Luật sư Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch Công ty Luật TNHH SB LAW trả lời trên Truyền hình quốc hội về vấn đề trên. Dưới đây là nội dung chi tiết:
- Thưa ông, vừa qua tại ngân hàng Oceanbank xảy ra vụ hơn 20 khách hàng gửi tiền vào ngân hàng và bị mất 400 tỷ đồng. Ông đánh giá như thể nào về mức độ nguy hại này?
Luật sư trả lời:
Gửi tiền vào ngân hàng là lựa chọn của nhiều người bởi đây được xem là cách quản lý tài chính vừa an toàn vừa sinh lời. Thế nhưng, thời gian gần đây, đã có nhiều vụ lừa đảo tài sản do chính cán bộ ngân hàng thực hiện bằng nhiều hình thức khác nhau, số tiền hàng tỷ đồng “bốc hơi” khỏi tài khoản, sổ tiết kiệm mà khách hàng không hay biết.
Sự việc diễn ra tại Ocean Bank Hải Phòng vừa rồi có nội dung và diễn biến khá phức tạp. Theo thông tin báo chí thì tôi được biết hiện tại Cơ quan Công an đã khởi tố vụ án hình sự đối với cả bộ ba Giám đốc Chi nhánh – Trưởng phòng Kế toán kho quỹ - Kiểm soát viên có dấu hiệu câu kết để thực hiện hành vi chiếm đoạt về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo điều 139 Bộ Luật hình sự. Nếu đúng như thế thì người gửi tiền rất khó để bảo vệ mình trong tình huống này. Đến lúc này thì những người gửi tiền càng phải cẩn trọng hơn, cần thực hiện theo khuyến cáo như OceanBank đã đưa là đăng ký dịch vụ SMS Banking, InternetBanking để cập nhật xem tiền gửi của mình đã đi vào Hệ thống Ngân hàng hay chưa.
- Dù sự việc xảy ra là do các cán bộ của ngân hàng câu kết lừa đảo chiếm đoạt tài sản của khách hàng. Nhưng đứng ở góc độ trách nhiệm, ở đây ngân hàng Oceanbank có phải chịu trách nhiệm liên đới không thưa ông?
Luật sư trả lời:
Hiện tại, vụ việc cho thấy đã có dấu hiệu hình sự và đã khởi tố vụ án, nên chắc chắn phải chờ kết luận từ cơ quan điều tra. Cho dù người dân có đúng hoàn toàn, không vi phạm, sai trái gì cũng phải chờ tòa án hình sự kết luận, mới biết trách nhiệm của ai.
Theo quan điểm của tôi, các ngân hàng có trách nhiệm xây dựng quy chế, quy trình và tổ chức cơ chế kiểm soát rủi ro, kiểm soát tuân thủ chặt chẽ đối với các nghiệp vụ của tổ chức mình, đặc biệt là nghiệp vụ giao dịch kho quỹ, nhận tiền gửi. Về nguyên tắc, khi người dân gửi tiền tới ngân hàng, người dân chỉ biết ngân hàng chứ không biết nhân viên là ai, khi đó trách nhiệm phải thuộc về ngân hàng.
Nếu cơ quan điều tra đưa ra kết luận lỗi không phải của khách hàng, các giao dịch được thực hiện bởi những người có trách nhiệm của ngân hàng, có giấy tờ và con dấu xác nhận của ngân hàng đó thì chắc chắn Ngân hàng phải có trách nhiệm hoàn tiền cho người gửi tiền, ngân hàng muốn lấy lại tiền phải đòi từ những nhân viên lừa đảo, trừ trường hợp nhân viên ngân hàng đi làm ăn ngoài, đến nhà vay mượn, … lợi dụng uy tín, đồng phục giám đốc của ngân hàng. Hơn nữa, tiền gửi là một mảng cốt yếu, quan trọng liên quan đến hoạt động bình thường của các tổ chức tín dụng. Nếu đảm bảo được nguyên tắc xử lý này thì người dân sẽ tuyệt đối yên tâm khi mang tiền đi gửi tại các tổ chức tín dụng.
- Và để xảy ra tình trạng này, phải chăng là quy trình thủ tục của ngân hàng có lỗ hổng tạo điều kiện để nhân viên thực hiện được hành vi chiếm đoạt tài sản?
Luật sư trả lời:
Tại Việt Nam sự thiếu sót, sơ hở trong kiểm soát quy trình cùng với lòng tham của con người đã tạo ra rủi ro. Những vụ lừa đảo, thất thoát tài sản liên quan tới các ngân hàng, dù do nhân viên ngân hàng thực hiện hay do thiếu trách nhiệm gây ra hậu quả nghiêm trọng đều cho thấy “lỗ hổng” trong nghiệp vụ của các ngân hàng, thể hiện từ khâu vận hành quy chế cho đến vấn đề đào tạo quản lý con người và đạo đức nghề nghiệp của các nhân viên thuộc hệ thống các ngân hàng thương mại hiện nay. Để xảy ra điều này, uy tín của ngân hàng bị ảnh hưởng không nhỏ và trong trường hợp là bị hại, ngân hàng rất khó thu hồi số tiền thất thoát.
Vụ việc tại ngân hàng Oceanbank, diễn ra từ năm 2012, nhưng mãi gần đây mới phát hiện ra, theo tôi, nếu là nhân viên chiếm đoạt thì chắc chắn phải có sự thông đồng giữa nhân viên nhận tiền gửi, người kiểm soát, người đại diện trong ban giám đốc. Trong trường hợp này, phía ban kiểm soát của OceanBank khó có thể biết được. Do vậy, để hạn chế thiệt hại thì việc phòng ngừa rủi ro thông qua quản trị rủi ro tín dụng và quản trị rủi ro đảm bảo, đặc biệt là phải quản lý chặt khâu nhận tài sản đảm bảo đối với các ngân hàng là đặc biệt quan trọng.
- Với tư cách là luật sư, ông có thể tư vấn giúp người dân khi xảy ra tình trang tương tự họ cần phải làm gì?
Luật sư trả lời:
Hiện các ngân hàng có dịch vụ SMS Banking, nếu chủ thẻ sử dụng dịch vụ này, khi thực hiện giao dịch rút tiền, ngân hàng sẽ thông báo tin nhắn đến chủ thẻ.
Ngay khi phát hiện tiền trong tài khoản bị mất mà không phải do chủ thẻ thực hiện giao dịch, chủ thẻ cần ngay lập tức báo cho ngân hàng biết và yêu cầu ngân hàng kiểm tra, thậm chí khóa tài khoản. Sau đó, chủ tài khoản làm văn bản gửi đến ngân hàng để yêu cầu giải quyết.
Người dân vẫn có cơ hội lấy lại được tiền, nếu đưa ra được các chứng cứ hợp lý. Cơ quan điều tra sẽ xem xét cả nguồn tiền của người dân từ đâu, gửi tiền có người làm chứng không. Ngân hàng còn camera ghi hình không, và vấn đề là số tiền phụ thuộc vào chứng cứ trong quá trình điều tra. Các khách hàng nên nộp tất cả chứng cứ có được liên quan đến số tiền gửi đó. Chứng cứ càng nhiều, càng thuyết phục thì cơ hội lấy lại tiền càng lớn.
Là luật sư lâu năm hoạt động trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, theo tôi để tránh những sự việc đáng tiếc diễn ra như trên, người dân:
-Nên kiểm tra số dư tài khoản định kỳ: người dân có thể thực hiện kiểm tra số dư tài khoản tiền gửi định kỳ hàng tuần hoặc hàng tháng một cách đơn giản qua Internet Banking hoặc Mobile Banking hay đến trực tiếp phòng giao dịch của ngân hàng.
Việc làm này nhằm giúp người dân có thể nhanh chóng phát hiện những biến động số dư bất thường. Nếu bị mất tiền, người dân có thể nhanh chóng báo ngay với ngân hàng và cơ quan chức năng để có biện pháp giải quyết.
-Nên giao dịch tại quầy: dù là khách hàng cá nhân hay doanh nghiệp có tiền gửi ngân hàng đều nên đến giao dịch trực tiếp tại quầy (trừ hình thức gửi tiền online). Bởi, khi giao dịch tại quầy sẽ được camera ghi hình và đây là bằng chứng rất tốt khi có sự cố xảy ra sau này.
- Nên gửi tiền tiết kiệm đúng quy trình: người dân nên nhận đủ chứng từ và sổ tiết kiệm ngay khi gửi tiền vào ngân hàng. Và kiểm tra thật kỹ các chi tiết trong chứng từ và sổ để tránh rủi ro cho mình.