Dù chỉ mới đưa ra dự thảo nghị quyết lấy ý kiến đóng góp, nhưng quy định về hạn mức nợ thuế bị hoãn xuất cảnh của Bộ Tài chính đã gây được nhiều chú ý từ dư luận. Các chuyên gia đều cho rằng cần tính toán kỹ, phân loại doanh nghiệp để áp dụng mức nợ thuế phù hợp.
Theo đề xuất của Bộ Tài chính, cá nhân kinh doanh, chủ hộ kinh doanh có số tiền thuế nợ quá hạn trên 120 ngày từ 10 triệu đồng trở lên sẽ bị tạm hoãn xuất cảnh. Mức đưa ra với cá nhân là người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã nếu đơn vị nợ thuế quá hạn trên 120 ngày, là từ 100 triệu đồng trở lên. Riêng đối với người nộp thuế không còn hoạt động tại địa chỉ kinh doanh đã đăng ký mà vẫn còn nợ thuế thì cần áp dụng ngay biện pháp tạm hoãn xuất cảnh để thu hồi được nợ thuế vào ngân sách nhà nước. Cơ quan thuế sẽ thông báo tạm hoãn xuất cảnh bằng phương thức điện tử cho người nộp thuế.
Trường hợp không gửi được thông báo bằng phương thức điện tử thì cơ quan quản lý thuế thông báo trên trang thông tin điện tử của cơ quan quản lý thuế. Sau 30 ngày kể từ ngày thông báo cho người nộp thuế về việc sẽ áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh mà người nộp thuế chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế, cơ quan quản lý thuế sẽ có văn bản về việc tạm hoãn xuất cảnh gửi cơ quan quản lý xuất nhập cảnh để thực hiện biện pháp này.
Bộ Tài chính lựa chọn thời gian nợ trên 120 ngày để đảm bảo công tác thu hồi nợ đọng thuế, tăng tính tuân thủ của người nộp thuế, tránh nợ đọng dây dưa kéo dài khó thu hồi nợ, đồng thời tránh gây tác động lớn đến môi trường kinh doanh, hỗ trợ người nộp thuế, nuôi dưỡng nguồn thu ngân sách nhà nước. Theo tính toán của cơ quan thuế, nếu áp dụng đề xuất mức thuế để hoãn xuất cảnh nêu trên, có khoảng 380.000 cá nhân thuộc trường hợp tạm hoãn xuất cảnh. Như vậy, với đề xuất mới này, quy định có vẻ được “nới” hơn đối với người nợ thuế. Trước đó, theo ông Đặng Ngọc Minh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, pháp luật hiện hành quy định người nộp thuế có khoản nợ quá 90 ngày sẽ bị cưỡng chế, bất kể nợ thuế nhỏ hay lớn.
"Đây là quy định của pháp luật trong Luật Quản lý thuế, là biện pháp Nhà nước trang bị và yêu cầu cơ quan thuế thực hiện để đảm bảo các khoản thu ngân sách. Việc áp dụng tạm hoãn xuất cảnh chỉ là một biện pháp trong nhiều biện pháp cưỡng chế đối với các doanh nghiệp, cá nhân nợ thuế", ông Minh cho biết.
Được biết, khi áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh với người nợ thuế, tính đến tháng 9/2024, toàn ngành đã ban hành 23.747 thông báo tạm hoãn xuất cảnh với số tiền thuế nợ là 50.665 tỷ đồng, trong đó có 12.449 người nộp thuế bỏ địa chỉ kinh doanh với số tiền thuế nợ là 7.826 tỷ đồng. Cơ quan thuế đã thu được 1.844 tỷ đồng của 2.873 người nộp thuế đang bị tạm hoãn xuất cảnh (đó là chưa tính đến khoản nợ thuế cơ quan thuế thu được do người nộp thuế chủ động nộp khi chưa bị tạm hoãn xuất cảnh).
Đón nhận thông tin này, một số người nộp thuế cho rằng họ cảm thấy nhẹ nhõm. “Từ trước đến nay, tôi vẫn uỷ quyền cho cơ quan quyết toán thuế, nhưng do có những khoản thu nhập vãng lai, lại chủ quan nên tôi đã không rà soát nghĩa vụ thuế của mình. Gần đây có việc ra nước ngoài, được mọi người nhắc, tôi mới hốt hoảng làm thủ tục hoàn thành nghĩa vụ thuế. Dù có mấy triệu đồng, nhưng để đến khi ra sân bay rồi bị hoãn xuất cảnh thì sẽ trở tay không kịp. Tất nhiên nói như thế không có nghĩa nợ dưới 10 triệu đồng thì sẽ “trốn” nộp thuế, nhưng rõ ràng, việc quy định mức rõ ràng sẽ bớt áp lực cho người nộp thuế, đặc biệt là sẽ công bằng với những người chỉ nợ vài triệu tiền thuế, tránh kiểu đánh đồng với những người nợ hàng tỷ đồng tiền thuế”, chị Hà Hương, một người nộp thuế nêu ý kiến.
Trao đổi với PV Báo CAND, chuyên gia thuế Nguyễn Thị Cúc cho rằng, chủ trương hoãn xuất cảnh với những người nợ thuế là công cụ quan trọng để ngành Thuế thu hồi nợ, đảm bảo và tăng thu ngân sách, đồng thời đảm bảo tính công bằng cho tất cả mọi cá nhân thực hiện nghĩa vụ thuế. Việc quy định hạn mức cụ thể sẽ giúp cho việc thực thi thu hồi nợ thuế chuẩn xác hơn, đồng thời tránh việc áp dụng "cào bằng" biện pháp cấm xuất cảnh cho nhiều trường hợp nợ thuế với số tiền rất nhỏ, gây khó khăn lớn cho người nộp thuế và chính hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Đó là chưa nói lệnh tạm hoãn xuất cảnh đối với một doanh nhân đã ảnh hưởng nhiều đến uy tín cá nhân, thương hiệu doanh nghiệp…
Tuy nhiên, theo bà Cúc, cần mở rộng đối tượng, quy định rõ về từng đối tượng cụ thể như hộ cá nhân, quy mô của doanh nghiệp. “Để thực hiện quy định này, cần phải tính toán kỹ lưỡng để xác định ngưỡng nợ thuế, phải dựa trên tình hình kinh tế, quy mô của doanh nghiệp, không thể cào bằng khoản nợ thuế quá hạn tiền tỷ của các tập đoàn cũng giống như doanh nghiệp quy mô nhỏ, hộ cá nhân kinh doanh”, bà Cúc phân tích.
Đồng quan điểm, PGS.TS Vũ Sỹ Cường, Học viện Tài chính cũng cho rằng, để có ngưỡng phù hợp áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh với người nợ thuế, ngành thuế cần sử dụng công cụ thống kê, phân loại mang tính đặc thù của từng nhóm doanh nghiệp. Tuy nhiên, theo ông Cường, trong thực tế, ngay cả áp dụng ngưỡng nợ thuế làm căn cứ tạm dừng xuất cảnh cũng sẽ gặp khó khăn khi có những doanh nghiệp nợ nhiều nhưng không có nhu cầu ra nước ngoài, ngược lại, doanh nghiệp khác nợ ít do gặp khó khăn tạm thời nhưng có nhu cầu phải xuất cảnh để gặp đối tác, tìm kiếm đơn hàng… Vì thế, ngành thuế nên nghiên cứu và đưa vào quy định nhiều ngưỡng tạm hoãn xuất cảnh theo từng nhóm doanh nghiệp và theo giá trị nợ thuế.
Trong khi đó, phản biện theo góc nhìn của luật sư, LS Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty luật SBLAW cho rằng, việc Bộ Tài chính đưa ra mức như trên là chưa hợp lý vì mức nợ thuế với cá nhân là 10 triệu và doanh nghiệp là 100 triệu là quá nhỏ, đây là mức cào bằng giữa hộ cá nhân kinh doanh nhỏ lẻ, doanh nghiệp siêu nhỏ và doanh nghiệp lớn.
“Chúng ta cũng cần hiểu rằng, phần lớn doanh nghiệp và cá nhân nợ thuế là do khó khăn về tài chính, họ thực sự đã bị cán bộ thuế nhắc nhở nhiều lần và đã có quyết định xử phạt, tính lãi khoản chậm trả, về thâm tâm, họ thực sự muốn đóng khoản thuế đó chứ không phải chây ì. Vì khoản nợ càng lâu thì lãi chậm trả càng lớn, là gánh nặng cho doanh nghiệp. Trong bối cảnh cơ quan thuế còn nhiều biện pháp khác để thu thuế như biện pháp phong tỏa tài khoản của doanh nghiệp, người dân để cưỡng chế thu thuế và biện pháp không cho xuất hóa đơn đối với doanh nghiệp, đây là những biện pháp rất mạnh để đảm bảo cá nhân và doanh nghiệp thu xếp nguồn để trả nợ thuế thì biện pháp tạm hoãn xuất cảnh chỉ nên coi là biện pháp cuối cùng, chỉ nên áp dụng với các cá nhân và người đại diện doanh nghiệp khi họ có ý định xuất cảnh ra nước ngoài và định cư nhằm trốn tránh vĩnh viễn; không nên áp dụng biện pháp này khi mức nợ thuế nhỏ như đề xuất của Bộ Tài chính, nhất là Việt Nam có gần 5 triệu hộ kinh doanh nhỏ và hơn 90% là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Vì vậy, Bộ Tài chính nên nghiên cứu lại mức nợ thuế tối thiếu để bị tạm hoãn xuất cảnh, có thể áp dụng nhiều mức khác nhau với nhiều loại hình doanh nghiệp khác nhau, như thế thì sẽ thuyết phục hơn”, LS Hà góp ý.
Nguồn: https://cand.com.vn/doanh-nghiep/can-tinh-toan-ky-phan-loai-doanh-nghiep-khi-ap-muc-no-thue-cam-xuat-canh-i752713/
|