giá rẻ, nổi bật là Temu, đã gây ra “cơn sốt” trên thị trường Việt Nam.

Tuy nhiên, đối với giới chuyên gia, điều này không quá lạ. Theo chuyên gia thương mại điện tử, Giám đốc điều hành Công ty Accesstrade Việt Nam Đỗ Hữu Hưng, việc một số sàn thương mại điện tử mới gia nhập thị trường đưa ra nhiều ưu đãi với mức giảm giá lên tới 90% là chiến lược nhằm thu hút người tiêu dùng.

Thông thường trong các chiến lược marketing, 1/10 mặt hàng có mức giảm giá sâu như trên, còn phần lớn vẫn giảm ở mức 20% - 40%. So với hàng hóa trên thị trường, mức giá này chưa hẳn đã rẻ hơn.

Tương tự, ông Phạm Bình Minh, Ủy viên Ban Chấp hành Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam cho rằng, do gia nhập thị trường Việt Nam muộn hơn so với nhiều sàn thương mại điện tử lớn khác, nên Temu phải đưa ra chiến lược marketing gây ấn tượng mạnh để có được chỗ đứng.

“Ở giai đoạn đầu gia nhập thị trường mỗi doanh nghiệp đều dành chi phí marketing tương đối lớn để tiếp cận người tiêu dùng. Điều này có thể gây sốc, khiến nhiều người coi như hiện tượng đặc biệt, song thực tế trước đây, nhiều sàn thương mại điện tử cũng tiếp cận mang tính đột phá như vậy”, ông Bình Minh nói.

Thận trọng khi mua sắm trên sàn giá rẻ

Phân tích về sức hút của sàn thương mại điện tử giá rẻ trên thị trường, ông Bình Minh cho rằng, việc giảm giá sâu sẽ tạo cơn sốt trên thị trường với một bộ phận người tiêu dùng muốn dùng thử sản phẩm và dịch vụ, nhằm kiểm nghiệm uy tín, chất lượng.

Về cơ bản người tiêu dùng sẽ tìm hiểu và đánh giá trước khi quyết định có tiếp tục mua hàng trên các sàn này nữa hay không.

Bên cạnh đó, người tiêu dùng hiện cũng rất thông minh trong mua sắm trên mạng, họ có sự lựa chọn và so sánh, nên nhận biết nhiều mặt hàng có giá không rẻ hơn các sàn thương mại điện tử khác đã hiện hữu ở Việt Nam.

Cũng theo ông Bình Minh, mặc dù thị trường vẫn có nhu cầu với hàng giá rẻ song chiếm tỷ trọng không lớn.

Còn chuyên gia thương mại điện tử Đỗ Hữu Hưng cho rằng, giá rẻ chỉ là một phần trong chiến lược cạnh tranh trên thị trường và giá rẻ thôi là chưa đủ thu hút người tiêu dùng. Ông Hưng nêu, thực tế đã có giai đoạn thị trường ngập tràn xe máy Trung Quốc giá rẻ song hầu như không được người tiêu dùng trong nước đón nhận.

Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật SBLaw cho rằng, việc các nền tảng thương mại điện tử nước ngoài hoạt động tại Việt Nam mà không đăng ký có thể tạo ra nhiều thách thức về kiểm soát chất lượng hàng hóa, nguồn gốc sản phẩm và sự cạnh tranh công bằng với các doanh nghiệp trong nước.

Luật sư Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch công ty luật SBLAW
Luật sư Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch công ty luật SBLAW

Trước thực trạng trên, Bộ Công Thương yêu cầu Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tăng cường truyền thông, hướng dẫn người tiêu dùng thận trọng khi mua sắm trực tuyến trên các nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới.

Đặc biệt, tuyệt đối không giao dịch với các nền tảng khi chưa được Bộ Công Thương xác nhận đăng ký tại Cổng thông tin quản lý hoạt động thương mại điện tử.

Vụ Pháp chế phối hợp với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số rà soát các yếu tố pháp lý, đề xuất phương án xử lý các nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới hoạt động trái phép.

Đặc biệt, trong trường hợp phát sinh những vi phạm, bộ sẽ phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông để có biện pháp kỹ thuật ngăn chặn phù hợp.

Tham khảo thêm >> Tư vấn pháp luật thường xuyên

0/5 (0 Reviews)

Tư vấn pháp lý

Liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ tư vấn 24/7

    Bài viết liên quan